MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HỌC SINH ĐẶC BIỆT

Xã hội phát triển kéo theo nhiều giá trị đạo đức của con người cũng thay đổi. Ngày nay cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, cùng với sự du nhập của nhiều nền văn hóa mới thì trong trường học hiện tượng “học sinh đặc biệt”, vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, công tác chủ nhiệm của người giáo viên trong nhà trường là người bao quát, giám sát hàng ngày mọi nề nếp, sinh hoạt của học sinh trong nhà trường cần đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục“học sinh đặc biệt ”.

Đối với học sinh đặc biệt có nên xử phạt hay không? Có mắng học sinh đó trước tập thể không? Đó là những câu hỏi tôi luôn đặt ra trong quá trình làm công tác chủ nhiệm của mình. Với tôi việc học sinh có vi phạm tất nhiên sẽ phải bị xử lí, người giáo viên chủ nhiệm không thể nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm của học sinh được, nhưng xử lý như thế nào cho thoả đáng, cho có tính giáo dục cao nhất, để các em tâm phục khẩu phục. Quả thực đó luôn là nỗi trăn trở lớn nhất của tôi mỗi ngày đến lớp.

Qua thực tế chủ nhiệm lớp 12 D3, D4 năm học 2018-2019, xuất phát từ thực tế của nhà trường cũng như những kinh nghiệm bản thân đã tích lũy được trong việc tiếp xúc, giáo dục học sinh đặc biệt, tôi đã thực hiện một số biện pháp giáo dục như sau:

Thứ nhất: việc giáo dục học sinh đặc biệt bằng sự gần gũi yêu thương là biện pháp hữu hiệu nhất và là biện pháp đầu tiên tôi áp dụng. Hãy coi học sinh đặc biệt như một “thử thách” cần phải vượt qua, đừng coi đó như một tai nạn, một nỗi đau hay sự đen đủi khi được giao chủ nhiệm vào lớp có học sinh đặc biệt.

Thứ hai: Việc giáo dục học sinh đặc biệt có thành công hay không phụ thuộc vào người thầy, người thầy phải là người có “Tâm”. Chữ “Tâm” tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là sự yêu thương vô bờ đối với học trò như một người con, người em ruột thịt của mình mà còn là tâm huyết tha thiết yêu nghề, tập trung cho từng hành động nhỏ nhất của mình từ lời ăn tiếng nói, ăn mặc, hành động, chăm chút cho từng tiết giảng, từng cử chỉ của mình.

Thứ ba, không gọi các em là học sinh đặc biệt, các em chỉ là những “học sinh chưa ngoan”, những “học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Với trẻ tự kỷ hay tăng động giảm chú ý, chúng ta nhìn nhận các em như trẻ bình thường, không có sự gán mác, gọi tên hay phân biệt đối xử với các học sinh đó.  Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục các em học sinh “chưa ngoan” này trở thành học sinh ngoan, dạy dỗ và hỗ trợ những học sinh đặc biệt hoà nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Tôi xin trích dẫn một câu danh ngôn: “Nếu bạn nhìn ai đó với ánh mắt yêu thương, bạn sẽ không nhìn thấy những nét xấu xa mà bạn sẽ chỉ nhìn thấy toàn những nét đẹp mà thôi”.

Thứ tư, đa số các em học sinh  đặc biệt rất cần một điểm tựa tinh thần tin cậy để có thể được sẻ chia tâm sự, để được bộc bạch những khó khăn những nỗi niềm riêng tư thầm kín, thầy cô sẽ trở thành một người bạn lớn của các em. Tìm cách cho các em thể hiện cái “tôi” cá nhân của mình trước tập thể, không thẳng tay trừng trị các em. Hãy nhìn các em bằng sự bao dung của người cha, sự nhân từ của người mẹ, sự gần gũi, cảm thông của người anh người chị, sự thân thiết của người bạn.

Thứ năm, chúng ta hãy nhẹ nhàng phân tích những ưu khuyết điểm những đúng sai trong nhận thức và hành động của các em, cố gắng giúp các em tự nhận ra sai lầm, lỗi lầm của mình mà không phải mang mặc cảm nặng nề về lỗi lầm đó của mình, tạo cho các em thiện chí sửa chữa và không tái phạm. Hãy ở bên các em , hỗ trợ các em để các em cảm thấy được an toàn trong sự bao bọc giúp đõ của thầy cô.

Thứ sáu, học sinh đặc biệt dù khó giáo dục đến đâu thì bên trong các em vẫn luôn tiềm ẩn những nhân tố, những phẩm chất tích cực nếu có phương pháp đúng chúng ta vẫn khơi gợi để làm thức tỉnh các em. Với trẻ tăng động, các em luôn có nguồn năng lượng dồi dào, có khả năng nhận thức và tiếp thu khá chọn lọc đối với các lĩnh vực yêu thích.

