PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC THEO CẶP NHÓM MÔN TIẾNG ANH CẤP TIỂU HỌC

Mục tiêu giáo dục hiện nay đang tập trung hướng vào việc phát triển tính năng động, sáng tạo và tích cực của học sinh nhằm tạo khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề cho các em. Để đạt được mục tiêu này, việc thay đổi phương pháp dạy học theo hướng coi trọng người học - coi học sinh là chủ thể của hoạt động, khuyến khích các hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của các em trong quá trình dạy học là rất cần thiết.

Trong dạy học ngoại ngữ, quan điểm này càng đúng vì không ai có thể thay thế người học trong việc học ngoại ngữ và sử dụng chúng trong hoạt động giao tiếp bằng chính năng lực giao tiếp của mình. Phương  pháp dạy học ngoại ngữ chọn giao tiếp là phương hướng chủ đạo, năng lực giao tiếp là đơn vị dạy học cơ bản, coi giao tiếp vừa là mục đích vừa là phương tiện dạy học. Hình thức làm việc theo cặp hoặc nhóm gần đây trở nên phổ biến trong các lớp học ngoại ngữ theo quan điểm giao tiếp. Hình thức hoạt động theo cặp hoặc nhóm có thể hỗ trợ các hình thức làm việc cả lớp hoặc làm việc cá nhân. Những hoạt động luyện tập theo cặp hay nhóm mang tính chất hai chiều, tăng cường được việc trao đổi thông tin  qua lại của học sinh hoặc tạo cho các hoạt động luyện tập giao tiếp trên lớp để học sinh có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Qua một số năm dạy Tiếng Anh theo quan điểm giao tiếp tôi nhận thấy việc dạy học theo hình thức luyện tập cặp nhóm thực sự có hiệu quả.

Việc dạy học theo hình thức luyện tập cặp nhóm có những ưu điểm và hạn chế sau : 

1. Ưu điểm:

- Tăng cường cơ hội tham gia đóng góp xây dựng bài của học sinh.

- Tăng thêm tần số luyện tập, tiết kiệm được thời gian.

- Tăng thêm cơ hội cho nhiều học sinh được làm việc trong cùng một lúc.

- Tăng cường sự giao tiếp, trao đổi, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau của học sinh.

- Tạo điều kiện cho giáo viên làm việc với tư cách là người hướng dẫn, tư vấn cho học sinh.

2.  Hạn chế:

- Dễ gây ồn ào, ảnh hưởng đến các lớp bên cạnh.

- Học sinh có thể hay mắc lỗi khi làm việc với nhau.

- Giáo viên khó kiểm soát được mọi hoạt động của học sinh trong cùng một lúc.

- Học sinh có thể không làm việc, dựa dẫm, ỷ lại không tự giác làm việc hoặc khi mình phải đương đầu với những vấn đề không thể tự giải quyết được.

  Để phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế trên, tôi mạnh dạn đưa ra một số phương pháp luyện tập theo cặp nhóm với quan điểm giao tiếp và cách khắc phục những hạn chế của hoạt động cặp nhóm.

I. Thời điểm làm việc theo cặp hoặc nhóm.

  Hình thức làm việc theo cặp thích hợp với hoạt động hội thoại giữa hai người với nhau, do vậy sẽ phù hợp với các loại bài tập:

1- Luyện mẫu câu sau phần giới thiệu ngữ liệu mới và sau một vài phút luyện tập với cả lớp ( Giáo viên-cả lớp; nửa lớp-nửa lớp, cặp mở, cặp đóng ).

2- Luyện các bài hội thoại ngắn: đóng lại bài hội thoại, làm các bài hội thoại tương tự với gợi ý cho sẵn.

3- Các bài tập luyện giao tiếp.

4- Đọc bài khoá, sau đó hỏi và trả lời các câu hỏi về nội dung bài khoá, phương pháp này có mấy cách thực hiện như sau :

+ Học sinh thảo luận các câu hỏi trong cặp hoặc nhóm, sau đó đọc bài khoá để tìm câu trả lời.

+ Học sinh tự đọc thầm bài khoá sau đó hỏi và trả lời về nội dung trong cặp hoặc nhóm.

5- Các bài tập viết ngắn : học sinh làm nhóm, chọn thư ký viết những gì mà nhóm thảo luận, hoạt động này có thể khó tổ chức ở những lớp đông nhưng có thuận lợi là học sinh chữa được lỗi cho nhau và giáo viên chỉ việc cho điểm các bài viết của nhóm sau khi kết thúc hoạt động.

