ĐỔI MỚI KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ MÔN NGỮ VĂN THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC

Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực là phương pháp dạy học chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang việc phát triển toàn diện năng lực người học. Nói một cách đơn giản hơn, đó là phương pháp chuyển từ dạy “CÁI” sang dạy “CÁCH”, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người học; nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kĩ năng và định hướng thái độ, hành vi cho HS.

Theo đó, các khâu trong quá trình dạy học môn Ngữ văn đều phải đổi mới theo định hướng phát triển năng lực người học. Trong đó, không loại trừ khâu kiểm tra, đánh giá. Cần đổi mới kiểm tra, đánh giá  môn Ngữ văn theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực người học, chú trọng đánh giá quá trình: đánh giá trên lớp, đánh giá bằng nhận xét, bằng bài thuyết trình kết hợp với đánh giá tổng kết cuối kì, cuối năm học. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem HS học được cái gì mà quan trọng hơn là biết HS học như thế nào, có biết vận dụng không.

Theo định hướng đó, mỗi giáo viên dạy Văn cần phải đưa ra những phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp. Theo cá nhân tôi:

        + Trong mỗi tiết học, chúng ta nên thay kiểm tra bài cũ bằng việc kiểm tra HS chuẩn bị bài mới như thế nào; khi nêu vấn đề, không phải chỉ gọi những em giơ tay phát biểu; Khi chia nhóm cho HS thảo luận, không phải chỉ gọi tổ trưởng trả lời; Nên khuyến khích HS diễn đạt theo cách hiểu của mình, miễn sao đảm bảo bám sát đề, mạch lạc, lôgic và có cảm xúc.

         + Khi dự giờ, mục đích chúng ta không phải để đánh giá giáo viên mà để nghiên cứu thái độ, tinh thần của HS trong quá trình dạy học. Sau đó, giáo viên trong tổ họp bàn cùng nhau tìm hướng giải quyết.

         + Khi ra đề thi hoặc kiểm tra, yêu cầu đề ra chính xác, đúng trọng tâm, phân loại được đối tượng cà các cấp độ: biết, thông hiểu, vận dụng thấp – vận dụng cao. Với các bài kiểm tra cuối kì, cuối năm nên dành tối thiểu 50% nội dung cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng. Tăng cường ra câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để HS được bày tỏ chính kiến của mình.

         + Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của HS. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng tiến bộ của HS. Chú ý hướng dẫn HS tự đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

          + Để kiểm tra đánh giá có hiệu quả cần đánh giá thường xuyên, đánh giá cả quá trình.

Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ tôi đã thực hiện thành công trong các tiết dạy của mình, rất mong sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp.

Cô giáo Phùng Thị Thắm