TRẬN ĐÁNH VÀO SÀO HUYỆT NGỤY QUYỀN SÀI GÒN NGÀY 20/4/1975

Để đánh chiếm Dinh Độc lập Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã sáng tạo thành lập binh đoàn thọc sâu gồm: Trung đoàn 66 bộ binh thuộc Sư đoàn 304, Lữ đoàn xe tăng 203, Tiểu đoàn 4 pháo nòng dài Lữ đoàn 164; Đại đội pháo 85mm thuộc Trung đoàn 68; Tiểu đoàn 7 pháo phòng không Lữ đoàn 284; Phân đội tên lửa A72; Tiểu đoàn 2 công binh thuộc Lữ đoàn 219. Trung đoàn 18 thuộc sư đoàn 325 đi sau đội hình vừa làm nhiệm vụ bảo vệ binh đoàn thọc sâu vừa làm lực lượng dự bị mạnh, sẵn sàng chi viện theo yêu cầu.

Tổ chức lực lượng đột kích đi đầu là Tiểu đoàn 7 bộ binh thuộc Trung đoàn 66 ngồi trên xe tăng, xe bọc thép, số còn lại ngồi trên xe bánh hơi; tiếp theo là Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9 hành tiến chiến đấu, có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ hải quân, Đài phát thanh Sài Gòn và Dinh Độc lập. Tôi (trung úy Phùng Bá Đam, Trưởng tiểu ban cán bộ Trung đoàn) được giao nhiệm vụ đi chỉ huy sở phía trước do Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó chỉ huy đi đầu với Tiểu đoàn 7, cơ động trên 1 chiếc xe zeep mang biển số 15.770 thu được chiến lợi phẩm ở Đà Nẵng.

 1.Thực hiện tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu cuối cùng Dinh Độc Lập.

Mờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 , đội hình hành quân đến cầu Rạch Chiếc thì gặp lực lượng địch phòng ngự bên ngoài cửa ngõ Sài Gòn gồm: xe tăng, xe bọc thép bộ binh ra phản kích. Đội hình phải dừng lại tổ chức chiến đấu, Trung úy Trần Văn Kim – Trưởng tiểu ban tác chiến trung đoàn trực tiếp chỉ huy lực lượng bộ binh Tiểu đoàn 7 được chi viện hỏa lực của trung đoàn cùng với đặc công chiến dịch chiến đấu quyết liệt khoảng 20 phút. Một số xe tăng bị bắn cháy, địch thiệt hại nặng hốt hoảng bỏ chạy, đội hình nhanh chóng vượt qua cầu hành quân trên xa lộ Biên Hòa tiến vào Sài Gòn.

Khoảng hơn 6 giờ sáng, bộ phận đi đầu của lực lượng đột kích thọc sâu đã tiến sát gần đầu cầu Sài Gòn thì gặp địch tuyến phòng ngự chốt giữ cầu nổ súng bắn chặn quyết liệt. Xe tăng, xe bọc thép, các ổ hỏa lực trong các lô cốt và tầu chiến dưới sông nhả đạn bắn xối xả ngăn chặn bước tiến của ta. 2 chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 trúng đạn bốc cháy, đồng chí Nguyễn Văn Nhỡ -Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 xe tăng và một số cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 203 đã anh dũng hy sinh và bị thương. Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 66 bị thương vong một số, 2 chiếc xe tăng tiếp theo bị trật xuống vệ đường làm cho đội hình của ta bị ùn tắc. Thấy vậy, Thiếu tá Nguyễn Sơn Văn, Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Đại úy Phạm Xuân Thệ và chúng tôi tổ chức lực lượng Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 triển khai chiến đấu. Một lúc sau đại tá Hoàng Đan Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 đi xe thiết giáp tới, trực tiếp chỉ huy trung đoàn đánh địch. Đại úy Phạm Xuân Thệ lệnh cho bộ phận hỏa lực gồm : ĐKZ của trung đoàn, ĐKZ và B41 của tiểu đoàn nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa hai bên đầu cầu phía bắc và giao cho đồng chí Trung úy Hoàng Quốc Trị - Đại đội trưởng (Đại đội 15 ĐKZ) chỉ huy lực lượng hỏa lực của ta bắn cấp tập vào các mục tiêu, kết hợp với hỏa lực pháo binh của quân đoàn chi viện, pháo cao xạ bắn máy bay không cho chúng phá cầu, bảo vệ đội hình, xe tăng phát huy uy lực phối hợp cùng với bộ binh chiến đấu. Trước sức mạnh tiến công của ta, hỏa lực ĐKZ và xe tăng của binh đoàn đột kích thọc sâu đã bắn cháy 4 xe tăng và 2 tầu chiến của địch. Những chiếc khác vội vã bỏ chạy ra biển, các ổ đề kháng im bặt; địch tháo chạy hoảng loạn, vứt quân trang, quân dụng, vũ khí đầy đường. Trên bầu trời máy bay địch tới tấp chuyển quân di tản, cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ thì kết thúc. Xe tăng và bộ binh của ta vượt lên chiếm lĩnh đầu cầu, Lữ đoàn công binh 219 nhanh chóng khắc phục chướng ngại vật mở đường cho lực lượng đột kích thọc sâu tiến vào nội đô.

