MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO DỤC

Lời Ban biên tập: Mừng Xuân Quý Tỵ 2013, BBT mở chuyên mục Ngày Xuân bàn về Giáo dục. Xin trân trọng kính mời bạn đọc, các thầy giáo, cô giáo; những người quan tâm tới giáo dục cùng chia sẻ những suy nghĩ và đề xuất các giải pháp sáng tạo, cụ thể, khả thi ở tầm vĩ mô và ở từng cơ sở giáo dục để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng CSVN. Mở đầu cho chuyên mục này, Ban biên tập xin giới thiệu bài viết của TS. Võ Thế Quân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường PT Đông Đô. Rất mong nhận được sự hướng ứng của đông đảo bạn đọc.

 I. Các tiêu chí phát triển giáo dục.

Để chấn hưng nền giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam và thực hiện yêu cầu về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam cần xác định rõ các tiêu chí phát triển phù hợp với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay và định hướng trong 20-30 năm tới. Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề này chúng tôi xin nêu lên ý kiến về một số tiêu chí quan trọng nhất.

 1. Tính hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

     Đây chính là mục tiêu phục vụ kinh tế - xã hội của giáo dục và cũng chính là động lực cho giáo dục phát triển.

     Xã hội “đặt hàng” cho giáo dục. Giáo dục đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, cho các ngành  kinh tế, kỹ thuật; giáo dục và phát triển những thế hệ mới làm chủ tương lai của dân tộc.

     Tính hiệu quả, thiết thực và đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội phải thể hiện trong toàn bộ chiến lược phát triển giáo dục (kế hoạch dài hạn) ở tất cả các bậc học, ngành học.

     Tiêu chí này được xem là thước đo để đánh giá chất lượng phát triển của giáo dục.

     2. Nội dung giáo dục, đào tạo: dạy người, dạy chữ, dạy nghề.

     Cần làm rõ 3 nội dung này ở từng bậc học, vị trí vai trò và sự đan xen của các nội dung đó trong quá trình giáo dục đào tạo.

    - Về Dạy người (dạy đạo đức, rèn luyện nhân cách):

    Hiện nay xã hội rất lo lắng về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên. Điều này cho thấy mục tiêu dạy người của giáo dục còn rất nhiều khiếm khuyết.

   Các vấn đề về kỹ năng sống chưa được giáo dục thoả đáng trong các Nhà trường phổ thông vì thế đã hạn chế chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Đây là sự tiềm ẩn nguy cơ suy thoái đạo đức của một bộ phận thế hệ trẻ trong tương lai.

    - Về Dạy chữ (dạy kiến thức văn hoá):

     Chương trình học nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; nhiều kiến thức miên man, không thiết thực làm cho sự tiếp thu của học sinh bị quá tải. Cần xây dựng chương trình, nội dung giáo dục các lớp phù hợp hơn với các đối tượng học sinh.

     - Về Dạy nghề (định hướng nghề nghiệp và dạy một số nghề phổ thông):

     Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh làm quá muộn, vì vậy tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều có xu hướng học lên ĐH, CĐ. Do vậy cần có những giải pháp mạnh cả về tâm lý và về tổ chức để phân luồng học sinh sau THCS, THPT phù hợp với năng lực của học sinh, đáp ứng nhu cầu của xã hội; tránh lãng phí nhân lực, tài lực, thời gian.

    3. Phát triển giáo dục phù hợp với quy luật giáo dục của Việt Nam và thế giới.

     Cần tìm ra các quy luật phát triển giáo dục để vận dụng có hiệu quả vào công cuộc chấn hưng giáo dục.

     Xin nêu một vài vấn đề xung quanh lĩnh vực này:

     - Giáo dục công lập và tư thục là 2 nhánh hợp thành của nền giáo dục đã tồn tại và phát triển trong suốt lịch sử giáo dục của Việt Nam và thế giới, vì vậy cần tạo điều kiện để hai hệ thống này phát triển song hành và đáp ứng cho sự nghiệp giáo dục chung của đất nước.

     - Các trường ĐH có tính tự chủ cao vì vậy cần quản lý các trường ĐH bằng luật và các văn bản pháp quy chứ Nhà nước không làm thay công việc của các trường ĐH.

