Rèn luyện phong cách nhà giáo Đông Đô mẫu mực
Mỗi năm cứ vào dịp đầu đông nắng ấm, trời se se lạnh là lại có một ngày hội lớn - ngày hội của các Nhà giáo. Cách đây hơn nửa thế kỉ, từ năm 1957, nhà giáo Việt Nam vui chung cùng thế giới Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo (20 - 11). Từ năm 1982, theo quyết định số 167/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), ngày 20 - 11 hàng năm đã trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày Nhà nước, toàn dân với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn vinh, tri ân Nhà giáo - Người thầy.
Học vấn, tri thức, giáo dục đào tạo vô cùng quan trọng. Học vấn, tri thức cần cho mỗi người như cơm ăn, áo mặc, như ánh sáng, khí trời. Học vấn, giáo dục có quan hệ đến vận mệnh một quốc gia. Vì vậy người xưa đã dạy: Dựng nước, chăm dân lấy học làm đầu; Tương lai của mỗi quốc gia tùy thuộc vào nền học vấn của người dân nước đó.
Nước ta, dân tộc ta đã có lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước, trải qua nhiều triều đại, nhưng thời nào cũng rất coi trọng, quan tâm, chăm lo cho sự học, chăm lo cho giáo dục, đào tạo. Bài kí của Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418 - 1499), Thượng thư phụ chính, Phó nguyên súy Tao Đàn thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) khắc trên bia Tiến sỹ dựng ở Văn Miếu năm 1484 có đoạn: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng….
Giáo dục - Đào tạo đã có những đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Thành tích của Giáo dục - Đào tạo do nhiều yếu tố tạo thành, trong đó yếu tố Người thầy - Nhà giáo là vô cùng quan trọng. Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang… Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…
Nhà giáo là khuôn vàng thước ngọc, là mẫu mực, mô phạm, là tấm gương nhân cách, nhà giáo được xã hội kính trọng nhưng trách nhiệm lại rất nặng nề và làm nhà giáo đâu có nhàn hạ mà ngược lại, rất vất vả. Từ bao đời nay là như vậy và ngày nay cũng vẫn như vậy.
Nước ta sau khi được thống nhất trọn vẹn năm 1975 đã có những giai đoạn cực kì khó khăn. Nhưng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, đổi mới toàn diện với từng bước đi vững chắc ở mọi lĩnh vực, mọi ngành, đất nước ta đã vươn lên nhanh chóng, mạnh mẽ với nhiều thành tích rất đáng phấn khởi, tự hào và trong sự lớn mạnh, vươn lên đó có ngành Giáo dục - Đào tạo với tư cách vừa là thành quả của sự đổi mới đồng thời cũng vừa là một nhân tố tạo thành sự đổi mới của đất nước.
Có lẽ trong lịch sử của nền giáo dục Việt Nam từ hàng ngàn năm nay chưa có thời nào mà Giáo dục - Đào tạo, khoa học, kĩ thuật, công nghệ, Nhà giáo - Người thầy lại được đánh giá cao và được xã hội tôn vinh như ngày nay.
Nhà giáo ngày nay cũng có rất nhiều sách - sách quý, sách hay, sách đẹp để tham khảo phục vụ cho dạy học, có rất nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại để lên lớp giảng dạy, để tìm hiểu thông tin trên thế giới làm phong phú thêm tri thức, để giao lưu, chọn lọc, nghiên cứu khoa học. Chưa có thời nào tài năng của người thầy lại được đánh giá cao, được động viên khích lệ, khuyến khích phát triển như bây giờ. Và một điều rất đặc biệt nữa là đối tượng để nhà trường, nhà giáo rèn luyện, giáo dục - đào tạo - đó là học sinh cũng thật khác xưa. Ngoài bản tính tuổi trẻ, có sức khỏe, nhiệt tình, ham hiểu biết, học trò ngày nay còn có những đặc điểm mang tính thời đại là rất nhạy bén, biết nhiều, năng động, đến với cái mới rất nhanh, có chí tiến thủ, có hoài bão vươn tới tầm thời đại và có điều kiện để phát triển năng lực, năng khiếu. Có những lớp học trò như thế để dạy, rèn luyện, đào tạo có thể nói đó cũng là hạnh phúc lớn của người thầy. Nhưng để làm tốt nhiệm vụ, trọng trách của Nhà giáo trước một đối tượng học sinh như thế đâu có đơn giản, dễ dàng. Mặt khác, sự phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường cũng tự phát bộc lộ những hạn chế, mặt trái khó tránh, tác động xấu đến xã hội, đến con người. Rồi xu hướng toàn cầu hóa “bào phẳng thế giới” cũng có những mặt tiêu cực tạo ra những thách thức khó lường… và tất cả những cái đó tác động đến học trò của chúng ta gây nên những “chấn thương tâm lý”, “những mảnh vỡ tình thầy trò” mà rất nhiều sách báo đã phản ánh. Nhà trường, nhà giáo phải trực tiếp đương đầu với hiện thực đó và phải hoàn thành sứ mệnh giáo dục học sinh, dạy các em làm người, làm công dân tốt, xứng đáng là chủ nhân tin cậy của tương lai dân tộc. Làm được việc này đâu có dễ nhưng cũng thật vẻ vang, đáng tự hào.