Quang cảnh lúc này đường phố vắng vẻ, nhà dân hai bên đường đều đóng cửa, khi phát triển tới cầu Thị Nghè chúng tôi lại gặp lực lượng tuyến phòng ngự cuối cùng của địch gồm: hệ thống chướng ngại vật thùng phi, bao cát chặn ngang đường kết hợp hỏa lực, xe tăng M41 và xe bọc thép M113 cùng các ổ đề kháng nổ súng ngăn chặn, đội hình phải dừng lại tổ chức chiến đấu với động cơ xe tăng gầm rú, các tháp pháo nhả đạn tới tấp cùng hỏa lực B41, ĐKZ của trung đoàn bắn phá áp đảo làm cho địch hoảng sợ. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng xe tăng và hỏa lực của ta đã bắn cháy 4 xe M41 và M113, địch vội vã vứt vũ khí bỏ chạy toán loạn, sau 20 phút, chúng ta đã giành thắng lợi làm chủ trận địa. Công binh nhanh chóng khắc phục vật cản mở đường cho xe tăng và bộ binh vượt cầu Thị Nghè tiến đến mục tiêu cuối cùng của chiến dịch. Khi lực lượng đột kích thọc sâu của chúng tôi đến Thảo Cầm Viên thì quang cảnh đường phố đã trở nên tấp nập, nhân dân đổ ra hai bên đường rất đông, vui mừng phấn khởi, tay cầm cờ vẫy chào quân giải phóng. Đến đây xe của chúng tôi phải dừng lại hỏi đường vào Dinh Độc Lập. Bỗng trong đám đông một người gầy da bánh mật, chắc nịch tuổi trạc 40 mặc áo sơ mi trắng cộc tay, cầm lá cờ giải phóng nói:  "Tui biết đường". Anh Thệ mời lên, mở cửa xe Zeep kéo người đàn ông ấy lên ngồi bên cạnh, xe lướt nhanh chả mấy chốc tòa nhà cao tầng đã hiện ra trước mắt, người đàn ông giơ tay chỉ và nói to "Dinh Độc lập đó, chú ơi". Cách chúng tôi khoảng 300m (trên nóc tòa nhà là lá cờ ngụy quyền Sài Gòn). Gần đến Dinh Độc lập xe tăng của ta mở hết tốc lực, xe tăng 843 đi đầu tiến đến trước hàng rào Dinh Độc lập húc vào cổng phụ bên trái cạnh cổng chính Dinh Độc lập thì bị kẹt tháp pháo phải dừng lại, ngay lúc đó xe tăng 390 lao lên húc đổ cổng chính Dinh Độc lập tiến vào sân. Xe zeep của chúng tôi do Đào Ngọc Vân lái lướt nhanh vào sân, rẽ phải vào tiền sảnh dừng lại, tiếp theo xe tăng, xe bọc thép và bộ binh của ta nhanh chóng ập vào, binh lính địch hoảng sợ không kịp chống cự hạ vũ khí đầu hàng đứng đầy ở góc sân, mặt mày ủ rũ.

