HỘI THẢO 80 NĂM BÁC HỒ GỬI THƯ CHO CÁC EM HỌC SINH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH - GÓC NHÌN TỪ NHÀ TRƯỜNG
Hội thảo do Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, Viện Trí Việt, Trường Trung học phổ thông Đông Đô và Trung tâm Sáng tạo Việt tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu, nhà trường và những học sinh tiêu biểu Trường Trung học phổ thông Đông Đô.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ: Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), 80 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 (1945-2025), 80 năm nền giáo dục Việt Nam, 80 năm Bác Hồ gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên (1945-2025).

Ảnh. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Các đại biểu tham gia hội thảo đã có nhiều chia sẻ tâm huyết nhằm làm rõ thực trạng, giải pháp để thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Ngoài việc quán triệt chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ thông tin, tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên năm 1945, đặc biệt là những mong ước của Hồ Chí Minh về nền giáo dục nhân văn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của tri thức, coi đó là một trong những con đường quan trọng nhất để giải phóng con người, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thông qua lời khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đồng thời, Bác Hồ còn nhấn mạnh vai trò của giáo dục đạo đức và nhân cách – yếu tố cốt lõi của con người mới.
PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục khẳng định, gần 80 năm trôi qua, những giá trị tư tưởng giáo dục mà Bác Hồ gửi gắm qua bức thư vẫn vẹn nguyên tính thời sự, tính định hướng. Trong thời đại công nghệ số, hội nhập và biến đổi nhanh chóng, lời dạy của Bác Hồ về vai trò của giáo dục và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của dân tộc vẫn là kim chỉ nam.

TS. Võ Thế Quân, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô thay mặt Đoàn chủ tọa phát biểu tổng kết Hội thảo đã khẳng định: 80 năm trước, Bức thư của Bác Hồ gửi các em học sinh có ý nghĩa như bản "Tuyên ngôn giáo dục" khai sinh nền giáo dục cách mạng Việt Nam, đó là nền giáo dục “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em" để nhấn mạnh tư tưởng của Người trong việc giáo dục nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học đã được kế tiếp tại nghị quyết 29/TW và hiện các nhà trường trên cả nước vẫn đang trên chặng đường đổi mới theo hướng này.

Ảnh. PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ và TS. Võ Thế Quân thực hiện nghi thức công bố Bức thư Bác Hồ gửi các học sinh năm 1945 dưới dạng văn bản hiện đại
Hội thảo còn thu hút nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết về những vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay như góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 về Công tác quản lý giáo dục trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở Việt Nam hiện nay, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh cấp trung học phổ thông; ý nghĩa của đổi mới giáo dục phổ thông trong kỷ nguyên vươn mình; việc xây dựng trường học hạnh phúc; vai trò của nhà trường với phong trào bình dân học vụ số, phát huy giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp đến các thế hệ học sinh.

Ảnh. Đoàn Chủ tọa điều hành Hội thảo

Ảnh. PGS.TS Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Sáng tạo Việt và TS. Võ Thế Quân - Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô tặng sách cho các đại biểu tham dự Hội thảo