NGUYÊN NHÂN XẢY RA CÁC TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM GIỮA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH

Tình huống sư phạm được hiểu là những vấn đề xuất hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, chứa đựng những mâu thuẫn cần giải quyết. Tuy nhiên, mỗi tình huống nảy sinh vào thời điểm khác nhau, mỗi học sinh lại có hoàn cảnh và tính cách riêng biệt, nên việc xử lý các tình huống sư phạm không thể cứ theo một đáp án duy nhất, mà giáo viên phải có cách xử lý tình huống một cách linh hoạt, có nghệ thuật.

Trong thực tế giáo dục học sinh, chúng ta thường gặp một số tình huống sư phạm như sau:

+ Nếu đối tượng cần ứng xử là một cá nhân học sinh: vi phạm quy định, nề nếp sinh hoạt như hay đi học muộn, mặc sai đồng phục…; phẩm chất đạo đức kém như nói tục, lười tham gia các hoạt động tập thể, lười biếng, gian dối trong học tập, thi cử; vô lễ với thầy, cô giáo, cao hơn là có thái độ kiêu ngạo, thách thức.

+ Nếu đối tượng cần ứng xử là một nhóm học sinh: chia bè phái để chống đối một cá nhân nào đó hoặc tập thể khác, lôi kéo bạn tham gia vào các tệ nạn xã hội; thiếu ý thức tuân thủ sự giáo dục của thầy cô giáo nề nếp sinh hoạt, học tập của tập thể.

Sự xuất hiện những tình huống ứng xử do một số cá nhân và nhóm học sinh nêu trên sẽ tạo ra những xung đột tâm lý của cả tập thể. Xung đột tâm lý trong tập thể có nguyên nhân từ những mâu thuẫn giữa những thành viên trong tập thể (giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và tập thể) do tập thể đó chưa hoặc không xây dựng được kỷ luật sinh hoạt, học tập rõ ràng, để tự do cá nhân hoành hành, trong tập thể có những nhóm phần tử chây lười, cực đoan, kích động và cũng có thể là sự phân công trách nhiệm thiếu bình đẳng, công bằng, thái độ mất dân chủ dẫn đến tình trạng học sinh trong lớp không phục.

Xử lý tình huống ứng xử sư phạm: tình huống ứng xử sư phạm có thể xuất hiện khi giáo viên có mặt, đòi hỏi phải xử lý ngay, hoặc là tình huống gián tiếp được thông báo qua một trung gian khác. Hai trường hợp khác nhau này đều trải qua quy trình giải quyết khác nhau nhưng mẫu số chung là phải tìm hiểu nguyên nhân của sự việc/tình huống.

Bên cạnh tìm hiểu nguyên nhân từ phía học sinh hay gia đình. Giáo viên cần tìm hiểu đối tượng học sinh từ các bạn trong lớp. Và nếu như Thầy Cô trở thành người bạn của các em thì quả là không gì tốt hơn, điều này rất khó! Thầy Cô có thể tạo môi trường cho các em sinh hoạt chung và từ đó nảy sinh tình bạn tốt, hãy để cho các em phát triển tình bạn một cách tự do trong tầm kiểm soát chừng mực của người lớn. Vấn đề này cần có sự phối hợp của gia đình và nhà trường một cách chủ động.

Giáo viên cần trực tiếp trao đổi với cá nhân HS hoặc tập thể về những việc làm chưa đúng, định hướng các em về hành động đúng, hướng các em vào các hoạt động tập thể, cùng cộng tác xây dựng để tạo thành tích chung, nâng cao lòng tự hào về tập thể lớp khiến các thành viên có sự gắn bó với nhau hơn.

Để đảm bảo tính giáo dục hiệu quả cho học sinh, khi giải quyết các tình huống giáo dục, chúng ta cần thực hiện các yêu cầu mang tính định hướng sau:

+ Tôn trọng, đặt mình vào vị thế của học sinh và lắng nghe các em.

+ Đặt HS có vấn đề vào vị trí của người khác để cảm nhận, thấu hiểu cảm xúc của người khác hoặc người có mâu thuẫn với mình để giúp các em hiểu tâm lý của người khác khi xảy ra tình huống tương tự.

+ Khuyến khích vai trò chủ thể của học sinh trong việc lựa chọn quyết định.

+ Không đồng nhất những hành động bột phát để đánh giá ý thức đạo đức của một học sinh.

+ Dựa vào đặc điểm cá nhân để lựa chọn phương pháp giải quyết vấn đề cho hiệu quả, khách quan công bằng.

+ Cần có sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường để cùng dạy dỗ học sinh.

+ Khích lệ yếu tố tích cực để hạn chế yếu tố tiêu cực của học sinh. Ví dụ nhiều em học lực yếu, nhưng lại có năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao rất tốt. Chúng ta cần khích lệ, động viên các em phát huy điểm mạnh của mình.

Giáo viên cần có một nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vị trí, yêu cầu đối với chính bản thân mình và công việc. Không chỉ trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy, người giáo viên cần phải rèn luyện cho chính mình đạt những phẩm chất đạo đức có tính chuẩn mực để trên cơ sở đó, mới có thể nhắc nhở, uốn nắn học sinh. Từ hành vi, ngôn ngữ, cách cư xử, cách suy nghĩ, đánh giá những sự việc trong cuộc sống, những thói quen trong sinh hoạt. Cần nhận thức rõ, giáo dục một con người là một quá trình không có điểm cuối cùng. Đó là công việc kéo dài cả một đời người chứ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai. Vì thế, người giáo viên không bao giờ được chủ quan, nóng vội. Và hãy dùng một cái đầu lạnh, một trái tim ấm nóng để lan tỏa đến nhân cách của mỗi học sinh.

----------------

Biên tập      : Cô Lê Hồng Nhung - Trợ lý HT về HC, ĐN & TT

Bài viết        : Cô Đoàn Thị Thúy – Nhóm trưởng môn Lịch sử

Nguồn ảnh  : Cô Đoàn Thị Thúy – Nhóm trưởng môn Lịch sử