Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Xã hội thường tôn vinh người thầy là “người ươm mầm tri thức”,“người chèo lái con thuyền tri thức”, “mỗi nhà giáo là một nghệ sĩ đứng trên bục giảng”..v.v. Và đã là nghệ sĩ thì sẽ có một phong cách riêng. ở trường ta, mỗi người thầy đều luôn cố gắng xây dựng và rèn luyện phong cách Nhà giáo Đông Đô mẫu mực, phấn đấu trở thành một nhà giáo với “phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp”.
Phong cách là biểu hiện của nhân cách ra bên ngoài. Năm 2005, Hội đồng sư phạm nhà trường đã xây dựng tiêu chí Phong cách Nhà giáo Đông Đô mẫu mực gồm các nội dung sau:
- Nghiêm túc thực hiện Lời thề Đông Đô và các quy định của trường.
- Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
- Làm việc đúng giờ, đúng kế hoạch, thực hiện giờ lên lớp theo đúng hiệu lệnh.
- Thực hiện đúng 10 thói quen tốt và quy định về trang phục, tác phong của cán bộ giáo viên. Đeo phù hiệu khi làm việc tại trường. Không sử dụng điện thoại di động trong giờ dạy và trong hội nghị.
- Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, quan tâm chu đáo tới từng học sinh.
- Đoàn kết, hợp tác, tôn trọng đồng nghiệp, chân thành học hỏi, giúp đỡ nhau, phê bình và tự phê bình thẳng thắn.
- Thường xuyên rèn luyện phẩm chất Nhà giáo Việt Nam, bản lĩnh Nhà giáo Đông Đô. Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo.
- Gương mẫu tham gia các hoạt động chung của Nhà trường, có nhiều đóng góp xây dựng Trường PT Đông Đô Tiên tiến – Hiện đại – Chất lượng cao – Phát triển bền vững.
Để có cơ sở xây dựng và rèn luyện tốt phong cách của một nhà giáo mẫu mực, Hội đồng sư phạm và lãnh đạo Nhà trường đã đề ra 10 thói quen tốt của cán bộ giáo viên Trường PT Đông Đô. Phấn đấu mỗi giáo viên là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo. Thực hiện nghiêm túc và sáng tạo phương châm: Kỷ luật và hợp tác là sức mạnh, nền nếp quyết định chất lượng, Ý chí quyết định thành công, Sáng tạo quyết định tương lai.
Để xây dựng phong cách nhà giáo Đông Đô mẫu mực, mỗi người thầy giáo, cô giáo, luôn luôn rèn luyện đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, là người mẫu mực trong từng lời nói và việc làm. Bác Hồ đã dạy: Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, vì vậy, việc đầu tiên quan trọng nhất là phải có đạo đức tốt. Đặc biệt, trong ngành giáo dục với yêu cầu cao về việc: “Tiên học lễ, hậu học văn” thì đạo đức của người thầy lại càng quan trọng. Phải thường xuyên rèn luyện đạo đức như rửa mặt hàng ngày, quý trọng đạo đức như con ngươi trong mắt mình.
Không chỉ rèn luyện cho mình đạo đức tốt, trong vai người thầy, mỗi giáo viên cần hết lòng yêu thương và quan tâm chu đáo, tỉ mỉ tới từng học sinh. Như lời của Khổng Tử: Thầy với trò - thương yêu như con; trò với thầy - kính trọng như cha .
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các cô, các chú nuôi dạy các cháu thì phải đem cả tấm lòng làm cha làm mẹ mà cư xử, mà chăm sóc dạy bảo” . Đó chính là lòng nhân ái, là sự khoan thứ, bao dung của người thầy, của Nhà giáo Đông Đô. Chúng ta hãy dạy không biết mệt, toàn ý, toàn tâm vì học trò thân yêu của mình.