   4. Phát huy nội lực, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục.

   - Giáo dục Việt Nam phải do người Việt Nam quyết định việc xây dựng và phát triển, không ai làm thay được. Nguồn lực trong dân rất lớn (nhân lực, trí lực, tài lực), vì vậy cần có chính sách khơi thông các nguồn lực này, huy động được các nguồn lực đó vào sự phát triển giáo dục.

   - Chính sách xã hội hoá giáo dục mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện lâu nay đã đặt cơ sở cho vấn đề trên, nhưng chính sách, biện pháp còn chưa mạnh, chưa quyết liệt, chưa kịp thời.

    5. Phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam, truyền thống Nhà trường Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa giáo dục thế giới. Hội nhập quốc tế có hiệu quả.

    - Nhà nước cần bảo vệ chủ quyền quốc gia về giáo dục. Không để người nước ngoài lợi dụng chủ trương mở cửa của Việt Nam để tổ chức các hoạt động giáo dục không đúng luật pháp và làm ảnh hưởng tới sự nghiệp đào tạo thế hệ tương lai của đất nước.

     - Việt Nam có nền giáo dục lâu đời, nhân dân hiếu học, các nhà giáo có nhiều sáng tạo trong tổ chức Nhà trường, vì vậy trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử nền giáo dục đó vẫn tiếp tục phát triển. Do đó trong giai đoạn mới của đất nước, bản sắc Nhà trường Việt Nam cần được duy trì và phát triển.

     - Mặt khác cần chọn lọc, tiếp thu các tinh hoa giáo dục thế giới (về nội dung, cách tổ chức, phương pháp, CSVC...) để làm phong phú thêm cho nền giáo dục nước nhà và hội nhập có hiệu quả với nền giáo dục thế giới.

     II. Các hệ thống giải pháp chủ yếu.

     1. Phát triển cân đối toàn bộ hệ thống thống giáo dục quốc dân.

     - Trong giáo dục phổ thông (mầm non, tiểu học, THCS, THPT):

     Hiện nay cần đầu tư thoả đảng cho phát triển giáo dục mầm non, cần thấy rõ vai trò vai trò nền tảng của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 25/11/ 2009 Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Có hiệu lực từ ngày 01/ 07/ 2010) do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký đã bổ sung vào khoản 1 điều 11 Luật Giáo dục: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Quyết định này của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển giáo dục mầm non, nhưng chưa đủ mà cần một chiến lược phát triển giáo dục mầm non cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo hướng Nhà nước phải chăm lo toàn diện cho giáo dục trẻ em từ 0 đến 6 tuổi.

     Ngày 1/6/2012 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 15 - NQ/TƯ: Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 ( Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương khóa XI), trong dó có đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi ”. Đây là một quyết định quan trọng đảm bảo chính sách an sinh xã hội và đảm bảo mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân trong đó có giáo dục. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để ngành giáo dục phát triển giáo dục mầm non - nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân

     Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi ” trong Nghị quyết số 15 – NQ/TƯ: Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, xin đề nghị:

 

     1. Đề nghị Quốc hội bổ sung sửa đổi vào khoản 1 điều 11 Luật Giáo dục: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thành Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi.

     2. Đề nghị Quốc hội bổ sung sửa đổi vào khoản 2 điều 59 Hiến pháp năm 1992: Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí  thành Bậc Mầm non (từ 6 tháng - 6 tuổi) và  Tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.

     3. Bộ chính trị BCH Trung ương khoá  XI đã ban hành Chỉ thị số 10- CT/ TW về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xoá mù chữ cho người lớn. Chỉ thị của Bộ chính trị đề ra mục tiêu đến năm  2015 huy động 80% trẻ từ 3 dến 5 tuổi vào học Mẫu giáo, cả nước  hoàn thành mục tiêu phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chỉ thị đã đề ra các giải pháp cụ thể để bổ sung, hoàn thiện chính sách và đảm bảo các điều kiện cần thiết hỗ trợ bậc Mầm non phát triển bền vững nâng dần trẻ từ 3- 5 tuổi được học Mẫu giáo, thực hiện chăm sóc giáo dục 2 buổi/ ngày. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ chính trị, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cần có các biện pháp quyết liệt về đầu tư CSVC (ưu tiên đất và vốn để xây dựng trường Mầm non) và đào tạo, đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ giáo viên. Tại các vị trí đất phù hợp việc xây dựng trường Mầm non, đặc biệt các nơi đang thiếu trầm trọng chỗ học cho các cháu mầm non mà có các dự án đầu tư khác (trụ sở làm việc của cơ quan doanh nghiệp, nhà ở) thì chính quyền phải ưu tiên cho việc xây dựng trường mầm non theo tinh thần của Điều 35 Hiến pháp: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

     4. Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu: Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp CSVC, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục - Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá công tác phổ cập giáo dục - Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục.