Ra đời trong công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam, Trường Trung học Đông Đô (1991 - 2011), Trường Tiểu học Đông Đô (1993 - 2011) đã vượt qua một chặng đường 20 năm đầy thử thách khó khăn từng bước xây dựng và phát triển, trở thành một mô hình giáo dục mới, chất lượng cao trong hệ thống trường phổ thông Việt Nam.
Thành tích của Trường Đông Đô trong 20 năm qua biểu hiện không chỉ ở số lượng học sinh ổn định trong các năm mà chủ yếu là ở chất lượng giáo dục toàn diện Đức-Trí-Thể-Mĩ và những sáng tạo không ngừng của nhà trường thể hiện bản sắc dạy thật, học thật, chất lượng thật. Nhà trường đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, xây dựng được đội ngũ giáo viên, cán bộ tâm huyết với trình độ chuyên môn cao. Trường phổ thông Đông Đô đã huy động có hiệu quả sự đóng góp của phụ huynh học sinh vào sự nghiệp phát triển giáo dục theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, đã phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục học sinh. Trường phổ thông Đông Đô đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển giáo dục, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở quận Tây Hồ và Thủ đô.
Qua 20 năm gian khổ phấn đấu xây dựng và phát triển, Trường phổ thông Đông Đô đã đúc kết những bài học kinh nghiệm quí báu về: Xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, thường xuyên đổi mới quy trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục rèn luyện học sinh, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường - nền tảng để quản lí học sinh có hiệu quả. Trường phổ thông Đông Đô là trường đầu tiên đã đưa môn Giáo dục kỹ năng sống vào dạy chính khoá từ năm học 2009 - 2010, đã xây dựng bể bơi trong nhà từ năm 2005 và trong 6 năm qua đã xoá nạn mù bơi cho 100% học sinh Tiểu học, THCS; 70% học sinh THPT. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở một trường ngoài công lập là một thành công lớn ở Trường phổ thông Đông Đô và kinh nghiệm đặc biệt nổi bật là nhà trường đã xây dựng được Hội đồng sư phạm 3 thế hệ, đội ngũ Giáo viên chủ nhiệm chuyên trách giàu kinh nghiệm, tài năng, bản lĩnh. Đội ngũ các nhà sư phạm và cán bộ nhà trường tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo cao của Trường phổ thông Đông Đô. Nhà trường đã thực hiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng, quan tâm chu đáo đến quyền lợi chính trị, quyền lợi tinh thần và vật chất của cán bộ giáo viên, vì vậy đã xây dựng được tập thể sư phạm đồng tâm hiệp lực vì sự nghiệp chung xây dựng nhà trường vững mạnh, xây dựng bản lĩnh và phong cách nhà giáo Đông Đô mẫu mực.
Mỗi Nhà giáo Đông Đô hãy phấn đấu, rèn luyện vươn lên để thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực; thực sự xứng đáng là nhân tố quyết định, nhân tố quan trọng nhất đảm bảo chất lượng đào tạo cao của nhà trường; để xứng đáng với sự tôn vinh, tri ân của xã hội đối với Nhà giáo Việt Nam.
