PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CỦA HỌC SINH THÔNG QUA HƯỚNG DẪN HỌC SINH LÀM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Giáo dục ngày nay không chỉ đơn giản là dạy HS có điểm số tốt mà phải hướng đến giáo dục con người có nhân cách tốt, có năng lực tự giải quyết vấn đề. Khi nền giáo dục hướng đến phát triển năng lực của người học, lấy HS làm trung tâm, vai trò của GV không chỉ đơn thuần là truyền thụ một chiều thì vấn đề tự học trở thành điều cốt lõi nhất. Trong xu thế ngày nay, tự học càng được quan tâm và phải trở thành kĩ năng số một của HS.

Trong lịch sử ta thấy có rất nhiều tấm gương thành tài nhờ nỗ lực tự học của bản thân như trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền và tiêu biểu chính là chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội VII của Quốc tế cộng sản tại Matxcơva năm 1935, Bác khai trong lý lịch đại biểu tham dự như sau:

Họ và tên: Lin

Trình độ học vấn: tự học

Quả thật là đúng như thế. Năm 21 tuổi, Bác rời cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Bác phải tự học ngoại ngữ, tự học văn hóa nước bạn. Học đến đâu thực hành đến đó. Hằng đêm, sau 12 giờ lao động nặng nhọc Người lại tự học tiếng Pháp bằng cách học thuộc lòng mỗi ngày mười từ. Người viết những từ ấy ra giấy, dán ở những nơi dễ nhìn, có khi viết lên cánh tay. Và cứ thế, Người đã thông thạo không chỉ tiếng Pháp mà còn nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Trung Quốc, tiếng Anh. Người cũng từng căn dặn: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt”.

Mỗi người đều có phương pháp tự học khác nhau phù hợp với nhận thức và năng lực của mình. Tuy nhiên, HS ban đầu để giải quyết một vấn đề nào đó chắc chắn sẽ chưa hiệu quả.  Vì thế người thầy giáo không chỉ chú ý giảng dạy trên lớp tốt mà phải hết sức chú ý tới việc giáo dục HS tự học ở nhà cho tốt để những điều mình giảng dạy thực sự mang lại kết quả. Phải đặt ra những vấn đề, những câu hỏi để HS tìm hiểu, đi sâu, những vấn đề cần thực hành... Ở trên lớp cần chú trọng kiểm tra những điều đã hướng dẫn. Thông qua thảo luận của học sinh, giáo viên có thể đánh giá được mức độ nắm vững kiến thức của học sinh. Trong quá trình thảo luận, giáo viên dẫn dắt, định hướng để học sinh lĩnh hội kiến thức. Cuối cùng, giáo viên tổng kết, bổ sung, chính xác hoá những kết luận, hoàn chỉnh kiến thức bài học cho học sinh, rút kinh nghiệm về cách học và hướng dẫn học sinh tự kiểm tra. Như vậy mới coi như hoàn thành các khâu của việc giảng dạy.

Nhằm phát triển năng lực tự học của HS, từ năm 2003, trường THPT Đông Đô đã đề ra chủ trương làm bài tập NCKH cho HS nhằm giáo dục năng lực tự học và làm quen với phương pháp NCKH. Có thể khẳng định trường Đông Đô của chúng ta là trường đi đầu trong hệ thống giáo dục phổ thông tổ chức thực hiện hoạt động này với tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu – TS Võ Thế Quân. Thầy là một tấm gương về tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Thầy luôn quan tâm đến việc đọc sách của các thế hệ HS, duy trì hoạt động NCKH hàng năm. Đây là một việc làm ít trường nào có thể làm được. Và thực sự, khi hoạt động NCKH của HS trường THPT Đông Đô được tôi đưa lên trang cá nhân thì đã có rất nhiều GV đồng nghiệp thể hiện sự trân trọng, ngạc nhiên khi trường chúng ta tổ chức cho HS NCKH với quy mô bài bản như thế.

Để định hướng cho HS hoạt động NCKH, phát triển năng lực tự học có kết quả, GV phải là người hướng dẫn,tổ chức cho HS NCKH. Trong các tiết dạy, GV cần nếu tình huống có vấn đề, những nội dung mới chứa đựng nhiều yếu tố mâu thuẫn... nhằm tăng cường hứng thú học tập cho HS. GV là người định hình mục tiêu học tập chân chính cho các em, là người thắp lửa và truyền ngọn lửa đam mê tri thức. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định ý thức tự học của HS.

GV cùng với HS lựa chọn đề tài NCKH phù hợp với năng lực HS và gắn với bài học, thực tiễn. Hướng dẫn HS lựa chọn tư liệu ở sách tham khảo hay trên các địa chỉ website uy tín. Tuy nhiên, em luôn khuyến khích HS lên thư viện trường để tìm đọc sách tham khảo để bồi dưỡng văn hóa đọc cho HS. Khi làm việc với sách ta phải sử dụng năng lực tổng hợp toàn diện và có sự xuất hiện của hoạt động của trí não, một hoạt động tối ưu trong quá trình tự học. Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời của những thế kỷ đã trôi qua. Do vậy, rèn luyện thói quen đọc sách là một công việc không thể tách rời trong yêu cầu tự học. Ngoài việc tiếp nhận tri thức còn phải biết đối thoại, gợi mở, thắc mắc hay đề xuất những vấn đề cần lưu ý sau khi đọc sách, hoặc chí ít là học cách viết, lối diễn đạt từ những cuốn sách hay. Đó là cách đọc sáng tạo. Khác với sự giải trí đơn giản hay cảm nhận thông thường. Để HS cảm thụ đc giá trị một cuốn sách cần rèn cho HS có văn hóa đọc.

Sau đó, HS sẽ xây dựng dàn ý đề cương, luận điểm. Trong quá trình này, GV nên tạo môi trường đa thông tin bằng cách thảo luận nhóm. Bởi thông qua môi trường hợp tác, HS sẽ tự bộc lộ năng lực, tự rút kinh nghiệm và tự hoàn thiện bản thân. Sau khi có tất cả những thứ trên, HS bắt tay vào viết lách theo mục đích để làm nổi bật vấn đề cần nghiên cứu. Quá trình này, HS phải rèn đc năng lực xử lí thông tin bằng một loạt các kĩ năng so sánh, phân tích, đánh giá, tổng hợp.

Một đề tài nghiên cứu được đánh giá là tốt khi: có phạm vi giới hạn; có tính mới và độc đáo; xử lí vấn đề tương đối trọn vẹn. Cuối cùng kết quả nghiên cứu đó phải chặt chẽ trong phương pháp tiến hành, rõ ràng trong phong cách trình bày và dễ đọc.

Với những ý kiến trên, tôi mong các thầy cô tiếp tục lan tỏa ngọn lửa đam mê khoa học đến các em HS để nâng cao năng lực tự học và nâng cao chất lượng NCKH của HS.

----------------

Biên tập      : Cô Lê Hồng Nhung - Trợ lý HT về HC, ĐN & TT

Bài viết        : Cô Đoàn Thị Thúy – Nhóm trưởng môn Lịch sử

Nguồn ảnh  : Cô Đoàn Thị Thúy – Nhóm trưởng môn Lịch sử