GIÁO DỤC SỚM TRẺ EM TUỔI MẦM NON GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÒI GIỐNG VÀ ĐÀO TẠO NHÂN TÀI CHO ĐẤT NƯỚC

1. Sự cần thiết phải giáo dục trẻ từ sớm.

Giáo dục sớm là một bước đột phá của khoa học giáo dục. Các công trình nghiên cứu về giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng: Một thời thơ ấu an toàn và hạnh phúc không chỉ là quyền của của trẻ em, mà nó còn cung cấp các cơ hội cho trẻ để khai mở và phát triển hết các khả năng và tài năng của trẻ khi chúng lớn lên. Sự phát triển trong những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong đời người, nó quyết định tương lai của cả cuộc đời, đặc biệt là giai đoạn từ 0-6 tuổi, giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, đó là Giai đoạn vàng, Cửa sổ của cơ hội.

Trước đây người ta cho rằng não phải và não trái hoạt động theo cùng một nguyên lý giống nhau. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng não phải có những khả năng kỳ diệu. Nếu não phải được phát triển, nó có thể sẽ kích họat những khả năng không có giới hạn. Phương pháp giáo dục truyền thống hiện nay mới chỉ tập trung vào một bên của não bộ đó là não trái vì người ta chưa biết gì nhiều về nửa bên kia. Trên thực tế, những khả năng chưa được khai phá của con người đều nằm bên não phải. Ngay trong bụng mẹ, não phải của con người đã được hình thành trước, sau đó não trái mới hình thành. Trong 3 năm đầu đời, não trái chưa bắt đầu hoạt động tốt và não phải đóng vai trò chủ đạo. Từ 3-6 tuổi, vị trí chủ đạo của não phải dần chuyển sang não trái. Đến 6 tuổi, não trái bắt đầu đóng vai trò chủ đạo và nó sẽ khống chế sự hoạt động của não phải. Đó là lý do tại sao cần tận dụng kích họat não phải trong giai đoạn trước 3 tuổi khi não phải vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Não của em bé còn là một bí ẩn mà các nhà khoa học trên thế giới chỉ mới bắt đầu làm sáng tỏ. Người ta biết rằng hầu hết các tế bào não đã hình thành từ trước khi sinh. Nhưng trong 3 năm đầu đời, nếu trẻ được sống trong môi trường chăm sóc, giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú kích họat não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này, trẻ sẽ hình thành nên hàng tỷ các kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời. Các nhà khoa học gọi cái mạng lưới đâm nhánh chằng chịt này là “rừng tế bào thần kinh”. Một đứa trẻ 3 tuổi khỏe mạnh bình thường có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp hai lần so với những người trưởng thành. Điều này là bởi vì sau 10-11 tuổi, não trẻ bị mất đi các khớp thần kinh mà chúng không sử dụng đến.

Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng có được của con người được phát huy càng ít. Nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm chỉ ra rằng: Chúng ta dang lãng phí một nguồn tài nguyên não bộ vô cùng to lớn bởi một người bình thường mới chỉ khai thác được từ 3-10% khả năng kỳ diệu của não bộ. Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định 3 năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng của sự phát triển não. Trong đó:

+ Từ 0-2 tuổi là thời kỳ phát triển của não phải. Đây là giai đoạn thần đồng.

+ 3-4 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ của não trái.

+ Từ 6-8 tuổi là thời kỳ của não trái.

    Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ B.Bloom sau hàng loạt nghiên cứu đã nói: Nếu một người trưởng thành đến 17 tuổi trí lực đạt 100%, thì lúc 4 tuổi đã đạt 50%, 8 tuổi đạt 80%, trong 9 năm từ 8 tuổi đến 17 tuổi phát triển 20% khả năng còn lại.

    Tóm lại, giáo dục sớm chính là giáo dục nhằm thúc đẩy chức năng của não bộ (hai bên bán cầu não phải và trái) của con người phát triển một cách tối ưu ngay từ những tháng năm đầu của cuộc đời.