Quá trình công tác, sự rèn luyện bản thân cùng với kinh nghiệm giáo dục tích lũy được, những tấm gương phấn đấu thành công của đồng nghiệp, sự chăm lo về cơ sở vật chất, tinh thần của lãnh đạo nhà trường, của Công đoàn…, sự mong đợi, niềm tin của học sinh, của cha mẹ học sinh với thầy giáo, cô giáo… là nguồn động viên, khích lệ để mỗi người chúng ta vươn lên thực hiện có hiệu quả sứ mạng vẻ vang của nhà giáo.
Hãy học tập gương người xưa trong sự nghiệp giáo dục, thấm nhuần những quan điểm giáo dục sâu sắc của những nhà giáo dục vĩ đại - người thầy của muôn đời như Khổng Tử, Chu Văn An, Hồ Chí Minh… Hãy học suốt đời, học không biết chán. Hãy dạy không biết mệt, toàn ý, toàn tâm. Thầy với trò - thương yêu như con; trò với thầy - kính trọng như cha (Khổng Tử).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Các cô, các chú nuôi dạy các cháu thì phải đem cả tấm lòng làm cha làm mẹ mà cư xử, mà chăm sóc dạy bảo… Các cháu có lỗi thì lỗi các cháu một phần, còn lỗi người lớn là mười phần”. Đó là lòng nhân ái, là sự khoan thứ, bao dung của người thầy, của Nhà giáo Đông Đô. Chúng ta ai cũng biết câu Hậu sinh khả úy. Đó chính là câu Khổng Tử đánh giá về lứa tuổi niên thiếu, lứa tuổi học trò nhỏ bé nhưng đó chính là tương lai của dân tộc, của đất nước. .
Mỗi nhà giáo hãy dành tâm huyết, trí tuệ của mình làm cho Trường Đông Đô thành một địa chỉ tin cậy để học trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui và bản thân mình mỗi buổi tới trường là một lần thêm phấn khởi, một lần phát hiện, tìm thấy những nét đẹp trong tâm hồn học trò, kích thích sự sáng tạo trong giờ lên lớp, trong sự nghiệp trồng người cao quý.
Năm học 2011 - 2012 là năm học đầu tiên của thập niên thứ 3 trong lịch sử phát triển Trường Đông Đô, cũng là lần thứ 21 kỷ niệm ngày Hội của Nhà giáo Việt Nam tại Trường Đông Đô. Những truyền thống quý báu, những thành công của nhà trường vẫn tiếp tục được phát huy thể hiện rõ trong sự phấn đấu, trong thành tích của thầy và trò ngay từ những tháng đầu của năm học.
Triết lý giáo dục của Trường Đông Đô là:
Tất cả vì chất lượng đào tạo toàn diện: Đức – Trí - Thể - Mỹ
Tôn vinh nhân phẩm và tài năng của Nhà giáo
Tôn trọng và phát triển nhân cách của học sinh
Thực hiện cá thể hoá quá trình đào tạo
Kỷ luật và Hợp tác là sức mạnh
Nền nếp quyết định chất lượng
Ý chí quyết định thành công
Sáng tạo quyết định tương lai
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo lời Bác dạy Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt, tập thể các nhà sư phạm tâm huyết, các bậc phụ huynh và các em học sinh Trường phổ thông Đông Đô cùng đồng tâm hiệp lực nâng cao chất lượng đào tạo, quyết tâm xây dựng Trường phổ thông Đông Đô Tiên tiến - Hiện đại - Chất lượng cao - Phát triển bền vững góp phần đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo ở Thủ đô Hà Nội, ở Việt Nam lên những đỉnh cao mới ngang tầm khu vực và thế giới.
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, mỗi nhà giáo, cán bộ Trường phổ thông Đông Đô quyết tâm phấn đấu để thực sự là tấm gương sáng, là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đào tạo cao của nhà trường.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 - 2011, xin kính chúc các thầy giáo, cô giáo và cán bộ nhà trường dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc; chúc các em học sinh noi gương hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của những lớp người đi trước luôn phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, rèn luyện tài năng ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh; chúc các bậc cha mẹ học sinh sức khỏe và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục và quản lí học sinh đạt hiệu quả ngày càng cao hơn nữa.