ĐÔNG ĐÔ, KHUÊ VĂN CÁC - Lịch sử- Truyền thống (GS. Nghiêm Đình Vỳ)

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của chúng ta có lịch sử lâu đời. Năm 544, sau khi tiêu diệt quân Lương, Lý Bí xưng là Lý Nam Đế, tuyên bố thành lập nước lấy hiệu là Vạn Xuân (544 - 603), đặt kinh đô ở Long Biên (Hà Nội hiện nay). Vào khoảng đầu thế kỷ VII, bọn phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta đã cho xây thành mới sát sông Tô Lịch gọi là La thành .

 Sang thế kỷ IX, Cao Biền xây lại phủ thành bằng đất ở phía đông La thành cũ với qui mô rộng lớn hơn trước; đồng thời lại cho đắp một đường đê bao bọc ở phía ngoài gọi là thành Đại La. Năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền giành được quyền tự chủ, mở đầu thời kỳ độc lập xây dựng quốc gia phong kiến, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội).

Khi Đinh Tiên Hoàng xưng Đế vào năm 968, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư(Ninh Bình) là căn cứ địa cũ của mình để đóng đô.

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi vẫn lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, thấy cố đô Hoa Lư của nhà Đinh và nhà Tiền Lê ở nơi hẻo lánh, chật hẹp không thuận lợi cho việc xây dựng kinh đô và lãnh đạo đất nước nên đã quyết định đổi Hoa Lư thành phủ Trường An và dời đô đến Đại La. Trong chiếu dời đô của Lý Thái Tổ có viết: "Thành Đại La là đô cũ của Cao  Biền, nằm  ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí ở giữa bốn phương đông, tây, nam, bắc; tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó, địa thế rộng và bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất phong phú, tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương".

Khi dời đô đến Đại La, Lý Thái Tổ quyết định cho xây thành mới gọi là Thăng Long ở phía đông thành Đại La cũ gần sông Hồng. Dã sử có ghi lại một câu chuyện hoang đường nhưng lý thú để giải thích sự đổi tên này. Tục truyền khi thuyền của vua Lý Thái Tổ ngược dòng sông tới gần thành Đại La thì xa xa từ phía thành ấy bay lên trời một con rồng lớn uốn lượn rồi biến vào trong mây. Lý Thái Tổ cho là điều tốt nên đặt tên mới là Thăng Long, tức là Rồng lên. Con rồng linh thiêng mạnh mẽ trở nên biểu tượng của Thăng Long - Kinh đô nước Đại Cồ Việt.

Nhà Trần thành lập năm 1225, lấy quốc hiệu là Đại Việt và vẫn đóng đô ở Thăng Long. Nhà Trần chú trọng tổ chức bảo vệ cai trị Thăng Long có nề nếp, mở rộng thành và đổi tên là Trung Kinh. Dưới triều Trần, Thăng Long không những là một trung tâm chính trị, văn hoá, mà còn là một trung tâm kinh tế sầm uất. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, chúng cố sức đánh chiếm Thăng Long. Nhưng cả ba lần (1258, 1285, 1287 - 1288) chúng đều thất bại nhục nhã trước tinh thần kháng chiến anh dũng của nhân dân ta để bảo vệ kinh thành.

Năm 1400, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, bỏ Thăng Long đến đóng đô ở chân núi An Tôn, gọi là Tây Đô, tức là Tây Giai, thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá. Cũng bắt đầu từ đó Thăng Long được gọi là Đông Đô. Như vậy Đông Đô- tên gọi của  Hà Nội xưa đã xuất hiện cách ngày nay hơn 600 năm. Nhà Hồ trị vì được 7 năm thì bọn phong kiến nhà Minh sang cướp nước ta. Cha con họ Hồ bị bắt, nhân dân ta phải chịu ách đô hộ của ngoại bang trong vòng 20 năm. Suốt thời gian ấy chúng gọi Đông Đô là Đông Quan. Nhân dân ta bị áp bức bóc lột nặng nề. Những trí thức yêu nước đều bỏ trốn không chịu phục vụ triều đình nhà Minh .

Năm 1418 Lê  Lợi khởi binh ở Lam Sơn. Sau 10 năm kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng, Lê  Lợi đã giành lại cố đô trở về với dân tộc. Năm 1428 Lê  Lợi chính thức lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại Việt và đóng đô ở Đông Đô, nhưng lại lập một kinh đô nữa ở Lam Sơn gọi  là Lam Kinh hay Tây Kinh. Năm 1430 nhà Lê đổi tên Đông Đô thành Đông Kinh.  Tháng 06/1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập lên triều  Mạc (1527-1592). Đông Kinh trở lại với tên gọi là Thăng Long - Đô thành của triều Mạc. Năm 1592 sau khi đánh bại quân Mạc, quận Trịnh chiếm Thăng Long và bắt đầu thời kỳ chính quyền vua Lê - chúa Trịnh kéo dài đến năm 1786. Đây chính là giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Phong trào Tây Sơn phát triển từ 1781 là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nông dân ở thế kỷ XVIII. Năm 1786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến công ra Bắc, giải phóng Thuận Hoá, Phú Xuân và thừa thắng tiến ra Đằng Ngoài, lật đổ chế độ chúa Trịnh, làm chủ kinh thành Thăng Long, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước đã bị Trịnh - Nguyễn phân chia trên 2 thế kỷ (1545 - 1786).