 2. Bắt Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn.

Được sự hướng dẫn của các nhà báo và biệt động thành, Đại úy Phạm Xuân Thệ và chúng tôi nhanh chóng chạy lên cầu thang đánh chiếm để cắm cờ. Đồng chí lái xe Đào Ngọc Vân vội giật lá cờ giải phóng trên tay người đàn ông chỉ đường. Ông này không cho và nói : "Cờ của tui".

Thấy vậy anh Thệ nói: "Cờ của ai cũng lên cắm".

Thế là đồng chí Đào Ngọc Vân vác cờ chạy theo chúng tôi, khi tới tầng 2 thì gặp một người cao, gầy mặc quân phục cộc tay, tự giới thiệu: "Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh- Phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh báo cáo: Nội các chính quyền Sài Gài đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng họp". Rồi ông dẫn chúng tôi vào. Lái xe Đào Ngọc Vân phấn khởi trước thắng lợi, đứng ngay lan can tầng 2 phất cờ giải phóng, tiếp theo các đồng chí lữ đoàn 203 xe tăng lên hạ cờ ngụy quyền, kéo cờ giải phóng của ta lên nóc Dinh Độc lập. Sau này, tôi mới biết người cắm cờ là Trung úy Bùi Quang Thận Đại đội trưởng Đại đội 3 thuộc Lữ đoàn 203 xe tăng. Theo hướng dẫn của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Đại úy Phạm Xuân Thệ (Trung đoàn phó), tôi (Trung úy Phùng Bá Đam), Trung úy Nguyễn Văn Nhu Trợ lý tham mưu, Hạ sĩ Bàng Nguyên Thất chiến sĩ 2W, binh nhất Nguyễn Huy Hoàng chiến sĩ truyền đạt cùng một cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 và Lữ đoàn 203 xe tăng vào phòng họp. Căn phòng rộng rãi, trang trí nội thất hiện đại, người ngồi chật kín. Thấy chúng tôi vào không ai bảo ai, tất cả đều đứng dậy, một người cao lớn, vạm vỡ, mặt vuông chữ điền, mặc quân phục màu rêu, đeo kính cận bước lên trên. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ người đó, giới thiệu: "Báo cáo cấp chỉ huy đây là ông Dương Văn Minh – Tổng thống"

Rồi ông chỉ tiếp vào người hơi thấp, trán cao, mặc bộ comple màu đen, thắt cà vạt trắng, đeo kính cận, dáng tri thức "Đây là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu".

 Vũ Văn Mẫu hơi cúi đầu chào chúng tôi, Dương Văn Minh bước lên 1 bước: "Báo cáo cấp chỉ huy chúng tôi biết quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi chờ sẵn quân giải phóng để bàn giao".

Trước tình hình diễn ra mau lẹ, nhưng chúng tôi vẫn nắm vững quan điểm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch " Bắt đầu hàng, không có bàn giao".

 Anh Thệ nói:"Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có gì bàn giao cả". Rồi Đại úy Phạm Xuân Thệ bước lên tước khẩu súng ngắn của Dương Văn Minh, cả phòng im phăng phắc trước lời nói cứng rắn, dứt khoát của anh Thệ. Dương Văn Minh bị hẫng, chuyển từ thế chủ động sang bị động lúng túng , cúi đầu chờ đợi…

 Trước tình hình chiến sự diễn ra quyết liệt, để đỡ tốn xương máu đồng bào, đồng chí, chúng tôi bàn với nhau bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay. Nhưng khi kiểm tra đường dây từ Dinh Độc lập ra Đài phát thanh Sài Gòn thì không liên lạc được (sau này chúng tôi mới biết Tiểu đoàn 8 đã đánh chiếm Đài phát thanh nên nhân viên chạy hết). Thấy vậy tôi bàn với Đại úy Phạm Xuân Thệ khẩn trương đưa Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn càng sớm càng tốt. Anh Thệ đồng ý rồi nói :"Các anh phải ra ngay Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện".