     Để nhanh chóng có nguồn lực tài chính cho việc phổ cập giáo dục mầm non đề nghị Chính phủ quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các tập đoàn kinh tế đóng góp 0,5 - 1% lợi nhuận sau thuế trong 1 - 2 năm vào Quỹ phát triển giáo dục mầm non. Quỹ này do cấp Trung ương và địa phương quản lý. Các doanh nghiệp do địa phương quản lý đóng vào quỹ phát triển giáo dục mầm non của địa phương. Các doanh nghiệp do Trung ương quản lý đóng vào quỹ phát triển giáo dục mầm non của Trung ương (Bộ Tài chính hoặc Bộ GD&ĐT quản lý). Quỹ phát triển giáo dục mầm non của địa phương phục vụ cho việc xây dựng các trường mầm non ở địa phương. Quỹ phát triển giáo dục mầm non của do Trung ương quản lý phục vụ cho việc đào tạo giáo viên mầm non, xây dựng chương trình, tài liệu, sản xuất phương tiện học tập phục vụ cho bậc mầm non và hỗ trợ cho các địa phương còn nhiều khó khăn về xây dựng CSVC trường mầm non.

     Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi và cơ chế thông thoáng để thực hiện xã hội hoá giáo dục đối với bậc học mầm non.

     - Giáo dục ĐH, CĐ, TCCN:

     Cần phát triển các trường ĐH, CĐ, TCCN với quy mô hợp lý để đảm bảo chất lượng và đặc biệt cần phát triển các Trường TCCN để đảm bảo việc dạy nghề có hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

    2. Cải cách triệt để nội dung giáo dục.

    - Cần cải cách triệt để chương trình, nội dung, SGK từ lớp 1 đến lớp 12 theo hướng phù hợp, cân đối hợp lý 3 nội dung: dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT đến năm 2015 bắt đầu thực hiện chương trình mới, vì vậy cần hết sức quan tâm tới vấn đề này.

     - Kiến thức các bộ môn văn hoá phải thiết thực, hiệu quả, tinh giản, khoa học, phổ thông, gắn với thực tiễn.

     - Thực hiện phân hoá và phân luồng sau THCS và THPT.

     Cần có giải pháp cơ bản, lâu dài để tháo gỡ 2 nút thắt trong phát triển giáo dục hiện nay: phân luồng sau THCS và sau THPT.

     Đề xuất phương án: sau THCS căn cứ vào kết quả học tập của học sinh và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nên phân hoá học sinh theo 2 luồng:

    

 Chú thích:

1: Học sinh khá giỏi, có năng lực tư duy.

2. Học sinh trung bình, yếu; có năng lực thực hành.

 Làm tốt việc phân luồng sẽ:

     - Khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay; loại bỏ tâm lý sùng bái bằng cấp nặng nề trong xã hội.

     - Thực hiện lời dạy của tiền nhân: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh; làm bất cứ nghề gì có ích cho xã hội và bản thân đều đáng quý trọng.

     Để thực hiện yêu cầu trên cần giải quyết đồng thời các vấn đề:

     - Chương trình, sách giáo khoa phù hợp.

     - Tổ chức nhà trường phù hợp (trường THPT, TH kỹ thuật).

     - Giải quyết tâm lý của phụ huynh, học sinh.

     Trong Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS với mục tiêu ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Chỉ thị cũng đã đề ra yêu cầu Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp  THCS theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở trường TCCN, trung cấp nghề

     - Đối với giáo dục ĐH:

     Cần cải cách quy trình đào tạo cho phù hợp với ngành nghề sau khi tốt nghiệp để sinh viên có thể hành nghề ngay sau khi tốt nghiệp ĐH.

     Hiện nay chương trình và quy trình đào tạo ĐH, CĐ, TCCN của ta nặng về lý thuyết, tính chất nghề nghiệp chưa sâu, chưa nổi bật.

     - Về đào tạo sư phạm:

     Cần đặc biệt coi trọng hệ thống các trường sư phạm để đảm bảo đào tạo đội ngũ giáo viên cho hệ thống nhà trường phổ thông. Hiện nay có xu hướng đa ngành đào tạo trong các trường sư phạm đang làm mất dần bản sắc sư phạm là điều không hợp lý.

