Phối hợp giữa GVCN và GVBM trong giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh.

Sự phát triển toàn diện về nhân cách và năng lực của học sinh cần có sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học và thường xuyên giữa các tổ chức trong nhà trường và giữa nhà trường với các tổ chức ngoài xã hội. Trong các mối quan hệ đó, vai trò quan hệ giữa GVCN và GVBM là một mắt xích vô cùng quan trọng không thể thiếu trong việc giáo dục toàn diện học sinh.

GVCN là người thay mặt BGH Nhà trường quản lí một tập thể học sinh. Để làm tốt được điều này, GVCN cần nắm bắt tâm sinh lí, năng lực học tập của các em thông qua quá trình tiếp cận các em dưới nhiều hình thức khác nhau một cách khéo léo như theo dõi tình hình học lực, hạnh kiểm của các em ngay khi mới nhận lớp vào đầu năm học. Bên cạnh đó, GVBM hàng ngày trực tiếp giảng dạy cho các em, nắm được sự chuyển biến về tâm sinh lí, khả năng của các em trong từng môn học của mình. Vì vậy việc phối hợp giữa GVCN và GVBM là sự cần thiết. Một mặt, thông qua GVBM, GVCN có thể hiểu và nhận định sâu hơn về tâm sinh lí học sinh để có biện pháp điều chỉnh kịp thời đối với học sinh có những biểu hiện lười học, vô lễ hay cá biệt, kịp thời khen thưởng đối với học sinh có sự phấn dấu, có thành tích tốt. Mặt khác, thông qua GVBM, GVCN nắm bắt được năng lực học sinh từ đó có thể tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai, bởi lẽ nếu chỉ học tốt một môn học thì sẽ rất khó cho các em trong các kì thi tốt nghiệp, đại học cao đẳng ...

Thực tế cho thấy GVCN và GVBM trao đổi ý kiến với nhau là rất dễ nhưng để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất thì không phải là việc đơn giản. Bản thân tôi là một GVCN đồng thời cũng là giáo viên dạy môn Sinh học, tôi xin đóng góp một số ý kiến của mình như sau:

Thứ nhất: GVCN phải thường xuyên theo dõi kết quả học tập và đạo đức của các em qua sổ điểm, sổ đầu bài, trực tiếp qua giáo viên dạy từng môn để nắm bắt kịp thời năng lực của từng em. Qua việc theo dõi ấy chúng ta có thể giúp đỡ các em như lựa chọn những học sinh khá giỏi đưa vào đội tuyển bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đối với những em học kém hơn thì nên quan tâm ôn tập kịp thời.

Thứ hai: GVCN cần tạo điều kiện hình thành mối quan hệ tốt đẹp giữa GVBM và HS, thường xuyên nhắc nhở HS tôn trọng tất cả các thầy cô. Kiên quyết xử lý những HS vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô, chây lười trong học tập. Khi được thông báo HS vi phạm, GVCN luôn lắng nghe thông tin từ hai phía để có hướng giáo dục tốt; tạo điều kiện để GVBM có thể hiểu được tình hình lớp dẫn đến thông cảm, thương yêu, đối xử công bằng với HS; truyền đạt những nhận xét của GVBM đến học sinh (khen - chê) để các em rút kinh nghiệm và phấn đấu.

Thứ ba: Thống nhất kế hoạch và chương trình giáo dục chung đối với cả lớp, những biện pháp cụ thể với HS bỏ tiết, vắng học nhiều lần không phép, vi phạm nội quy trường, lớp ... để trao đổi với GVBM.

Thứ tư: GVCN phản ánh, trao đổi kịp thời những mong muốn của HS đến GVBM, ngược lại GVBM cung cấp danh sách HS yếu, cá biệt môn học nào đó ở lớp cho GVCN biết kịp thời có biện pháp giải quyết.

