Phát triển trí thông minh về ngôn ngữ trong giờ Tập làm văn ở Trường tiểu học Đông Đô

Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard- đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh. Theo Gardner, trí thông minh “là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa”  và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.

Lý thuyết của Gardner đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh:

Trí thông minh về toán học/logic
Trí thông minh về ngôn ngữ/lời nói
Trí thông minh về thị giác/không gian
Trí thông minh về vận động
Trí thông minh về âm nhạc/giai điệu
Trí thông minh hướng ngoại
Trí thông minh hướng nội
Trí thông minh hướng về thiên nhiên

Theo Howard Gardner, trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau và học theo cách tốt nhất như thế nào, trong đó có trí thông minh ngôn ngữ.

Thông minh ngôn ngữ  bao gồm sự khả năng nói và viết, khả năng học ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ để đạt được mục tiêu. Trí thông minh này bao gồm cả khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả để thể hiện bản thân bằng hùng biện hoặc qua thi ca; hoặc có thể dùng ngôn ngữ để nhớ thông tin. Các nhà văn, nhà thơ, luật sư và diễn giả là những người mà theo Howard Gardner có trí thông minh ngôn ngữ tốt. Trong nhà trường, bộ môn Tiếng Việt đối với học sinh tiểu học là nơi giáo viên cần phát triển loại hình trí thông minh này cho học sinh.

Tập làm văn là một phân môn trong bộ môn Tiếng Việt ở Tiểu học. Trước đây, chúng ta thường quan niệm, sản phẩm của bài tập làm văn chính là một bài viết. Tuy nhiên, với quan niệm đổi mới giáo dục, phát huy tính tích cực và năng lực của học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Đông Đô đã đổi mới phương pháp dạy học môn làm văn theo hướng phát triển trí thông minh về ngôn ngữ cho học sinh.
 

Nhóm học sinh đang thiết kế bài văn của mình

Trong giờ tập làm văn, học sinh không chỉ học cách viết văn như truyền thống mà các em còn được trình bày sản phẩm của mình qua hình vẽ và thuyết minh bằng ngôn ngữ nói. Mỗi bài vẽ chính là một phần của bài tập làm văn. Các em được tưởng tượng về thế giới xung quanh, thể hiện những cảm nhận, cảm xúc của mình trong niềm vui với màu sắc, hình khối. Sau đó các em thuyết trình cho các bạn khác nghe ý tưởng của mình.

Các em đang hăng say sáng tạo

Và rất tự tin khi trình bày ý tưởng bài văn "Miêu tả cảnh đẹp quê hương"  trước cả lớp



Sau giờ học, các em hoàn toàn thoải mái và phấn khởi bởi sản phẩm của mình. Như vậy, giờ tập làm văn đã phát huy tối đa tính tích cực của học sinh và vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học. Đặc biệt, các em được phát triển trí thông minh về ngôn ngữ.