BÀN VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP THPT

BÀN VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN

PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP THPT

(Tham luận của TS. Võ Thế Quân tại Hội thảo "10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" do Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tổ chức vào ngày 9/6/2023

Kính mời các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh và những người quan tâm tới giáo dục cùng chia sẻ vấn đề Đổi mới căn bản phương thức thi tốt nghiệp THPT)

 

 Võ Thế Quân

Chủ tịch Hội đồng trường

Trường THTP Đông Đô

Email:vanphong@dongdops.edu.vn

ĐT: 024 3753 1676

 

 

Mùa hè năm 2024 sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Năm 2025 khóa học sinh THPT đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra như thế nào ?” là vấn đề cần được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau để tìm ra giải pháp phù hợp.

I. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI Đảng Cộng sản Việt Nam về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” (NQ 29) và các văn bản pháp quy liên quan tới việc tổ chức thi và đánh giá ở bậc phổ thông.

I.1. Nghị quyết 29-NQ/TW

Nghị quyết 29 là một Nghị quyết rất quan trọng của Đảng ta về lĩnh vực giáo dục, khẳng định vai trò giáo dục là quốc sách hàng đầu, đồng thời xác định phương hướng phát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mở ra một giai đoạn phát triển mới trong giáo dục ở Việt Nam. Nghị quyết 29 đã đề cập toàn diện tới các vấn đề của giáo dục. Trong phạm vi bài viết này xin được trích dẫn một số đoạn trong Nghị quyết 29 liên quan tới vấn đề thi và đánh giá trong giáo dục:

- “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”

- “ Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, là cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”

- “ Đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT

- “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo”

- “Thực hiện đào tạo theo tín chỉ”

- “ Đổi mới phương pháp tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở PT và yêu cầu của ngành đào tạo”… “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh)

I.2. Luật Giáo dục 2019

Hiện nay Luật Giáo dục 2019 quy định về việc cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên như sau:

“Điều 34 Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT:

  1. Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.
  2. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh).

“Điều 45. Đánh giá, công nhận kết quả học tập (đối với học viên GD thường xuyên)

  1. Học viên học hết chương trình phổ thông quy định tại điểm D khoản 1 điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh).

Như vậy để được cấp Bằng tốt nghiệp THCS, học sinh chỉ cần học hết chương trình THCS, đủ điều kiện thì được cấp bằng tốt nghiệp THCS (không phải thi), để được cấp bằng tốt nghiệp THPT học sinh phải học hết chương trình THPT đủ điều kiện và phải qua kỳ thi.

I.3. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành theo Thông số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018:

“Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình…”

“Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh”

“Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục”

“Cùng với kết quả các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập”.

Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, đảm bảo chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình” (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh)

“Nhà trường có sứ mệnh phát triển  nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi; là trung tâm văn hóa giáo dục của địa phương; được giao quyền tự chủ theo quy định của pháp luật” (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh)

I.4. Điều lệ trường THCS, trường THPT  và trường phổ thông có nhiều cấp học, ban hành theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020.

Điều 22. Đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh

“2. Việc kiểm tra đánh giá học sinh được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành; đảm bảo tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; không so sánh học sinh  này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”

“5. Học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định của Bộ GDĐT thì được dự thi tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GDĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh)

I.5. Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT, ban hành theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 30/7/2021:

Điều 2: “Đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh là hoạt động thu thập, phân tích, xử lý thông tin thông qua quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình rèn luyện và học tập của học sinh trong các môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục của địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông… ”

Đánh giá định kỳ là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện và học tập sau một giai đoạn trong một năm học nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin phản hồi cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh để điều chỉnh hoạt động dạy học; xác nhận kết quả đạt được của học sinh”.

Điều 3: “Mục đích đánh giá: Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông…”

Điều 18: “Trách nhiệm của Hiệu trưởng: Tổ chức thực hiện việc đánh giá học sinh theo quy định của Thông tư này tại cơ sở giáo dục”

Điều 19: “Trách nhiệm của giáo viên môn học: Thực hiện đánh giá thường xuyên; tham gia đánh giá định kỳ theo phân công của Hiệu trưởng”

(Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh)

II. Đặc điểm cơ bản của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chia quá trình học tập của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 theo 2 giai đoạn (Luật Giáo dục 2019 - điều 28, 29; Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT ban  hành Chương trình giáo dục phổ thông):

- Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 nhằm cung cấp “học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp” (Luật Giáo dục 2019, điều 29). Giáo dục tiểu học là Giáo dục bắt buộc, Giáo dục THCS là Giáo dục phổ cập (Luật Giáo dục 2019, điều 14).

