Phương pháp dạy học "TỔ CHỨC TRÒ CHƠI" trong giờ dạy môn Lịch sử cho học sinh lớp 10

Vấn đề đổi mới dạy học nói chung và đổi mới dạy học lịch sử nói riêng từ lâu đã trở thành một yêu cầu bắt buộc và hết sức cấp thiết đối với cấp học THPT. Trong quá trình đó các nhà giáo dục, các thầy cô giáo đã không ngừng trăn trở, tìm tòi những cách dạy mới nhằm nâng cao chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục. Hiệu quả học tập của học sinh là điều mong muốn của tất cả thầy cô giáo. Muốn thế phải đổi mới phương pháp Dạy và Học.

Phương châm đổi mới là “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động của học sinh trong việc tìm hiểu, tiếp cận và lĩnh hội tri thức”.  Vậy làm thế nào để phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy - học Lịch sử ? Trong thực tế dạy – học, có rất nhiều phương pháp được áp dụng : Phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan, phương pháp hướng dẫn học sinh ghi nhớ sự kiện lịch sử, nắm vững và sử dụng sách giáo khoa, vở bài tập, tiến hành công tác ngoại khoá...

Là giáo viên dạy môn lịch sử, trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy việc tổ chức trò chơi trong dạy học có sức hấp dẫn kì lạ, không đơn thuần là phương tiện giải trí bổ ích mà qua đó giúp học sinh (HS) dễ hiểu, dễ khắc sâu kiến thức, nắm được một số kĩ năng (KN) quan trọng như KN giao tiếp, KN vận độnh nhanh nhẹn, khéo léo, KN hợp tác, KN làm việc nhóm, KN ra quyết định, điều đặc biệt hơn cả là qua tổ chức trò chơi sẽ kích thích HS học tập, các em sẽ lĩnh hội tri thức lịch sử một cách dễ dàng, củng cố kiến thức một cách vững vàng, tạo niềm say mê, hứng thú hơn trong giờ học  lịch sử.

Để góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng, bản thân tôi xin mạnh dạn trình bày một số vấn đề về “Phương pháp dạy học “tổ chức trò chơi” trong giờ học lịch sử cho học sinh khối 10”.

1. Một số nguyên tắc khi tổ chức trò chơi

- Chọn trò chơi phù hợp với điều kiện  cơ sở vật chất của nhà trường;
- Xác định phạm vi, mục đích của trò chơi;
- Chọn trò chơi phù hợp với kĩ  năng cần rèn luyện cho HS;
- Tổ chức, biên soạn câu hỏi cho  trò chơi phải bám vào “Chuẩn kiến thức - kĩ năng” của bộ môn;
- Tổ chức trò chơi phải xác định được thời gian: Trừ các trò chơi tổ chức ở các tiết ngoại khoá (1 tiết hoặc nhiều hơn), các tiết làm bài tập lịch sử (1 tiết) thì các trò chơi tổ chức trong tiết dạy chỉ dừng ở thời gian là 4 – 6 phút;
- Trò chơi phải có sức hấp dẫn, thu hút được sự tham gia của HS, tạo không khí thoải mái, hấp dẫn trong học tập;
- Luôn thay đổi trò chơi để thu hút HS, tuy nhiên phải dựa vào dạng bài, kiểu bài  để thực hiện .
-  Khi tổ chức trò chơi GV là trọng tài công bằng ,chính xác và là cổ động viên  tích cực của HS  tham gia trò chơi, cho điểm hoặc ngợi khen các em trước lớp.

2. Một số hình thức trò chơi

Với đặc trưng của bộ môn, ở mỗi khối lớp các thầy cô giáo có thể xây dựng được một hệ thống trò chơi phong phú, đa dạng với nhiều tên gọi khác nhau, mục đích khác nhau. Hình thức tổ chức “ Trò chơi ‘’này có thể vận dụng cho 1 tiết bài tập lịch sử ,ngoại khoá , câu lạc bộ ,hoặc áp dụng để GV có thể củng cố bài học. Sau đây là một số trò chơi có thể vận dụng :

* Trò chơi “Điền sơ đồ trống”

Đây là trò chơi mà GV đã chuẩn bị trước sơ đồ trống để cho HS điền nội dung, với trò chơi này GV dễ dàng áp dụng đối với các bài có liên quan tới tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là chương trình lịch sử 10.

VD: Điền sơ đồ trống Sự phân hóa xã hội của các quốc gia cổ đại phương Đông.