6- Thảo luận : Giáo viên nêu nhiệm vụ thảo luận một cách rõ ràng. sau khi thảo luận giáo viên gọi các nhóm báo cáo.

7- Các hoạt động giao tiếp khác như: Information gap, warm up,  role play, interview, questionaire, survey, problem solving, communication games...

 

II. Phương pháp chia cặp nhóm.

Có nhiều cách tổ chức làm việc theo cặp, nhóm.

1- Cặp :

a- Giữa thầy và một trò

b- Cặp mở : Giữa hai học sinh không ngồi gần nhau.

c- Cặp đóng : Giữa hai học sinh ngồi kề nhau.

 Để tránh sự nhàm chán khi làm việc theo cặp, giáo viên có thể sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức cặp như trên, không nhất thiết chỉ theo một hình thức nào, sao cho luôn tạo được sự mới mẻ, một môi trường và nhu cầu giao tiếp tự nhiên giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên.

2- Nhóm:

Trong trường hợp tổ chức làm việc theo nhóm nếu lớp chật, thì có thể tổ chức cho hai học sinh ngồi ở hai hàng ghế sát nhau ngồi quay đầu lại với nhau tạo thành nhóm 4 người mà không cần học sinh di chuyển nhiều trong lớp, không làm lãng phí thời gian. ở Trường tiểu học Đông Đô số lượng học sinh trong lớp ít (15-20 HS) nên việc tổ chức học nhóm rất thuận lợi.

- Khi chia nhóm phải đảm bảo phù hợp về số lượng.

- Cần phân đều số lượng học sinh cho mỗi nhóm (giỏi, khá, trung bình)

- Một nhóm có bao nhiêu học sinh là tuỳ ở sĩ số của lớp.

- Yếu tố ảnh hưởng đến chia nhóm là vị trỗ ngồi của học sinh trong nhóm.

- Có thể đặt tên cho các nhóm bằng tiếng Anh như theo chữ số, màu sắc, loài hoa, con vật hay những tính từ mà các em thích ...

 

III. Biện pháp tổ chức cặp, nhóm.

        Hình thức làm việc theo cặp nhóm có nhiều ưu điểm, đặc biệt trong việc luyện tập các chức năng lời nói song trong thực tế, khi học sinh làm việc theo cặp hoặc nhóm, giáo viên không thể kiểm soát hết được lời nói của học sinh và cũng không nhất thiết phải kiểm soát hết. Tuy nhiên, khi tiến hành các hoạt động cặp hoặc nhóm, cần lưu ý những điểm sau :

1- Chỉ dẫn bài tập hoặc đề ra yêu cầu một cách rõ ràng.

- Trước khi làm việc theo nhóm hoặc cặp phải có sự chuẩn bị tốt : Có mẫu hoặc ví dụ cho trước, cung cấp đủ ngữ liệu cần thiết cho bài tập.

2- Cần phân cặp hay nhóm hợp lý, có thể chọn học sinh có cùng trình độ, hoặc khác trình độ nhận thức để làm việc với nhau tuỳ theo từng ý đồ và tính chất của bài tập.

3- Tạo sự gắn kết thực sự trong nhóm, đề cử nhóm trưởng và cần phân rõ nhiệm vụ của nhóm trưởng.

4 - Cần quy định thời gian làm bài tập, tuỳ vào mức độ câu hỏi hay bài tập mà để thời gian dài hay ngắn. Đề ra quy ước bắt đầu và kết thúc hoạt động ( gõ thước, vỗ tay ).

5- Có sự theo dõi, bao quát chung của giáo viên.

6- Có sự hỗ trợ kịp thời của giáo viên khi học sinh trong nhóm gặp khó khăn

( giáo viên đi quanh lớp lắng nghe và giúp đỡ, ghi lại lỗi phổ biến.......).

7- Không cần chờ cho học sinh làm hết thời gian, giáo viên chủ động ngừng hoạt động nhóm khi thấy cần thiết.

8- Sau khi học sinh hoàn thành bài tập trong cặp hoặc nhóm, cần có sự kiểm tra và phản hồi kịp thời như nhận xét, góp ý kiến, chữa lỗi hoặc cung cấp mẫu đúng.

9- Khi hoạt động nhóm giáo viên có thể kết hợp nhiều phương pháp giúp học sinh luyện tập như : repetition, substitution, change into form và kết hợp các đồ dùng dạy học như máy chiếu, tranh ảnh, phiếu học tập, bảng phụ để hướng dẫn...