 2. Một số mô hình giáo dục sớm trên thế giới.

Từ những kết quả nghiên cứu về não bộ kỳ diệu của trẻ sơ sinh và lứa tuổi mầm non, trên thế giới đã xuất hiện cuộc chạy đua áp dụng các phát hiện mới về bộ não để phát minh ra những công nghệ giáo dục nhằm kích họat tiềm năng của não bộ từ những năm đầu tiên của cuộc đời, chuẩn bị cho chiến lược giáo dục thế kỷ XXI. Đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về giáo dục đào tạo trẻ thông minh sớm, về giáo dục não phải, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; trong đó phải kể đến những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng giáo dục sớm với những tên tuổi nổi tiếng xuất thân từ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đó là:

- Giáo sư Shichida Makoto (Nhật Bản) đã chủ trương tiến hành một “cuộc cách mạng về giáo dục bán cầu não phải”nhằm phát triển hết tiềm năng của bán cầu não phải. Ngày nay, đã có hàng trăm cơ sở giáo dục của Shichida trên toàn nước Nhật Bản và các nước khác như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Úc, Mỹ, Canada,… Những thành quả của ông đang giúp cho hàng ngàn các cha mẹ và trẻ em phát triển nền tảng cho những thành công trong tương lai. Phương pháp giáo dục của Shichida Makoto cũng đã được ứng dụng cho cả những người trưởng thành.

- Giáo sư Glenn Doman (Mỹ), với phương pháp giáo dục nhằm khơi dậy và phát triển trí thông minh của trẻ nhỏ được hình thành dựa trên 3 yếu tố cơ bản: (1) kỹ năng đọc, (2) khả năng toán học và (3) năng lực nhận thức sâu và rộng. Ông tin rằng “học đọc” là cơ sở của mọi sự học tập, lĩnh hội tri thức và sự thành công. Theo ông, dạy học cho một em bé 6-24 tháng tuổi ở nhà dễ dàng hơn dạy em bé 6 tuổi ở trường.

- Trung Quốc đi sau Mỹ, Nhật, nhưng với khát vọng vươn lên của một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, trường phái giáo dục sớm của Giáo sư  Phùng Đức Toàn (Feng De Quan) với Phương án 0 tuổi (Gọi tắt là PA0T), là phương án khai mở trí thông minh và những tố chất tiềm ẩn của trẻ ngay từ 0 tuổi (thai nhi) đến 6 tuổi. Ông theo đuổi một lý tưởng cao cả, đó là “Biển gánh nặng dân số thành nguồn tài nguyên nhân tài vô biên, biến sự khó nhọc trong nuôi dạy con cái thành niềm hạnh phúc vô bờ bến”, và với mục tiêu nâng cao tố chấ cho trẻ nhỏ. Cho đến nay, đã đào tạo được hàng triệu trẻ em thông minh, tài năng, trở thành làn sóng giáo dục sớm tại quốc gia này.

- Ở Hàn Quốc, dịch vụ giáo dục cho trẻ mầm non tại gia đình đang được các bậc cha mẹ đầu tư mạnh mẽ; và hiện nay đang xuất hiện các mô đun đi sâu vào từng lĩnh vực giáo dục sớm như toán, ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc… và cho ra hàng lọat các sản phẩm thành công nghệ giáo dục có bản quyền và đã gia nhập vào thị trường giáo dục ở Việt Nam.

- Tại Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhanh chóng áp dụng các nghiên cứu về não, áp dụng chương trình Giáo dục não phải vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu của tất cả các lứa tuổi, và để bổ sung và tăng cường hiệu quả của các chương trình giáo dục mà hầu hết trẻ em đã có thể được tham gia. Họ mở rộng dần dịch vụ đến các thị trường nước ngoài với tên gọi “Cuộc cách mạng não bộ - Brain Revolution”.

Với thành tựu nghiên cứu và thực thi hơn 50 năm qua của giáo dục sớm thế giới, có thể khẳng định quốc gia nào nhận thức được cơ hội và thắng lợi trong “Cuộc cách mạng mềm” giáo dục sớm thì chỉ trong vòng 30 năm thôi quốc gia đó không chỉ thay đổi vận mệnh cho dân tộc mà sẽ góp phần to lớn thay đổi thế giới trong thế kỷ XXI.