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12 nhằm “hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động xây dựng bảo vệ Tổ quốc” (Luật Giáo dục 2019, điều 29). Đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp sớm từ lớp 10.

Thực hiện mục tiêu định hướng nghề nghiệp nên ngay từ lớp 10 chương trình giáo dục mới bậc THPT được tổ chức như sau:

- Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, GDQP-AN.

- Các hoạt động giáo dục bắt buộc: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương.

- Các môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, GDKT&PL, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh chọn học 4 môn.

- Các cụm chuyên đề lựa chọn: Trừ môn Ngoại ngữ, các môn học còn lại đều có các chuyên đề (3 chuyên đề/môn học) nhằm đi sâu vào kiến thức môn học định hướng nghề nghiệp. Học sinh chọn học 3 cụm chuyên đề.

- Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2 (nếu học sinh có nguyện vọng, nhà trường có điều kiện tổ chức).

Mỗi học sinh THPT được học tập với nội dung sau:

6 môn học bắt buộc + 2 hoạt động giáo dục bắt buộc + 4 môn học lựa chọn + 3 cụm chuyên đề lựa chọn (tổng 9 chuyên đề) + Môn học tự chọn (nếu học sinh có nguyện vọng).

Như vậy, việc lựa chọn môn học và lựa chọn các cụm chuyên đề dẫn tới chương trình học tập của học sinh rất đa dạng. Đây chính là mục đích của Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp tương lai trong xã hội. Đây cũng chính là điểm mới nổi bật nhất của Chương trình GDPT 2018.

III. Đổi mới căn bản phương thức tổ chức thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2018.

III.1. Các nguyên tắc đổi mới căn bản phương thức thi tốt nghiệp:

Để làm cơ sở cho việc lựa chọn phương thức tổ chức thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2018 cần xác định một số nguyên tắc cơ bản sau:

  1. Căn cứ vào Nghị quyết 29 và các văn bản pháp quy (mục I)
  2. Đáp ứng mục tiêu đào tạo của chương trình GDPT 2018 (mục II)
  3. Phù hợp với thực tiễn GDPT, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội
  4. Phù hợp với yêu cầu tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
  5. Thực hiện chính sách “Tiết kiệm là quốc sách”

III.2. Không thể và không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung trên phạm vi cả nước theo chương trình GDPT 2018

Với cách tổ chức đào tạo theo Chương trình GDPT 2018, khi học hết lớp 12 học sinh có vốn kiến thức văn hóa khác nhau theo các chương trình khác nhau (có thể xem đây là chương trình học tập cá nhân). Chính vì vậy không thể và không cần tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GDĐT.

Không thể là vì học sinh học với nhiều môn lựa chọn khác nhau nên tổ chức thi tập trung, đại trà cho khoảng 1 triệu học sinh lớp 12 cả nước rất phức tạp và tốn kém về nhân  lực, tài lực, thời gian (ví dụ: Không thể thi môn TD, Âm nhạc, Mỹ thuật…).

Không cần là vì mục đích của Chương trình THPT là định hướng phát triển nghề nghiệp nên việc học của học sinh chính là sự chuẩn bị hành trang kiến thức cho các nghề nghiệp tương lai

Trong thực tiễn nếu tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung thì đến lớp 12 (thậm chí có thể sớm hơn từ lớp 10, 11) học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp nên sẽ phá vỡ mục tiêu định hướng nghề nghiệp. Và nếu như vậy thì Chương trình GDPT 2018 sẽ thất bại.

Cần kiên quyết chuyển tư duy từ dạy và học ứng thi như hiện nay sang dạy và học phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp tương lai cho học sinh theo mục tiêu của chương trình GDPT 2018.

Từ đó xin kiến nghị:

  1. Khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình GDPT 2018 (từ năm 2025) thì Hiệu trưởng Trường THPT tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức thi cuối kỳ các môn học lớp 12 và xác nhận hoàn thành chương trình THPT sau đó Giám đốc Sở GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Cách làm này tương tự như lớp 9 hiện nay: Hiệu trưởng THCS xác nhận học sinh hoàn thành chương trình THCS, Trưởng phòng GDĐT quận, huyện cấp Bằng tốt nghiệp THCS.