 

IV. Tiến hành tổ chức cặp nhóm.

1. Giới thiệu mẫu câu mới: Giáo viên gợi mở và làm mẫu rõ ràng. Cho học sinh nhắc lại đồng thanh, cá nhân. Chú ý sửa lỗi phát âm cho học sinh .

2. Thay thế câu theo gợi ý. Gợi ý có thể viết lên bảng hoặc bảng phụ.

3. Yêu cầu cả lớp thực hành với giáo viên và ngược lại để học sinh biết chắc chắn phải làm gì. Chọn hai học sinh không ngồi gần nhau nói to cho cả lớp cùng nghe.

4. Giáo viên đánh số học sinh theo hàng dọc hoặc hàng ngang và yêu cầu học sinh luyện tập đồng loạt . Yêu cầu học sinh đổi vai khi kết thúc. Giáo viên đi quanh lớp điều khiển hoạt động, lưu ý không chữa lỗi khi học sinh đang thực hành mà giáo viên nên ghi lại những lỗi này để chữa sau khi đó thực hành xong.

5. Ngừng hoạt động sau khi hầu hết cả lớp đó hoàn thành. Chọn 2-3 cặp không báo trước nói trước lớp.

6. Giáo viên chữa những lỗi phổ biến trong quá trình thực hành, tập trung chữa lỗi phát âm và ngữ pháp.

 

V. Tiến trình tổ chức làm việc nhóm.

- Giáo viên đưa ra lời chỉ dẫn nhiệm vụ một cách cụ thể, rõ ràng.( Có thể chọn học sinh cùng trình độ hoặc khác trình độ để làm việc với nhau tuỳ theo từng ý đồ và tính chất của bài tập )

- Giáo viên cung cấp mẫu, ví dụ và những ngữ liệu cần thiết cho bài tập.

- Quy định thời gian luyện tập.

- Giáo viên đi quanh lớp để theo dõi các em luyện tập để giúp đỡ những học sinh yếu và giải đáp thắc mắc của học sinh.

- Sau khi học sinh hoàn thành bài tập trong nhóm, cần có sự kiểm tra phản hồi kịp thời như nhận xét, góp ý kiến, chữa lỗi hoặc cung cấp mẫu đúng.

 

VI. Điều kiện áp dụng.

1- Đối với học sinh

Để hoạt động cặp, nhóm đạt hiệu quả cao trong hoạt động giao tiếp thì giáo viên cần tạo cho học sinh thói quen tuân theo một số quy định cần thiết để có thể đảm bảo được yêu cầu của bài tập như :

 - Cần nghe kỹ các yêu cầu của bài tập.

- Cần phải làm theo yêu cầu chỉ dẫn.

- Cần phải bắt đầu và dừng ngay khi có yêu cầu .

- Cần phải nhanh chóng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác khi giáo viên yêu cầu, không cố hoàn thành việc đang làm dở.

- Cần tự giác làm việc, không quá gây ồn ào.

2- Đối với giáo viên cần thực hiện tốt một số điểm sau :

- Lựa chọn thủ thuật, phương pháp phù hợp với từng loại bài.

- Luôn hướng dẫn và ra nhiệm vụ một cách rõ ràng để học sinh hiểu rõ công việc phải làm .

- Luôn khuyến khích học sinh mạnh dạn hỏi giáo viên khi có vướng mắc.

- Kiểm tra sát sao để học sinh luôn thực hiện bài theo đúng yêu cầu.

- Luôn ghi chép lại những lỗi phổ biến hoặc những điểm cần lưu ý để có thể chỉ ra cho học sinh và giúp học sinh sửa chữa sau đó.

 Lời kết

Quan điểm giao tiếp là quan điểm đặc thù của môn ngoại ngữ trong nhà trường. Dạy học ngoại ngữ thực chất là hoạt động rèn luyện năng lực giao tiếp, rèn luyện các mẫu lời nói dưới dạng nghe, nói, đọc, viết. Muốn rèn luyện được năng lực giao tiếp thì học sinh phải có môi trường và tình huống đa dạng, môi trường này chủ yếu do giáo viên tạo ra, mà hoạt động cặp nhóm là hình thức giao tiếp đặc trưng nhất của môn tiếng  Anh. Tôi rất hy vọng rằng kinh nghiệm này sẽ góp phần cải thiện năng lực giao tiếp của học sinh khi học tiếng Anh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Oanh (Huy hiệu Bác Hồ)