* Trò chơi “Điền lược đồ trống”

Với trò chơi này thì GV chuẩn bị lược đồ, sơ đồ trống trước hoặc nhà trường có sơ đồ không màu để HS điền kí hiệu của một chiến dịch, một cuộc khởi nghĩa.

VD: HS điền kí hiệu về cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785) – Bài 23 – lịch sử 10…., Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938 (Bài 16 – Lịch sử 10)…

*Trò chơi “ô chữ bí mật”

Ở trò chơi này GV chuẩn bị hệ thống các ô trống theo chủ đề (nhân vật, cụm từ tiêu biểu….). HS tìm các chữ cái thích hợp để điền vào ô trống đã cho theo yêu cầu.

Đây là dạng trò chơi mà tôi và đồng nghiệp thường hay sử dụng nhất trong quá trình dạy học, vì hiệu quả của trò chơi này mang lại là rất cao.

Ở trò chơi này có 2 dạng chủ yếu:

- Dạng thứ nhất: Ô chữ có một hàng ngang.

VD: Bài 26 – lớp 8: Sau khi dạy xong bài, GV hỏi HS ? Ô chữ gồm có 8 chữ cái. Chế độ phong kiến ở Tây Âu thời trung đại gọi là chế độ phong kiến:

P H Â N Q U Y N

 

- Dạng thứ hai: Ô chữ có nhiều hàng dọc và có từ chìa khoá bí mật (mô phỏng trò chơi Đường lên đỉnh Ôlimpia)

* Trò chơi “Theo dòng lịch sử”

Trò chơi này dùng vào các tiết ngoại khóa, các tiết làm bài tập lịch sử để HS có điều kiện  chuẩn bị và có thời gian thích hợp cho khâu tổ chức.

GV chọn theo chủ đề lịch sử đã được học trước đó để cho HS tìm hiểu kĩ hơn, GV có thể áp dụng sau khi học xong một chương, một giai đoạn lịch sử.

VD: Tìm hiểu về một triều đại phong kiến, một cuộc khởi nghĩa, một cuộc kháng chiến, một cuộc cải cách…..

* Trò chơi “Ai là người nhớ sự kiện, nhân vật lịch sử nhiều nhất”

Tương tự như trò chơi “Theo dòng lịch sử” thì GV có thể áp dụng đối với các tiết làm bài tập lịch sử, các tiết ngoại khoá, phạm vi áp dụng được ở tất cả các khối lớp, tuy nhiên GV nên tổ chức trò chơi này sau khi học xong một giai đoạn lịch sử, một triều đại phong kiến, một hình thái cách mạng…

VD: Xã hội nguyên thủy, cuộc cách mạng tư sản Pháp….

* Trò chơi “Tìm hiểu nhân vật lịch sử”

Đây là trò chơi nhằm tìm hiểu một cách khái quát về thân thế sự nghiệp những nhân vật lịch sử có công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc và nhân loại, do vậy mà GV phải tổ chức chương trình ngoại khoá và các tiết làm bài tập lịch sử để dễ dàng thực hiện.

VD: Tìm hiểu các nhân vật lịch sử đã có công đối với dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỉ XIII: Trần Quốc Tuấn…

*Trò chơi “Giải thích khái niệm, thuật ngữ”

GV lồng ghép vào các tiết Làm bài tập lịch sử để tổ chức trò chơi.

VD: Chế độ Quân chủ chuyên chế là gì?...

* Trò chơi “Ai là người nhớ nhiều địa danh lịch sử nhất”

GV tổ chức các tiết ngoại khoá, hay lồng ghép đối với các tiết làm bài tập lịch hoặc sử dụng trong tiết học lịch sử địa phương sẽ dễ tổ chức và dễ thực hiện.

VD: Em hãy kể tên các di tích lịch sử tiêu biểu ở Nghệ An.

*Trò chơi “Hái hoa - trả lời câu hỏi lịch sử”

Áp dụng đối với các tiết ngoại khóa, làm bài tập lịch sử. GV chuẩn bị một cây hoa (trong thiên nhiên hoặc hoa giả), trên nhánh hoa có ghi các chủ đề câu hỏi để học sinh lựa chọn (chủ đề nhân vật; chủ đề sự kiện; chủ đề chiến tranh; chủ đề văn hoá…) trong mỗi chủ đề có hệ thống câu hỏi đê HS trả lời…

Trên đây là một vài kinh nghiệm mà tôi rút ra được qua việc sưu tầm và  tổ chức “Phương pháp dạy học “tổ chức trò chơi” trong giờ học lịch sử cho học sinh khối 10”.  Rất mong được sự  xem xét, góp ý của các đồng nghiệp để tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.  Xin chân thành cảm ơn!  

GV: Kiều Thị Chanh