Trong mỗi giờ học, người thầy cần chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế, tổ chức các hoạt động, tạo không khí học tập sôi nổi, hăng hái, thoải mái để phát huy tinh thần học hỏi ở các em. Giáo viên không được dùng quyền uy của người thầy để quát nạt các em, mà hãy dạy các em bằng tình yêu thương và lòng tận tâm của mình. Làm sao để học sinh sẽ chăm chỉ học tập vì vị nể, tâm phục, yêu mến chứ không phải học vì sợ thầy. Muốn có được điều đó, người thầy không chỉ là một nhà giáo có chuyên môn giỏi, vững vàng mà phải là người gưỡng mẫu trong mọi hành vi, cử chỉ, lời nói trước học trò. Phải là người công tâm, dám nói, dám làm để học sinh nhìn vào và học tập, làm theo. Có thể nói, đạo đức của người thầy có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành, rèn luyện đạo đức của học sinh. Một người thầy có nhân cách tốt có thể cảm hóa, giáo dục nhiều học sinh có lối sống lệch chuẩn, làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của các em, từ đó các em xác đinh được động cơ và mục tiêu phấn đấu học tập, trở thành người con ngoan của gia đình, một công dân có ích cho xã hội.
Thực tế hiện nay có một bộ phận học sinh chưa ngoan, chưa chăm học và theo lẽ thường một số thầy cô giáo tự cho rằng trách nhiệm trên thuộc về chính học trò, thuộc về gia đình và xã hội mà quên mất vai trò giáo dục, vai trò định hướng của người thầy. Chất lượng, kết quả học tập và rèn luyện của học trò cũng phản ánh trình độ và trách nhiệm của mỗi thầy giáo, cô giáo. Chả thế mà ông cha ta đã từng dạy: “Thầy nào trò ấy”; “Có thầy giỏi mới có trò giỏi”.
Ngoài ra, để trở thành một giáo viên có phong cách mẫu mực thì mỗi thầy giáo, cô giáo cũng cần có lối sống đẹp với bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm láng giềng nơi mình cư trú. Phải là người tiên phong, gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, sống hòa đồng với mọi người, được mọi người xung quanh tin yêu, tín nhiệm.
Để xây dựng được phong cách nhà giáo Đông Đô mẫu mực là điều không khó nhưng cũng không cũng dễ, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo luôn phải có ý thức không ngừng tu dưỡng, rèn luyện suốt đời.
Là cán bộ giáo viên của Trường THPT Đông Đô, mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ công nhân viên trong nhà trường đều rất tự hào và hãnh diện khi được công tác, làm việc tại một ngôi trường có bề dày về lịch sử xây dựng và phát triển. Sự nghiệp giáo dục của Trường THPT Đông Đô trong suốt 25 năm qua đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Để đạt được những thành công đó, chúng ta tự hào và biết ơn các nhà giáo lão thành, những tấm gương sáng mẫu mực cho các thế hệ giáo viên Nhà trường noi theo đó là: TS. Võ Thế Quân, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng; TS. Lưu Thị Khánh, Phó Hiệu trưởng. Đây là những nhà quản lý năng động, sáng tạo, có tầm nhìn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường. Đã dẫn dắt Trường Đông Đô vượt qua muôn vàn khó khăn đi tới thành công ngày nay. Bên cạnh đó, còn có các thầy giáo cô giáo tận tụy, hết lòng vì học trò, mang kiến thức và phẩm chất mẫu mực của người thầy để dìu dắt bao thế hệ học sinh đã trưởng thành: NGƯT. Hồ Quang Diệu, NGƯT. Phan Kế Trần, NGƯT. Nguyễn An Nghi, PGS. Tô Cao Ly, nhà giáo Phạm Minh Hiệp, ... và nhiều thầy cô giáo khác trong Hội đồng sư phạm đã được Nhà trường ghi nhận, được nhận các giải thưởng cao quý: Nhà giáo tiên phong, Giải thưởng Chu Văn An, Huy hiệu Bác Hồ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển của Trường PT Đông Đô.
Hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường THPT Đông Đô, mỗi thầy giáo, cô giáo trong Hội đồng sư phạm nhà trường tâm niệm cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc tự hoàn thiện mình, là tấm gương sáng để bạn bè đồng nghiệp và học sinh noi theo, xứng đáng với truyền thống Nhà giáo Đông Đô mẫu mực.
Các thầy giáo, cô giáo trong Hội đồng sư phạm nhà trường tiếp tục cùng nhau đồng lòng, chung sức rèn luyện phong cách nhà giáo Đông Đô mẫu mực, quyết tâm xây dựng Trường Đông Đô ngày càng tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao, phát triển bền vững.
ThS. Nguyễn Thị Hạnh - Bí thư Chi đoàn CBGV Giải thưởng Chu Văn An