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT do nhà trường tổ chức, đánh giá kết quả hoàn thành chương trình THPT và cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Bộ GDĐT và Sở GDĐT thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

- Theo quy định hiện hành việc đánh giá kết quả học tập của học sinh được thực hiện thông qua hệ thống điểm kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ. Do đó các trường THPT có thể tổ chức kiểm tra cuối kỳ các môn học lớp 12 như một kỳ thi tốt nghiệp THPT tại trường và sử dụng kết quả này để xác nhận việc hoàn thành chương trình THPT. Như vậy dù không thi tốt nghiệp theo hình thức tập trung trên cả nước như hiện nay thì các trường vẫn đảm bảo chất lượng tốt nghiệp THPT phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp.

Do chương trình học tập đa dạng nên cần nghiên cứu việc học và kiểm tra theo hình thức tín chỉ, học sinh hội tụ đủ các tín chỉ cần thiết theo quy định sẽ được công nhận hoàn thành chương trình THPT.

  1. Để đảm bảo chất lượng và đánh giá đúng trình độ học vấn phổ thông của học sinh sau khi học xong THCS cần tổ chức một kỳ thi nghiêm túc gọi là Kỳ thi tốt nghiệp THCS = Kỳ thi tốt nghiệp Chương trình giáo dục cơ bản/Chương trình giáo dục phổ cập.

- Sở GD&ĐT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi, ra đề thi và xét duyệt kết quả thi.

- Trưởng phòng GDĐT quận, huyện cấp Bằng tốt nghiệp THCS = Bằng tốt nghiệp Chương trình giáo dục cơ bản/Chương trình giáo dục phổ cập.

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi và giám sát, thanh tra việc tổ chức thi.

- Bằng tốt nghiệp THCS  là cơ sở để chủ động phân luồng từ phía người học và từ nhu cầu xã hội vì vậy nên phân loại trình độ: Giỏi, Khá, Trung bình. Có thể xem đây là chìa khóa để phân luồng sau THCS (ví dụ: Học sinh tốt nghiệp loại Giỏi, Khá có thể học lên THPT để vào các trường ĐH, CĐ, tốt nghiệp loại Trung bình vào học nghề hoặc bước vào cuộc sống tự lập).

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Từ khi bỏ thi tốt nghiệp THCS, gây tác động tiêu cực đến động lực học tập - hầu như học sinh không chịu học toàn diện, mà chỉ tập trung vào học những môn cần cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (như Toán, Ngữ văn, môn chuyên)”

Như vậy cần thiết phải trở lại tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THCS như nó đã từng tồn tại trước đây.

  1. Về việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, trường nghề.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ: các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tập trung làm cơ sở để xét tuyển. Đây cũng chỉ là một trong các phương thức xét tuyển (xét qua học bạ, thi tuyển…).

Nếu không tổ chức thi tốt nghiệp THPT tập trung thì các trường ĐH, CĐ mất đi một phương thức tuyển sinh (căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp). Điều này có thể tạo ra cú hích cho các trường ĐH, CĐ tìm ra phương thức xét tuyển (hoặc thi tuyển) phù hợp với mục tiêu yêu cầu đào tạo ngành nghề của nhà trường theo Luật Giáo dục đại học 2018 (các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh). Hiện nay ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội đã tổ chức thi tuyển riêng từ năm 2022 (thi kiểm tra năng lực, …).

Khi nội dung đào tạo bậc THPT đã thay đổi theo định hướng nghề nghiệp thì các trường ĐH, CĐ nên lựa chọn phương án tuyển sinh sớm từ khi học sinh còn đang học THPT để học sinh có định hướng rõ ràng, sát thực hơn. Cần tiến tới xây dựng một cơ chế tuyển sinh mới gắn kết trường ĐH với trường phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập và hướng  nghiệp đa dạng của học sinh và sự phù hợp mục tiêu đào tạo  nghề của các trường ĐH, CĐ. Một cơ chế liên thông đào tạo nghề phổ thông - ĐH sẽ dần hình thành.

 

Theo các đề xuất này vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, phân cấp mạnh về quản lý giáo dục cho các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, các trường ĐH-CĐ; tăng quyền tự chủ của các nhà trường trong việc đảm bảo tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo. Cơ chế mới này cũng đảm bảo tính phân luồng mạnh sau THCS, phân luồng sâu sau THPT diễn ra phù hợp với sự phát triển KT-XH của từng địa phương và cả nước.

Phương án trên đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của BCH Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.

III.3. Tiến tới khôi phục kỳ thi tốt nghiệp THCS và không tổ chức thi tốt nghiệp THPT tập trung trên phạm vi cả nước.