     Cần chú trọng đào tạo giáo viên về các mặt:

     - Kiến thức cơ bản về chuyên ngành (Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học...).

     - Phương pháp dạy học, chú ý trang bị các phương pháp hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin.

     - Kiến thức về tâm lý, kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục học sinh.

     - Phẩm chất, nhân cách người thầy.

     Hiện nay các trường sư phạm mới chỉ tập trung làm được 2 nhiệm vụ đầu, hai nhiệm vụ sau còn yếu và rất yếu. Vì vậy giáo viên mới chỉ thực hiện được chức năng dạy học (truyền đạt kiến thức) mà chưa quan tâm đến chức năng giáo dục (dạy kỹ năng sống, dạy đạo làm người cho học sinh). Nhà giáo phải là Nhà giáo dục theo đúng nghĩa đầy đủ của từ này.

     - Cần chú ý tới lời dạy của Lênin: Ai là người bảo vệ Chính quyền Xô Viết? Đó là chiến sĩ Hồng quân và người thầy. Vì vậy vấn đề giáo dục phẩm chất nhân cách, bản lĩnh, lý tưởng của người giáo viên để họ đủ năng lực đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Đó cũng là một trong những lời dạy của Bác trong Di chúc thiêng liêng của Người.

3. Cải cách triệt để cơ chế quản lý giáo dục.

     - Theo tôi cần xác định rõ: cải cách cơ chế quản lý là chìa khoá để chấn hưng nền giáo dục Việt Nam hiện nay, là khâu đột phá để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XI  Đảng Cộng sản Việt Nam.

     - Cải cách cơ chế quản lý theo những nguyên tắc nào? Có thể nêu lên những nguyên tắc sau:

     1. Phân cấp rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý giáo dục. Phải thể chế hoá các quy định thành các văn bản pháp quy. Hiện nay đang có tình trạng dựa dẫm vào nhau giữa các cấp quản lý và giữa các cấp quản lý với các cơ sở giáo dục.

     2. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước Nhà nước cho các cơ sở giáo dục (tổ chức, nhân sự, CSVC, quy trình đào tạo, tài chính...) nhằm phát huy tối đa sự năng động sáng tạo của các cơ sở giáo dục.

     3. Tăng quyền kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý giáo dục để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục, tránh tình trạng ôm đồm chồng chéo như hiện nay.

     4. Cần phải làm triệt để, nhanh, kiên quyết để tạo ra cơ chế mới, sức sống mới cho nền giáo dục phát triển.

4. Đầu tư cho giáo dục sớm là bước đột phá để cải tạo nòi giống và đào tạo nhân tài.

     Giáo dục sớm là một phát minh lớn của khoa học giáo dục trên thế giới trong 30 năm qua dựa trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu về sinh lý học thần kinh và não bộ trong giai đoạn phát triển của thai nhi và giai đoạn từ 0-6 tuổi. Não phải giữ vai trò chủ đạo trong giai đoạn từ 0-3 tuổi, từ 3-6 tuổi là quá trình chuyển vai trò chủ đạo sang não trái và hình thành hệ thống liên kết mạng lưới thần kinh dày đặc của hai bán cầu não trái và não phải, từ 6 tuổi trở đi náo trái giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy vai trò của giáo dục sớm là kích hoạt những tiềm năng trí lực của não phải (0-3 tuổi) và giai đoạn chuyển tiếp từ 3-6 tuổi. Nói cách khác giáo dục sớm là thúc đẩy sự phát triển tối ưu của não bộ (não trái và não phải) trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời và có vai trò quyết định tới sự phát triển tài năng của đứa trẻ khi đến tuổi trưởng thành.

     Nhà nước cần có quyết tâm lớn và chiến lược lâu dài về giáo dục sớm nhằm tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng nòi giống và đào tạo nhân tài cho đất nước. Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống trường đặc biệt từ mầm non đến đại học để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần hình thành lực lượng lao động chất lượng cao với trí tuệ vượt trội trong 20 - 30 năm tới.

 5. Phát huy nội lực, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.

     - Lực lượng quan trọng nhất làm nên chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo và  cán bộ quản lý giáo dục, vì vậy cần có chính sách thoả đáng để bồi dưỡng, đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ này để họ yên tâm làm tròn bổn phận của mình đối với sự nghiệp giáo dục.

