TỔNG HỢP Ý KIẾN TRAO ĐỔI TẠI TỌA ĐÀM THI TỐT NGHIỆP THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 - GÓC NHÌN TỪ CƠ SỞ

Ngày 15/04/2023, Trường THPT phối hợp cùng Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, Trung tâm Sáng tạo Việt tổ chức Tọa đàm Thi tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - Góc nhìn từ cơ sở.

Tham dự buổi Tọa đàm có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh với tổng số người dự 92. Các nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh đã phát biểu:

  1. PGS. Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục vì mọi người, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam
  2. PGS. Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục
  3. PGS. Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý giáo dục (nay là Học viện quản lý giáo dục), Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Sáng tạo Việt
  4. GS.NGND. Đinh Quang Báo, Nguyên Hiệu trưởng, Trường ĐHSP Hà Nội, Thành viên Ban phát triển Chương trình tổng thể Chương trình GDPT 2018
  5. PGS. Nghiêm Đình Vỳ, Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

    Thành viên Ban phát triển Chương trình môn học Chương trình GDPT 2018

  1. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam
  2. TS. Nguyễn Phú Tuấn, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục
  3. ThS. Đặng Tự Ân, Giám đốc, Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục phổ thông
  4. TS. Trần Bá Trình, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐHSP Hà Nội
  5. Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh
  6. Nhà giáo Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền
  7. ThS. Vũ Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô
  8. Ông Trần Hữu Lập, Phụ huynh lớp 10C2
  9. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban phụ huynh lớp 10C2
  10. Học sinh Nguyễn Hồng Nhung, Lớp trưởng lớp 10C1
  11. Học sinh Hà Kiều Anh, Lớp phó lớp 10A1
  12. Học sinh Nguyễn Văn Huy, Lớp phó lớp 10C1

 

Chủ tọa buổi tọa đàm:

- PGS. Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục vì mọi người, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam

- PGS. Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục

- PGS. Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm  Sáng tạo Việt

- TS. Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô

Ban tổ chức xin được tập hợp ý kiến trao đổi như sau:

  1. Trong báo cáo đề dẫn TS. Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô đã phân tính các đặc điểm cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề xuất các căn cứ để lựa chọn phương án thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2018 (văn bản kèm theo). TS. Võ Thế Quân đề xuất:
  2. Khôi phục lại kỳ thi tốt nghiệp THCS để đánh giá kết quả giáo dục phổ cập/giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 làm cơ sở để phân luồng sau THCS (khoảng 30% theo học các trường nghề, 70% học lên THPT).
  3. Không tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức tập trung thống nhất trong toàn quốc như hiện nay vì Chương trình THPT là giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn 4 môn học và 3 cụm chuyên đề phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai. Kết quả học tập của học sinh bậc THPT rất đa dạng, do đó nếu thi tốt nghiệp như hiện nay sẽ không thực hiện được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Việc tổ chức thi tập trung sẽ rất phức tạp, tốn kém nhân lực, vật lực, tài lực và thời gian.

Vì vậy không nên tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức tập trung trên phạm vi cả nước như hiện nay mà các trường THPT tự tổ chức đánh giá, kiểm tra định kỳ cuối năm học lớp 12 ở tất cả các môn để đánh giá kết quả học tập của học sinh làm cơ sở để cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh (như cách làm hiện nay đối với lớp 9).

  1. Nếu theo đề xuất trên thì cần kiến nghị với Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Quốc hội sửa điều 34, điều 45 của Luật Giáo dục 2019 làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện (văn bản kèm theo).
  2. Các ý kiến trao đổi đều thấy cần phục hồi kỳ thi tốt nghiệp THCS để đánh giá đúng chất lượng giáo dục cơ bản theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  3. Các ý kiến cho rằng cần giao quyền tự chủ cho các Trường THPT trong việc đánh giá, kiểm tra để xác định mức độ hoàn thành chương trình học tập của học sinh ở bậc THPT vì các môn học lựa chọn của học sinh rất đa dạng; các trường đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh làm cơ sở để cấp Bằng tốt nghiệp THPT và như vậy sẽ thực hiện được việc chuyển từ tư duy dạy và học ứng thi sang dạy và học phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp tương lai đúng với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  4. Về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều ý kiến khác nhau:

- Có ý kiến tán thành phương án thi 4 môn bắt buộc + 2 môn lựa chọn như đề xuất của Bộ GDĐT. Tuy nhiên các đại biểu bày tỏ sự lo lắng về công tác chuẩn bị đề thi vì thời gian gấp (từ giữa năm 2024 đến giữa năm 2025), số lượng đề thi lớn (11 môn, trước đây có 9 môn) và nội dung đề thi theo yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh hoàn toàn khác đề thi hiện nay, do đó đề nghị Bộ GDĐT cần có kế hoạch tỷ mỷ để đảm bảo chất lượng đề thi vì đây là khâu quyết định tới chất lượng của kỳ thi.

- Có ý kiến đề nghị nên thi 3 môn cho học sinh được lựa chọn trong số 4 môn bắt buộc + 7 môn lựa chọn như Bộ GDĐT đề xuất.

Lý do là thi 3 môn đáp ứng nhu cầu định hướng nghề nghiệp của học sinh, không gây áp lực nặng nề cho học sinh và giáo viên.

Ví dụ học sinh có nguyện vọng vào các trường khối kỹ thuật, công nghệ (khối A) thì chỉ cần thi Toán, Vật lý, Hóa học/ hoặc Toán, Hóa học, Sinh học (khối B). Học sinh có nguyện vọng vào các ngành KHXH (khối C) thì thi 3 môn Ngữ văn, Lịch sử,  Địa lý…

- Về mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT đa số ý kiến cho rằng chỉ nên đặt một mục tiêu tốt nghiệp THPT đúng như tên gọi của kỳ thi không nên đưa thêm mục tiêu làm cơ sở xét tuyển đại học. Vì đề thi 2 trong 1 là rất khó hợp lý (vì 2 mục tiêu khác nhau).

- Về nội dung thi Bộ nên ghi rõ trong chương trình THPT chủ yếu ở lớp 12 như Quy chế thi tốt nghiệp hiện nay vì nếu không có câu “chủ yếu ở lớp 12” sẽ gây hoang mang lo lắng cho học sinh và giáo viên trong việc ôn tập.

- Về hình thức thi: Nhiều ý kiến băn khoăn về thi trên máy tính sau 2030 vì quá tốn kém, lãng phí về thiết bị, tiền của, nhân lực, thời gian và rất phức tạp cho công tác tổ chức thi. Vì vậy nếu thi thì nên thi trên giấy như hiện nay.

  1. Việc xét tuyển đại học giao cho các trường đại học tự chủ theo Luật Giáo dục đại học. Với các phương án thi, xét tuyển vào đại học như hiện nay sẽ giúp cho các trường đại học chủ động tuyển sinh ngay cả trường hợp không tổ chức thi tốt nghiệp tập trung như hiện nay.

Bộ GDĐT giữ vai trò quản lý nhà nước, ban hành các quy chế tuyển sinh đại học cho các trường thực hiện, Bộ không làm thay các trường về công tác tuyển sinh.

  1. Thi tốt nghiệp THPT theo hình thức nào cũng đều liên quan tới hàng triệu học sinh, hàng triệu gia đình học sinh và hàng chục vạn cán bộ giáo viên do đó Bộ GDĐT nên tham khảo ý kiến rộng rãi, đặc biệt cần quan tâm tới đối tượng chịu tác động nhiều nhất là các em học sinh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, nói với trẻ em bằng hành động”, cần tôn trọng ý kiến của học sinh, đối tượng yếu thế trong xã hội nhưng lại là lực lượng chính thực hiện Chương trình GDPT 2018.
  2. Kính mong Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Bộ GDĐT tham khảo, nghiên cứu các ý kiến trên đây để tìm ra giải pháp tối ưu, tiết kiệm thời gian, sức người, sức của mà đạt hiệu quả cao nhất theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu làm theo cách như Chương trình GDPT 2006 hiện nay sẽ dẫn tới thất bại Chương trình GDPT 2018.

Xin trân trọng kính mời các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, những người quan tâm tới sự nghiệp phát triển giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh tham gia đóng góp ý kiến về Thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018.

Các ý kiến góp ý xin gửi về địa chỉ email: vanphong@dongdops.edu.vn

Xin trân trọng cảm ơn!