Để phù hợp với mục đích yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay xin kính đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nên xem xét, quyết định thực hiện từ năm 2025 (năm đầu tiên có học sinh lớp 9, 12 hoàn thành Chương trình GDPT 2018) các việc sau:

  1. Khôi phục lại kỳ thi tốt nghiệp THCS để đánh giá chất lượng giáo dục cơ bản/giáo dục phổ cập và cấp Bằng tốt nghiệp THCS.
  2. Không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung trên phạm vi cả nước mà chuyển sang thi tốt nghiệp THPT tại trường theo hình thức kiểm tra cuối kỳ lớp 12 các môn học (thay cho thi tốt nghiệp tập trung) làm cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình THPT và cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT tập trung trên phạm vi cả nước vào năm 2025 là cực kỳ tốn kém cả về nhân lực, vật lực, tài lực và thời gian. Nếu chuyển sang thi tốt nghiệp theo hình thức kiểm tra cuối kỳ các môn học tại trường THPT sẽ tiết kiệm được rất lớn nguồn lực tài chính, công sức, thời gian của hàng vạn cán bộ giáo viên, hàng triệu học sinh,  hàng triệu gia đình. Nguồn lực tài chính để phục vụ việc này có thể đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết khác, ví dụ đầu tư xây trường học, nhà công vụ cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường…

Thực ra việc chuyển từ thi tốt nghiệp THPT tập trung trên phạm vi cả nước sang thi tại trường đã có cơ sở pháp lý trong các văn bản pháp quy hiện hành (mục I)

Từ các văn bản ở mục I cho thấy trong Luật Giáo dục 2019 và các văn bản pháp quy khác không quy định cụ thể về quy mô, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Do đó việc tổ chức thi như thế nào là thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT.

Lâu nay trong ngành giáo dục và trong xã hội mặc định đã thi tốt nghiệp là thi trên quy mô cả nước, do Bộ GDĐT tổ chức thực hiện theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT: Quy định về cách thức thi, thời gian thi, đề thi… Trước đây khi học sinh cả nước học chung một chương trình như nhau (chương trình GDPT 2006) thì cách làm này không gây ra sự phức tạp trong tổ chức thi.

Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh THPT học trong các tổ hợp môn khác nhau theo định hướng nghề nghiệp tương lai nên việc tổ chức thi sẽ rất phức tạp. Chính vì vậy đây là thời điểm thích hợp để chuyển từ thi tốt nghiệp tập trung trên phạm vi cả nước sang thi tốt nghiệp ở từng trường THPT và do nhà trường chủ trì việc tổ chức thực hiện.

Với phương thức này nhà trường đảm nhiệm các chức năng: Ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, xác nhận kết quả thi. Các môn được đánh giá bằng điểm cuối năm lớp 12 đều được tổ chức thi cuối kỳ theo Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT, ban hành theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021. Kỳ thi đánh giá cuối năm lớp 12 xác định là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thời gian tổ chức thi trong tháng 4 (phụ thuộc vào điều kiện của từng trường), tháng 5 hoàn thành hồ sơ đề nghị Giám đốc Sở GDĐT công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh.

Trong giai đoạn đầu để đảm bảo chất lượng đề thi, Bộ GDĐT xây dựng ngân hàng đề thi, các trường THPT lựa chọn đề thi trong ngân hàng đề thi của Bộ để tổ chức thi ở trường minh.

Tổ chức theo phương án này vừa đạt các yêu cầu của Nghị quyết 29, vừa đảm bảo các quy định trong Luật Giáo dục và các văn bản pháp quy hiện hành (mục I) đồng thời đạt được mấy yêu cầu sau:

- Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường THPT, tăng cường vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đối với xã hội. Thay đổi tư duy dạy và học để ứng thi sang dạy và học để phát triển phẩm chất năng lực nghề nghiệp tương lai.

- Đánh giá toàn diện các môn học của từng học sinh theo định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp của chương trình GDPT 2018.

- Công tác tổ chức thi gọn nhẹ, phù hợp với điều  kiện của từng trường, không gây xáo trộn trên phạm vi rộng.

- Tiết kiệm được nhân lực, vật lực, tài lực, thời gian. Nhà nước không phải chi đồng nào cho việc này vì đây là nhiệm vụ của nhà trường, không phải huy động lực lượng  ngoài trường tham gia vào công tác thi cử của trường.

- Giảm áp lực thi cử đối với học sinh, gia đình và xã hội.