     - Chính sách về lương, về điều kiện sống, chính sách về Hợp đồng lao động, công tác kiểm tra, thanh tra phẩm chất, năng lực của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần được hoàn thiện và thực thi trong cuộc sống. Tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, lý tưởng cách mạng cho giáo viên, bồi dưỡng kỹ năng giáo dục đạo đức học sinh.

     - Các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục đã có, nhưng việc thực thi rất kém hiệu quả do các rào cản của thủ tục hành chính.

     - Cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục được thuê đất, cấp đất, cho vay ưu đãi để xây dựng CSVC nhà trường.

 

6. Hợp tác quốc tế về giáo dục có hiệu quả. Bảo vệ chủ quyền quốc gia về giáo dục.

     - Nhà nước cần thực hiện nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia về giáo dục, bảo hộ giáo dục phổ thông, không nên cho nước ngoài mở trường phổ thông dạy học sinh Việt Nam tràn lan như hiện nay. Không nên dạy chương trình phổ thông nước ngoài cho học sinh Việt Nam, mà tất cả học sinh Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam phải được học chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT quy định để đảm bảo mục tiêu đào tạo con người Việt Nam mới theo đúng Luật Giáo dục.

     - Nhà nước cần nhanh chóng có các quy định về quản lý các trường có yếu tố nước ngoài và phải quản lý chặt chẽ loại hình trường này.

      - Việc đầu tư xây dựng các trường ĐH trọng điểm có đẳng cấp quốc tế cần có hướng đi, cách làm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Hiện nay hình như chúng ta tham vọng thì lớn nhưng sức lực có hạn nên việc triển khai ồ ạt trong thời gian gần đây khó có thể xây dựng được những trường ĐH Việt Nam  có uy tín quốc tế trong thời gian ngắn.

     - Cần có giải pháp tránh hiện tượng “chảy máu đô la” (dòng ngoại tệ từ Việt Nam chảy vào túi người nước ngoài ngay trên lãnh thổ Việt Nam) ngay tại Việt Nam dưới hình thức “du học tại chỗ”. Đây là hiện tượng người nước ngoài hoặc người Việt Nam liên kết với nước ngoài mở trường tại Việt Nam thu học phí cao bằng ngoại tệ mà học sinh Việt Nam lại không được đảm bảo về chương trình và chất lượng học tập.

     - Một hiện tượng nữa cũng đáng quan ngại là việc chảy ngoại tệ ra nước ngoài theo con đường du học. Đây là một tình hình đáng báo động: Chưa bao giờ việc du học lại được khuyến khích thái quá như hiện nay. Cần giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc du học để đảm bảo yêu cầu về phát triển giáo dục và phát triển kinh tế, khoa học của đất nước. Chỉ nên khuyến khích du học các ngành nghề đào tạo mà trong nước chưa đáp ứng.

     - Tổ chức có hiệu quả việc dạy ngoại ngữ cho học sinh (Anh, Nga, Pháp, Trung...), xây dựng chương trình học tập để học sinh có thể học và sử dụng ngoại ngữ thành thạo sau khi tốt nghiệp ĐH giúp cho việc hội nhập quốc tế được thuận lợi.

 

7. Bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Tiếng Việt là sản phẩm văn hoá chứa đựng tâm hồn, cốt cách và lịch sử của dân tộc Việt Nam, vì vậy việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng và phát triển Tiếng Việt, làm cho Tiếng Việt ngày càng giàu, đẹp, phong phú trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng trở thành vấn đề cấp bách và quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay Tiếng Việt đang có dấu hiệu bị “ô nhiễm”: Việc sử dụng Tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội, trong quảng cáo, trong đặt tên các doanh nghiệp, cửa hàng, trường học và trong giao tiếp xã hội có nhiều biểu hiện thiếu trong sáng, có nhiều dấu hiệu lai căng lẫn lộn Tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nhiều nhà ngôn ngữ học đã báo động về tình trạng này.

Để làm cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt xin đề nghị bổ sung vào Hiến pháp một điều về ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xin phép được đề nghị nội dung cụ thể của điều này như sau: Ngôn ngữ chính thức (hoặc Quốc ngữ) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Tiếng Việt. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Công dân Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Điều này có thể đưa vào sau Điều 145 của Hiến pháp 1992 về ngày Quốc khánh.

Tên gọi của Chương XI có thể là: Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, Ngày Quốc khánh, Ngôn ngữ chính thức (hoặc Quốc ngữ).