Dương Văn Minh lo lắng ngồi xuống ghế thở dài rồi nói như nài nỉ :"Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại Dinh Độc lập, ra ngoài đường phố không đảm bảo an toàn".

Đại úy Phạm Xuân Thệ nói :"Sài Gòn đã giải phóng chúng tôi bảo đảm an toàn cho các anh".

 Thấy chúng tôi kiên quyết, Vũ Văn Mẫu trao đổi nhỏ với Dương Văn Minh rồi đứng dậy nói :"Xin tuân lệnh cấp chỉ huy".

 3.Tổ chức áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài gòn.

 Chúng tôi nhanh chóng áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra khỏi phòng họp. Nội các chính quyền Sài Gòn lúc này nhốn nháo, sợ hãi. "Minh lớn" cúi đầu lững thững theo chúng tôi xuống cầu thang, đến bậc thang cuối cùng Dương Văn Minh chỉ về phía tay trái "Mời cấp chỉ huy lên xe của tôi". Đại úy Phạm Xuân Thệ nói : "Chúng tôi đã có xe" và chỉ vào chiếc xe zeep của chỉ huy sở phía trước Trung đoàn 66. Để đảm bảo an toàn cho Tổng thống và Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn chúng tôi bố trí ngồi trên xe:

 -   Hàng đầu là lái xe Đào Ngọc Vân, ngồi giữa là Tổng thống Dương Văn Minh, ngồi bên phải là Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó.

 - Hàng thứ 2: Ngồi bên trái là tôi (Trung úy Phùng Bá Đam), ngồi giữa là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, ngồi bên phải là Trung úy Nguyễn Văn Nhu Trợ lí tham mưu, ngồi hai bên thành xe là chiến sỹ 2W Bàng Nguyên Thất và truyền đạt Nguyễn Huy Hoàng. Đi sau là 2 xe hộ tống của Đại đội 2, Tiểu đoàn 7. Khi xe của chúng tôi chở Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu rời khỏi Dinh Độc lập ra đài phát thanh thì trên đường xe tăng, xe thiết giáp và ô tô chở bộ đội ta đã tràn ngập đường phố, nhân dân đổ ra đường phất cờ, hoa đón chào quân giải phóng. Xe của chúng tôi do Dương Văn Minh chỉ đường phải luồn lách mãi mới tới Đài phát thanh Sài Gòn.

 4.Thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và chấp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn.

 Khi xe của Chỉ huy sở Trung đoàn 66 đến Đài phát thanh Sài Gòn, Trung úy Trương Quang Siều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 và Thượng úy Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên Tiểu đoàn phấn khởi ra đón chúng tôi. Đồng chí Trương Quang Siều báo cáo với Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó: "Tiểu đoàn 8 đã đánh chiếm được Đài phát thanh Sài Gòn". Đại úy Phạm Xuân Thệ biểu dương Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và yêu cầu đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên Đài phát thanh ngay. Trung úy Trương Quang Siều và Chuẩn úy Trần Viết Cả, Trung đội trưởng trinh sát Đại đội 20 (đi với Tiểu đoàn 8) dẫn chúng tôi lên tầng 2 đài phát thanh, lúc này nhân viên đài phát thanh đã chạy hết. Chúng tôi để Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi ở phòng khách. Trung úy Nguyễn Văn Nhu bố trí lực lượng bảo vệ ở đài phát thanh, còn 2 chiến sỹ thông tin Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng canh gác bên ngoài phòng khách. Thượng Úy Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên Tiểu đoàn 8 gặp ông già bảo vệ yêu cầu giúp đỡ tìm nhân viên kĩ thuật đài phát thanh thì nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên hãng AP của Pháp thường trú tại Sài Gòn nói "Tôi biết nhà của các nhân viên" và nhận đưa Chuẩn úy Trần Viết Cả và Thượng sỹ Đinh Văn Lâm, Tiểu đội trưởng trinh sát đến khu cư xá báo chí và đài phát thanh tìm các nhân viên. Sau khi thuyết phục ông Hứa Trọng Liêm và Tăng Tự Lập chuyên viên kĩ thuật của đài đồng ý đến đài phát thanh để điều hành.

