Trường THPT Đông Đô kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.
Với mục tiêu xây dựng Nhà trường Hạnh phúc, Thông minh, chất lượng cao, phát triển bền vững; phát triển toàn diện kĩ năng, kiến thức, thái độ cho học sinh, năm học 2020 – 2021, Trường THPT Đông Đô đã thành lập các CLB ngoại khóa cho HS, trong đó có CLB Văn hóa dân gian. Trong không khí tưng bừng đầu năm học mới, hôm nay, 2/10/2020, thầy và trò Trường THPT Đông Đô chính thức khai mạc hoạt động CLB.
Đến dự buổi khai mạc hoạt động CLB Văn hóa dân gian có GS.Phong Lê - Chủ tịch hội Kiều học Việt Nam, TS. Võ Thế Quân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng và đặc biệt, sự hiện diện của các thầy cô giáo cùng gần 100 em học sinh đại diện cho học sinh toàn trường.
Trong những ngày này, cả thế giới và đất nước đã có nhiều hoạt động hướng về sự kiện lớn: Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du nhằm Tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi của nhân loại. Bằng tài năng và trái tim nhạy cảm của một nghệ sỹ bậc thầy, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã viết nên những áng văn chương thấm đẫm tình đời và tình người, tiêu biểu là kiệt tác Truyện Kiều. Trong chương trình Ngữ Văn THPT, Tác gia Nguyễn Du cùng tác phẩm “Truyện Kiều” được giới thiệu trang trọng và trân trọng Trong Chương trình Ngữ văn 10.
Trong buổi khai mạc CLB VHDG hôm nay, thầy và trò Trường THPT Đông Đô xin dành trọn nén tâm hương hướng về Đại thi hào dân tộc với niềm tự hào và yêu kính.
Sinh thời, Nguyễn Du thường trăn trở về sự tri âm:
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Có một con người đã dành cả cuộc đời cho tình yêu Truyện Kiều để tìm tòi và chắt lọc những giá trị sâu sắc của Truyện Kiều; đã dành cả tấm lòng để hiểu tấm lòng, đã dành cả sự tri âm sâu sắc cho Nguyễn Du. Đó chính là GS Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam. Trong buổi khai mạc CLB VHDG, Thầy và trò Trường THPT Đông Đô đã được nghe GS chia sẻ những giá trị Truyện Kiều. Vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, Truyện Kiều đã có thể đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay đã có hơn 30 bản dịch Truyện Kiều ra gần 20 thứ tiếng nước ngoài. Các học giả quốc tế đều ca ngợi Truyện Kiều là tác phẩm xứng đáng nhất của nền thơ cổ điển Việt Nam và Nguyễn Du là đại thi hào. Ngoài ra, đã có hàng trăm học giả nước ngoài sang Việt Nam để nghiên cứu về Truyện Kiều-Nguyễn Du và mang kết quả nghiên cứu về giảng dạy ở các trường học khắp năm châu.
Theo GS Phong Lê, đọc Truyện Kiều, dường như ai cũng thấy số phận của mình trong đó, để giải thích hiện tượng tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... trong ngót 200 năm qua. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với con người hiện nay, người bây giờ. Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân 255 năm sinh Đại thi hào; cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi của Nguyễn Du, mà là “nghìn năm sau” như khẳng định của Tố Hữu. “Phải bao gồm, phải gắn kết, phải xuyên thấm cả hai phương diện đó mới đúng là Nguyễn Du, mới tạo nên sự sống trường tồn của tác phẩm Nguyễn Du. Và đó chính là cơ sở cho một định vị về Nguyễn Du, cho hôm nay và cho mãi mãi”, GS Phong Lê khẳng định.
Tác giả: ThS. Trịnh Thị Hà Giang - Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, Chủ tịch CLB Văn hóa dân gian
Biên tập: ThS. Vũ Thị Thủy