PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM TRONG DẠY HỌC MÔN LỊCH SỬ LỚP 10

Yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học theo phương pháp dạy học tích cực là vấn đề cấp bách nhằm nâng cao chất lượng dạy học của tất cả các môn học ở  các trường THPT, trong đó có bộ môn lịch sử. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử ở trường THPT là vấn đề đang được xã hội và các cấp lãnh đạo ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Đồng thời trách nhiệm này có phần đóng góp quan trọng của các thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy bộ môn lịch sử ở các trường THPT.

Có thể nói, từ lâu môn lịch sử đã được coi là môn 3K (Khô – Khó – Khổ) trong trường học. Đa phần học sinh đều ngại học môn lịch sử vì nghĩ môn học này vừa phải ghi chép dài dòng, vừa phải học thuộc những mốc thời gian, những sự kiện khô cứng, khó nhớ, khó thuộc. Vậy làm sao để học sinh có thể cảm thấy hứng thú khi học môn lịch sử, làm sao để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức? Để đạt được mục tiêu đề ra, trong quá trình dạy học, kinh nghiệm của bản thân tôi đúc kết lại là: Trong dạy học, mỗi giáo viên đều có những phương pháp giảng dạy khác nhau để giúp học sinh có thể chủ động lĩnh hội kiến thức. Với tôi, việc sử dụng phương pháp “thảo luận nhóm” sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy học môn lịch sử 10. Phương pháp này được vận dụng linh hoạt vào từng phần của từng nội dung bài học.

Để sử dụng phương pháp “thảo luận nhóm” trong dạy học, giáo viên cần:

    - Xác định mục tiêu bài học, kiến thức, kĩ năng học sinh cần lĩnh hội…
    - Chuẩn bị phương tiện dạy học: tranh ảnh, hình vẽ, máy tính kết hợp máy chiếu…
    - Xác định người điều khiển, đối tượng học sinh trong lớp.
    - Xác định rõ vấn đề thảo luận
    - Chuẩn bị kĩ lưỡng cho buổi thảo luận
    - Giáo viên cần quan tâm đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất để các đối tượng đều được thảo luận.
    - Xoay quan phần trọng tâm chủ đề thảo luận
    - Lắng nghe khi học sinh phát biểu
    - Giáo viên chuẩn bị tốt một số câu hỏi để làm sáng tỏ những điều còn nghi ngờ.
    - Trong khi thảo luận cần tạo không khí vui vẻ, tránh căng thẳng để học sinh thi đua hợp tác với nhau, trình bày ý kiến của mình trong quá trình tìm kiếm vận dụng kiến thức.

Ví dụ: Khi học “Bài 4: Trung Quốc thời phong kiến”, bài này học trong 2 tiết:

Trong tiết 1, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu 2 nội dung: Trung Quốc thời Tần, Hán và Sự phát triển chế độ phong kiến dưới thời Đường. Tiết 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần 3: Trung Quốc thời Minh, Thanh và phần 4: Văn hóa Trung Quốc thời phong kiến.

Khi kết thúc tiết 1, giáo viên dặn dò học sình chuẩn bị bài cho tiết sau. Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm, phân công công việc cụ thể cho từng nhóm trong việc tìm hiểu nội dung phần 4: Văn hóa Trung Quốc thời phong kiến. Tiết sau, từng nhóm sẽ lên trình bày về phần mà nhóm đã chuẩn bị. Cụ thể: Nhóm 1: Tìm hiểu về tư tưởng, nhóm 2: Tìm hiểu về  sử học, nhóm 3: Tìm hiểu về văn học và nhóm 4: Tìm hiểu về khoa học, kĩ thuật, kiến trúc.

Khi phân công công việc cho từng nhóm, giáo viên có thể đưa ra một sổ gợi ý để các nhóm chuẩn bị nội dung trình bày cho tốt. Ví dụ: Về tư tưởng: Nhóm 1 cần trình bày về Nho giáo và Phật giáo, Khổng Tử,... Về sử học: Nhóm 2 cần tìm hiểu vể “Sử kí”, Tư Mã Thiên, cơ quan viết sử. Về văn học: Nhóm 3: Cần tìm hiểu về thơ, tiểu thuyết,...Về khoa học, kĩ thuật, kiến trúc: Nhóm 4 có thể chia nhỏ từng nội dung và giao việc cụ thể cho từng các nhân để mọi người cùng làm việc.

Trong buổi học sau, giáo viên cử từng nhóm lên trình bày kết quả, các nhóm khác lắng nghe, đặt câu hỏi, và bổ sung cho nhóm bạn. Giáo viên, tổng kết, nhận xét, đưa ra một số câu hỏi kiểm tra, sau đó cho điểm để khuyến khích về sự chuẩn bị và tinh thần làm việc của từng nhóm. Cuối cùng giáo viên sử dụng giáo án điện tử để cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hình ảnh, video sinh động có liên quan đến bài học để học sinh hiểu bài.

Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ của tôi về đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử lớp 10. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các thầy, cô giáo, các bạn đồng nghiệp.

GV:  Kiều Thị Chanh