Trong lúc chờ đợi tổ trinh sát tìm nhân viên kỹ thuật của đài phát thanh, chúng tôi bàn với nhau thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Dương Văn Minh đọc. Đại úy Phạm Xuân Thệ Trung đoàn phó, tôi (Trung úy Phùng Bá Đam), Thiếu úy Đinh Thái Quang, Trung úy Nguyễn Văn Nhu, tham gia mỗi người một ý. Đại úy Phạm Xuân Thệ chọn ý tứ để chấp bút nội dung lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Tổng thống Dương Văn Minh thì Trung úy Trịnh Ngọc Ước, Trợ lý chính sách đi với Tiểu đoàn 8 cũng đến. Khi bản thảo gần xong thì một người cao lớn đội mũ cứng đeo súng ngắn K59 đi vào, theo sau là 2 nhà báo. Trong đó có một nhà báo nước ngoài đứng nhìn chúng tôi một lúc rồi nói "Các anh ở đâu". Đại úy Phạm Xuân Thệ trả lời "Tôi Đại úy Phạm Xuân Thệ Trung đoàn phó Đoàn Đông Sơn (Phiên hiệu của Trung đoàn 66 lúc bấy giờ)". Rồi đồng chí tự giới thiệu "Tôi là Trung tá Bùi Văn Tùng Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 vào Dinh Độc lập tưởng các anh là người của quân đoàn thực hiện nhiệm vụ nên không tham gia, khi biết các anh là người của Trung đoàn 66 đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh tôi vội rượt  ra luôn " Đại úy Phạm Xuân Thệ giới thiệu chúng tôi với Trung tá Bùi Văn Tùng rồi mời đồng chí cùng tham gia, và đưa bản thảo cho Trung tá Bùi Văn Tùng, xem xong đồng chí nói "Các anh làm thế là được". Lời thảo tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đã hoàn tất Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc, Minh loay hoay mãi không đọc nổi vì chữ đồng chí Thệ khó xem rồi đề nghị "Cấp chỉ huy đọc lại cho tôi chép". Thiếu úy Đinh Thái Quang lấy tờ giấy poluya ở trên bàn đưa cho Dương Văn Minh chép. Khi Đại úy Phạm Xuân Thệ đọc đến câu "Tôi Đại tướng Dương Văn Minh Tổng thống chính quyền Sài Gòn…. ", thì Dương Văn Minh dừng lại ngẩng đầu lên đề nghị "Cấp chỉ huy cho tôi xưng danh là Đại tướng thôi, vì ông Trần Văn Hương bỏ không làm nên tôi phải đảm nhiệm….." Chúng tôi không đồng ý. Trung tá Bùi Văn Tùng nói " Không được, ông phải viết đúng, dù một ngày, một giờ cũng là Tổng thống, huống chi ông đã đảm nhiệm chức Tổng thống từ tay Trần Văn Hương những 2,3 ngày…". Thấy không thể đổi ý được Dương Văn Minh lại cúi đầu chép tiếp. Viết xong Đại úy Phạm Xuân Thệ cầm tờ giấy của Dương Văn Minh đưa cho Trung tá Bùi Văn Tùng kiểm tra lại rồi trao cho Dương Văn Minh đọc. Thiếu úy Đinh Thái Quang mở máy ghi âm thì cuộn băng bị rối, tôi vội chạy vào phòng Hệ thống trưởng hệ thống truyền thanh Sài Gòn lấy chiếc cặp có một số cuộn băng ghi âm  đưa cho Thiếu úy Đinh Thái Quang. Trong cặp có các-vi-dít của Nguyễn Văn Thăng ghi rõ chức danh Hệ thống trưởng hệ thống truyền thanh Sài Gòn, chiếc cặp và tấm các-vi-dít này tôi đã gửi lại cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Quân sự Việt Nam lưu giữ ngày 21 tháng 3 năm 1992). Thiếu úy Đinh Thái Quang cho cuộn băng ghi âm vào máy rồi mở, nhưng băng ghi âm vẫn bị rối, mấy lần vẫn không được, mọi người nói "Rõ ràng cơ khí của máy có vấn đề nên không ghi âm được " trong lúc chúng tôi đang loay hoay sửa chữa cát-sét thì nhà báo nước ngoài to, cao, râu quai nón, tự giới thiệu bằng tiếng Việt "Tôi là nhà báo CHLB Đức, máy của tôi tốt, đề nghị các ngài dùng máy của tôi". Chúng tôi đồng ý, ông mở máy, ghi âm lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh: "Tôi Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí trao lại cho chính quyền cách mạng lâm thời Cộng  hòa miền Nam Việt Nam". Chúng tôi cho mở máy nghe lại thấy hoàn chỉnh; rồi bàn với nhau phải có người thay mặt Quân giải phóng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn mới có giá trị. Trung tá Bùi Văn Tùng nói "Anh Thệ làm luôn". Sau đó một lát Đại úy Phạm Xuân Thệ ý kiến  "Anh Tùng làm là hợp lý" .Thấy hai anh cứ nhường nhau, tôi "Đề nghị anh Tùng thay mặt Quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh vì anh là người chỉ huy cao nhất ở đây, lại quê miền Nam là phù hợp". Mọi người đều đồng ý, thấy vậy Trung tá Bùi Văn Tùng lấy tờ giấy poluya màu xanh lục ở trên bàn soạn thảo ngắn gọn, đọc cho chúng tôi nghe. Thấy được! Rồi trung tá Bùi Văn Tùng đọc luôn để ghi âm "Tôi Bùi Văn Tùng thay mặt Quân giải phóng chấp nhận lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Tôi long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng"