 

3. Giáo dục sớm ở Việt Nam.

Trong Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2010, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Trong vòng 20 năm tới, phấn đấu xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế; nền giáo dục này phải đào tạo được những con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thực, có ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân, gắn bó với lý tưởng độc lập và Chủ nghĩa xã hội”.

Hiện nay về quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non đã được bao phủ trên toàn quốc, số trẻ đến trường/lớp ngày một đông, năm sau nhiều hơn năm trước. Tuy vậy, vẫn có khoảng 3 triệu trẻ em trong độ tuổi này chưa được đến trường, trong đó đại đa số là trẻ em tuổi nhà trẻ. Đội ngũ giáo viên mầm non chưa được đãi ngộ đúng mức và chưa được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đủ để đáp ứng nhu cầu giáo dục sớm ở “Giai đoạn vàng” này. Đây là một thiệt thòi lớn không chỉ cho các cháu nhỏ mà còn là sự lãng phí tiềm năng vô cùng to lớn cho các gia định và cả đất nước.

Cho đến nay, cả nước mới chỉ có một tổ chức phi chính phủ và một số ít trường mầm non, trong đó có Trường PT Đông Đô đã quan tâm đến sự nghiệp giáo dục sớm với việc nghiên cứu thực hành phương pháp giáo dục sớm dựa vào Phương án 0 tuổi và các phương pháp của Shichida Makoto (Nhật Bản), của Glenn Doman (Hoa Kỳ)… bước đầu đã đạt được một số kết quả khích lệ. Một số gia đình và chị em phụ nữ mang thai đã quan tâm tìm hiểu về thai giáo và giáo dục sớm ở gia đình với sự tiếp cận của tài liệu nước ngoài.

 4. Một số kiến nghị về giáo dục sớm (GDS).

Để thành tựu giáo dục sớm được triển khai ở Việt Nam, chúng ta cần phải lựa chọn giải pháp, cách làm riêng cho người Việt Nam từ sự phân tích các kinh nghiệm áp dụng thành công của các quốc gia kết hợp với đặc thù riêng của người Việt Nam, của trẻ em Việt Nam. Với tư cách là một viện nghiên cứu về GDS trực thuộc Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị sau:

 - Nhà nước và các tổ chức xã hội cần tiến hành nghiên cứu và triển khai chiến lược, xây dựng chương trình GDS ở quy mô quốc gia trong các cơ sở giáo dục mầm non và cả trong các gia đình, dòng họ với mục tiêu phát triển toàn diện tiềm năng, tố chất con người về thể lực, trí tuệ và tinh thần ngay từ tuổi ấu thơ một cách đúng đắn theo chủ trương, xã hội hóa, tạo điều kiện cho mọi trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận GDS một cách bình đẳng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và cải tạo giống nòi dân tộc Việt Nam.

 - Xác định vai trò của GDS tại gia đình là một bộ phận của giáo dục quốc dân. Các bậc phụ huynh phải được trả lại vị trí là người đồng hành cùng nhà trường trong sự nghiệp GDS cho mọi trẻ em. Điều này khẳng định nhà trường là sự nối dài cho sự nghiệp GDS tại gia đình thay vì quan niệm nhà trường chịu trách nhiệm chính trong việc giáo dục trẻ.

 - Các cấp, các ban ngành liên quan đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em cần đẩy mạnh công tác truyền thôn đưa GDS vào cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của GDS đối với sự phát triển tiềm năng của trẻ, để GDS trở thành một nét văn hóa trong các gia đình, các dòng họ và cộng đồng.

 - Với tầm nhìn 30 năm nước ta sẽ xây dựng được một tổ hợp hệ thống trường đào tạo nhân tài ở các cấp học, bậc học, thành lập các cơ sở nghiên cứu GDS và mạng lưới trung tâm GDS của cộng đồng với hy vọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam, để trong tương lai sự nghiệp giáo dục Việt Nam sẽ đuổi kịp và đứng vào những nước có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu của thế giới và Tổ quốc chúng ta sẽ thành một quốc gia hùng cường trong khu vực và thế giới ngay trong thế kỷ này, cũng là thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

 Vì lợi ích mười năm trồng cây

            Vì lợi ích trăm năm phải trồng người.

PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người