Trước sự xâm lược của quân Mãn Thanh, sáng ngày 05 tết Kỷ Dậu (30/01/1789) quân Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã tiến đánh Ngọc Hồi, Đống Đa, đánh tan 29 vạn quân Thanh giải phóng Thăng Long. Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (Huế), Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành (Bắc Bộ ngày nay).

Năm 1802 Nguyễn Ánh đánh bại chính quyền Quang Toản, lập nên triều Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân. Năm 1831 Minh Mạng cải tổ bộ máy hành chính, chia cả nước thành 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Hà Nội nghĩa là phía trong sông vì lúc đó Hà Nội được bao quanh bởi sông Hồng và sông Đáy.

Ngày 25/04/1882 quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Trước sự yếu hèn của triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp đã đặt được ách nô dịch lên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhân dân ta đã sôi sục chống thực dân Pháp suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Ngày 19/08/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội do Thành uỷ Hà Nội lãnh đạo đã thắng lợi. Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam. Ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam mới.

 Nhân dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Ngày 10/10/1954 Hà Nội được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Cùng với nhân dân cả nước, quân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ Thủ đô, lập nên trận Điện Biên Phủ trên không (12/1972), góp phần giành toàn thắng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/04/1975). Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976).

 Năm 1999 Hà Nội được Uỷ ban Giáo dục - Khoa học - Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao giải thưởng TP vì Hoà bình. Năm 2000 Đảng và Nhà nước tặng Hà Nội danh hiệu Thủ đô Anh hùng.

 Ngày 01/08/2008 Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính (với diện tích 3324km2, dân số gần 6 triệu người, 29 đơn vị hành chính quận, huyện; 575 đơn vị xã, phường, thị trấn) theo Nghị quyết 15 của Quốc hội Khoá XII nước CHXHCN Việt Nam. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử phát triển của Thủ đô, tạo điều kiện và tiền đề để xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21 và xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 Từ hơn 1000 năm nay, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội - Thủ đô của chúng ta luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Những tên gọi đó là biểu tượng của tinh thần quật khởi dân tộc, của ý chí dựng nước, giữ nước của cha ông ta và tài năng sáng tạo của trí tuệ Việt Nam trong những chặng đường chông gai và hào hùng của lịch sử dân tộc. Tên gọi Đông Đô là nguồn nhựa sống bất tận của lịch sử nuôi dưỡng nhắc nhở Thầy và trò Trường Phổ thông Đông Đô hãy phát huy truyền thống của dân tộc, của kinh thành Đông Đô trong dòng chảy của lịch sử đương đại.

Tại sao Trường Phổ thông Đông Đô chọn hình ảnh Khuê Văn Các trong biểu tượng của mình?


Để tìm hiểu sự ra đời của Khuê Văn Các, chúng ta hãy quay về thời gian Nhà Lý đóng đô ở Thăng Long. Năm 1070 Nhà Lý cho lập tại kinh thành Thăng Long một nhà Văn Miếu để thờ Khổng Tử và lấy đó làm nơi để Thái tử đến học tập. Năm 1076 lập Trường Quốc Tử Giám ở gần Văn Miếu làm nơi học tập cho con em các quan lại. Năm 1253 nhà Trần lập Viện Quốc học để tuyển lựa những học sinh ưu tú trong nước về đây học tập.

 Bên cạnh những trường học lớn của nhà nước, tại Thăng Long thời kỳ ấy cũng đã có những trường tư do các danh nho, danh sỹ đương thời thành lập. Giữ thế kỷ XIII, người con thứ của Trần Thánh Tông có tài văn chương đã mở trường ngay cạnh nhà riêng tại Thăng Long tập hợp các nho sỹ bốn phương. Giữa thế kỷ XIV, danh nho Chu Văn An, nhà giáo nổi tiếng thời bấy giờ cũng mở trường dạy học tại Thăng Long.

 Khoa cử cũng được đặt ra đồng thời với việc tổ chức học tập. Các khoa thi cao nhất là Thi Hội, Thi Đình đều được tổ chức tại kinh thành Thăng Long. Tiếp sau nhà Trần, các triều đại khác cũng đều chú ý đến sự nghiệp giáo dục. Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của nước ta được tiếp tục tu sửa thêm.

 Đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn cho xây Khuê Văn Các ở trước Văn Miếu, bỏ nhà Thái học, sửa chữa nhà Chính tâm, xây tường bao quanh Văn Miếu. Từ đó hình ảnh Khuê Văn Các gắn liền với Văn Miếu, với Quốc Tử Giám. Đó là biểu tượng của nền giáo dục cổ truyền Việt Nam, của truyền thống hiếu học của cha ông, của đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 Biểu tượng Khuê Văn Các nhắc nhở động viên tinh thần ham học, ham hiểu biết của tuổi trẻ Trường phổ thông Đông Đô, nhằm vươn tới làm chủ tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, bồi dưỡng nhân cách người Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

GS. Nghiêm Đình Vỳ