- Thực hiện được nguyên tắc phân cấp quản lý: Bộ và Sở chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước: Ra văn bản Quy chế thi, kiểm tra việc thực hiện, xem xét cấp bằng tốt nghiệp theo thẩm quyền. Trường THPT tổ chức thực hiện.

Nếu lựa chọn thi tốt nghiệp THPT theo phương án trên thì Bộ GDĐT cần ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới thay thế cho Quy chế hiện hành để thực hiện từ năm 2025. Việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT, đồng thời cần làm tốt công tác truyền thông để trong và ngoài ngành giáo dục hiểu được ý nghĩa của việc này, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai.

III.4. Đề nghị sửa đổi điều 34, 45 Luật Giáo dục 2019.

Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện đề xuất về thi tốt nghiệp THCS, không thi tốt nghiệp THPT tập trung, xin đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điều 34, 45 của Luật  Giáo dục 2019 như sau:

  • Nội dung sửa đổi điều 34 đối với học sinh bậc THCS, THPT:
  1. Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THCS do Sở GD&ĐT tổ chức. Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS, xác nhận đã hoàn thành Chương trình giáo dục cơ bản cho học sinh.
  2. Hiệu trưởng Trường THPT tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức thi định kỳ cuối năm các môn học lớp 12, xác nhận hoàn thành chương trình THPT; học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được Giám đốc Sở GDĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT.
  • Nội dung sửa đổi điều 45 đối với học viên giáo dục thường xuyên.
  1. Học viên học hết chương trình giáo dục THCS quy định tại điểm d khoản 1 điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THCS do Sở GD&ĐT tổ chức, Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS xác nhận đã hoàn thành Chương trình giáo dục cơ bản cho học viên.
  2. Giám đốc Trung tâm GDTX tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức thi định kỳ cuối năm các môn học lớp 12, xác nhận hoàn thành chương trình THPT; học viên học hết chương trình phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được Giám đốc Sở GDĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

Việc sửa đổi điều 34, 45 của Luật Giáo dục 2019 là một việc rất khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên nếu thấy hợp lý và là yêu cầu cấp bách khách quan của cuộc sống và để đảm bảo Chương trình GDPT 2018 thành công thì Bộ GDĐT và Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp. Việc sửa đổi này chỉ sửa đổi một số nội dung trong điều 34, 45 chứ không phải xem xét sửa đổi tổng thể Luật  Giáo dục như đã thực hiện trong các năm 2018-2019.

III.5. Khi xem xét quyết định các vấn đề trên, xin kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong Nghị quyết 53/QĐ-CP của Chính phủ có ghi rõ “Các bộ, ngành, địa phương tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững”. (Chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh)

Kết luận.

Nếu áp dụng cách thức thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2006 hiện hành vào chương trình GDPT 2018 thì đó là con đường ngắn nhất dẫn tới thất bại vì hai chương trình với mục tiêu và triết lý khác nhau. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 cần có tư duy đột phá và giải pháp đột phá. Cần kiên quyết đổi mới căn bản phương thức thi tốt nghiệp THPT: Giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp cho các trường THPT, tạo cơ hội để các trường tự chủ nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng mục tiêu của chương trình GDPT 2018.

Có thể xem đây là một dạng “khoán 10” trong giáo dục, tương tự như “khoán 10” trong nông nghiệp thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Các trường năng động, sáng tạo trong tổ chức đào tạo, đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục của mình phù hợp với xu hướng nghề nghiệp của học sinh và nhu cầu xã hội. Đó chính là sứ mệnh và uy tín trước xã hội của nhà trường.

Những quyết định về phương thức thi tốt nghiệp rất quan trọng có tác dụng định hướng việc tổ chức đào tạo ở bậc THCS và bậc THPT theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, vì vậy xin kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT khẩn trương xem xét, quyết định phù hợp với cuộc sống và xu thế phát triển giáo dục của Việt Nam và thế giới.

19/5/2023

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

[1] Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI: Nghị quyết 29 -NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.

[2] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2019). Luật Giáo dục

[3] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XV (2022): Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”

[4] Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2023): Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 về “Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

[5] Bộ GDĐT (2018). Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chương trình GDPT.

[6] Bộ GDĐT (2020). Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT  và trường phổ thông có nhiều cấp học

[7] Bộ GDĐT (2021). Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 30/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT.

[8] Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (2011). Khoa học Giáo dục Việt Nam từ đổi mới đến nay (GS. Phan Văn Kha, GS. Nguyễn Lộc đồng chủ biên). NXB ĐHQG Hà Nội.