Thứ năm: GVCN biết lắng nghe những nhận xét của GVBM thậm chí là những phê phán cá nhân, tập thể lớp mình sau đó chọn lọc, phân tích thông tin để phối hợp tác động giáo dục cùng chiều, khắc phục khó khăn, vướng mắc của học sinh trong quá trình học tập, đề đạt nguyện vọng của học sinh với giáo viên bộ môn, để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ sáu: GVBM phải khắt khe trong việc kiểm tra bài cũ, em nào không học bài, không làm bài, có hành vi không tốt cần phải báo ngay với GVCN để GVCN có biện pháp và báo về gia đình.

Thứ bảy: Qua tìm hiểu năng lực của học sinh GVCN cần phối hợp với GVBM để giảng giải cho các em có thể tìm thấy khối học phù hợp với mình, định hướng nghề nghiệp cho các em đặc biệt là học sinh khối 12.

Thứ tám: Việc ôn tập, chuyên tâm môn học khối là tốt nhưng không được đồng nghĩa bảo các em từ bỏ hay xem thường các môn học khác. Như thế là một việc làm hoàn toàn sai lầm, khiến các em luôn trong tình trạng bị động.

Thứ chín: GVCN và GVBM cần phối hợp động viên các em khi có chuyện không vui hoặc học tập kém. Vì vậy nhà bác học Thomas Edison đã nói:“Cuộc sống không cần bạn giỏi nhất mà cần những bạn có cố gắng nhiều nhất”, “Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Con đường chắc chắn nhất để đi đến thành công là luôn luôn thử đi thử lại nhiều lần” 

Thứ mười: GVCN với tư cách là người đại diện cho lớp có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi mọi mặt cho học sinh lớp mình.

Khi xây dựng chương trình dạy học, nội dung dạy học trên lớp, các thầy cô đều xây dựng 3 mục tiêu: cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ. Đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc trong dạy học và các thầy cô giáo đều nhận thức sâu sắc yêu cầu này. Tuy nhiên, với thời lượng tiết học ngắn ngủi, GVBM chỉ có thể tập trung cung cấp kiến thức mà ít có điều kiện để rèn luyện kỹ năng sốngcho học sinh, nhất là kỹ năng ứng xử với xã hội, ứng phó và hòa nhập với cuộc sống.

Cách đây 7-8 năm, Hiệu trưởng Nhà trường - TS. Võ Thế Quân đã thức tỉnh và đi trước thời cuộc khi đưa chương trình môn học Kỹ năng sống vào thời khóa biểu chính thức để giảng dạy cho học sinh, và Trường THPT Đông Đô là trường đầu tiên, duy nhất làm được điều này.

Cơ hội thực hiện giáo dục kỹ năng sống rất nhiều và đa dạng. Có thể đề cập tới một số phương thức tổ chức sau: Thông qua dạy học các môn học; qua chủ đề tự chọn; qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; qua hoạt động trải nghiệm.

Tại trường THPT Đông Đô, các bài học KNS đều được Thầy Hiệu trưởng và đội ngũ GVCN chuyên trách xây dựng công phu, hàng năm luôn thay đổi và sáng taọ thêm nhiều các nội dung phù hợp với tình hình cuộc sống và xã hội… như giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống ma tuý, giáo dục pháp luật, sức khỏe sinh sản vị thành niên,… tạo nhiều cơ hội và điều kiện để triển khai giáo dục kỹ năng sống.

Như vậy. để hoàn thành tốt công tác đào tạo và giáo dục học sinh, mỗi GVCN và GVBM luôn luôn cần học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giáo dục hợp lí. GVCN và GVBM cần thường xuyên, liên tục trao đổi sau mỗi tiết học, sau mỗi buổi học để tìm ra được phương pháp giáo dục phù hợp, kịp thời. Quan trọng nhất, GVCN và GVBM luôn là những người bạn, những người đồng nghiệp có cùng một trí hướng.

----------------

Biên tập      : Cô Lê Hồng Nhung - Trợ lý HT về HC, ĐN & TT

Bài viết        : Cô Vũ Thị Hằng, GVCN, GV dạy môn Sinh học

Nguồn ảnh  : Cô Vũ Thị Hằng, GVCN, GV dạy môn Sinh học