Năm học 2018-2019, tôi làm chủ nhiệm lớp 12 D3 và đã chỉ định em Lê Hồng Phong làm lớp trưởng trước sự bất ngờ và không đồng ý của nhiều học sinh trong lớp (vì em Phong hay nói chuyện riêng, lười học, bắng nhắng, hiếu động) nhưng rồi chính điều đó không lâu sau- em Phong đã trở thành một lớp trưởng gương mẫu suốt học kỳ 1. Hay hai em Lê Phương Anh và em Nguyễn Ngọc Quỳnh, tôi đã phân làm tổ trưởng và nhóm trưởng cán sự bộ môn. Lúc đầu cả hai em từ chối và tôi đã động viên, chỉ việc và hướng dẫn cho các em làm, dần dần một thời gian sau cả hai em Phương Anh và Quỳnh đều luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và đi đầu tích cực trong các hoạt động, phong trào mà không còn vắng.

Tôi tin rằng khi thầy cô và cha mẹ hiểu và nắm bắt được những điểm mạnh của các em sẽ giúp các em có thể tận dụng và phát huy tốt để thành công trong tương lai.

Thứ bảy, chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, hãy nhìn các em với cái nhìn thấu hiểu khi đánh giá và phán xét, hãy tin tưởng chờ đợi sự chuyển biến của các em. Hãy trân trọng từng sự tiến bộ của các em dù là nhỏ nhất vì đó là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các em, mạnh dạn biểu dương các em trước tập thể. Đừng tiết kiệm lời khen với các em vì một lời động viên khen ngợi còn có giá trị hơn rất nhiều những bản kiểm điểm. Hãy tôn trọng quyền lựa chọn, sự quyết định của học sinh trong phạm vi cho phép, cùng nhau xây dựng nội quy của lớp, các em sẽ tự giác thực hiện vì nội quy đó do chính các em đưa ra. Tôn trọng sự khác biệt chính là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.

Thứ tám, thầy cô hãy cố gắng điềm tĩnh, biết tự kiềm chế vì “học sinh đặc biệt” là một sự “thử thách” rất lớn đối với đức tính điềm tĩnh, tự kiềm chế của mỗi giáo viên. Đừng nên quá khắt khe xử lí mạnh tay bằng những hình thức kỉ luật nặng nề, không nên đe doạ, thành kiến với các em. Đừng nhắc đi nhắc lại nhiều lần lỗi vi phạm của các em sẽ tạo nên sự xấu hổ dần dần dẫn đến sự chai lì.

Thứ chín, phải kiên quyết cứng rắn, lời nói phải đi đôi với việc làm. Xin đừng hứa suông. Đã nói thì phải kiên quyết thực hiện, biết không thực hiện được thì kiên quyết không nói. Vận dụng linh hoạt “lạt mềm buộc chặt”, “mềm nắn rắn buông”. Dù rất gần gũi với các em nhưng luôn phải giữ một khoảng cách nhất định của thầy trò.

Thứ mười, tích cực làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh, với đoàn thanh niên, phối hợp giữa các giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về học sinh của mình, kịp thời uốn nắn các em, từ đó tạo nên sự tin tưởng từ gia đình đối với Nhà trường. Việc chia sẻ giữa giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng giúp chúng ta tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống đặc biệt. Cuối cùng là sự kết nối với Ban giám hiệu để quá trình giáo dục học sinh được đảm bảo xuyên suốt có hiệu quả.

Thực tế trong công tác giáo dục học sinh đặc biệt của những lớp tôi từng chủ nhiệm, việc áp dụng một số biện pháp trên đã mang lại những hiệu quả giáo dục nhất định. Đa số học sinh trở nên chăm ngoan, lễ phép, vâng lời thầy cô giáo, thực hiện tốt nội quy trường lớp. Nếu chúng ta biết cách vận dụng một cách linh hoạt, tinh tế, đồng thời thực hiện một cách đầy trách nhiệm và giàu tâm huyết thì tôi nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc cảm hóa được các em học sinh cá biệt, hỗ trợ tốt các em đặc biệt.

-----------------

Biên tập      : Cô Lê Hồng Nhung - Trợ lý HT về HC, ĐN & TT

Bài viết        : Cô Lê Thị Thùy Dung - GVCN

Nguồn ảnh  : Cô Lê Thị Thùy Dung – GVCN

(Hình ảnh được đăng trong bài chỉ mang tính chất minh họa, không thể hiện cụ thể đối tượng học sinh được nhắc đến trong bài viết)