Trung tá Bùi Văn Tùng đọc xong thì Thủ tướng Vũ Văn Mẫu xin được phát biểu. "Chúng tôi không đồng ý", anh Tùng gạt đi và nói "Không cần thiết". Vũ Văn Mẫu nài nỉ "Chỉ phát biểu ngắn gọn, kêu gọi không có đổ máu, không có tàn sát để đồng bào yên tâm". Thấy vậy chúng tôi đồng ý. Vũ Văn Mẫu đọc trực tiếp vào máy ghi âm: "Tôi Thủ tướng Vũ Văn Mẫu  kêu gọi đồng bào yên tâm, Quân giải phóng đã vào giải phóng Sài Gòn, không có đổ máu, không có tàn sát, mọi hoạt động trở lại bình thường". Chúng tôi kiểm tra lại các nội dung đọc vào băng ghi âm thấy hoàn chỉnh thì ông Hứa Trọng Liêm và Tăng Tự Lập nhân viên Đài phát thanh Sài Gòn đã đến kiểm tra máy móc kĩ thuật rồi báo cáo "Đài phát thanh đã làm việc bình thường", Trung tá Bùi văn Tùng và Đại úy Phạm Xuân Thệ nói với nhân viên đài phát thanh: "Đưa cuộn băng này phát trên Đài phát thanh Sài Gòn  ngay". Nhân viên đài phát thanh cẩn thận kiểm tra kĩ thuật một lần nữa rồi bắt đầu mở máy phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam của Tổng thống chính quyền Sài Gòn….

Lúc này đồng hồ chỉ 11h30' ngày 30/4/1975 giờ phút lịch sử thiêng liêng, toàn thắng đã về ta, chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ hoàn toàn; chấm dứt 30 năm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước Việt Nam, non sông thu về một mối. 

Đại tá Phùng Bá Đam - Chủ tịch Hội CCB Trường THPT Đông Đô