KÍ ỨC MÁI TRƯỜNG XƯA

Năm 1991, sau khi vượt qua một kỳ thi với 9 điểm Văn và 8 điểm Toán, tôi trở thành một trong những học sinh khóa đầu tiên của Trường Đông Đô. Bây giờ, chắc những thế hệ cùng tuổi chúng tôi ngày đó không thể mường tượng ra được cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học … ngày xưa. Hồi đó, năm học đầu tiên Trường phải thuê lại khu phòng học của Trường Tuyên giáo, chúng tôi đã trải qua những ngày mùa hè nóng như nung trong những phòng học vừa chật vừa ngột ngạt vì thiếu điện, thiếu nước.
Năm thứ 2 khi về học tại khu nhà cấp 4 trong Trường ĐHSP lại có những ngày mưa, trên đầu thì dột mà dưới chân thì lõm bõm nước… Nhưng các thấy cô giáo của chúng tôi thì lại toàn là giảng viên đại học, là các Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ… Bằng tâm huyết và kinh nghiệm cùng với tình thương học trò, các thầy đã đồng hành với chúng tôi, để cuối mùa hè năm 1994, 45 học sinh lớp 12A chúng tôi lần lượt bước chân vào đại học. Không ít bạn thậm chí phải phân vân chọn trường vì thi đỗ 2 hoặc 3 trường cùng lúc…

Có những buổi chiều ký ức xưa lại trào về, tôi cùng cậu bạn tên Long loay hoay đọc đọc, ghi ghi trên chiếc máy cat-sét của cô Lưu Thị Khánh Chủ nhiệm lớp, thầy Võ Thế Quân Hiệu trưởng, cặm cụi làm lời bình cho phim đèn chiếu của Trường. ở đó, có cả những lần lười học bài len lén copy bài kiểm tra môn Sinh bị thầy Hà bắt gặp. Có những điểm 9 môn hóa của thầy Phùng Ngọc Trác mà đến tận bây giờ vẫn tự “khâm phục” mình và không hiểu sao lại có lúc ‘siêu” thế vì vốn dốt môn này. Và có điểm 10 tròn trịa cho bài văn nghị luận phân tích tác phẩm Chí Phèo mà thầy Xuyền hạ bút chấm rồi được treo làm bài văn mẫu trên bảng tin của trường cả tháng trời… Một thời vô tư chơi, vô tư học. Kể cũng lạ, tôi, một đứa học trò giỏi văn ngày ấy, không trở thành phóng viên, nhà văn, nhà báo… mà lại thành người kinh doanh, được mọi người khoác cho chiếc áo Doanh nhân. Tuổi 18, hồn nhiên lắc đầu trước lời khuyên của thầy Xuyền, không chọn thi vào Sư phạm Văn, đơn giản chỉ vì sợ học khối C, để rồi nhiều năm sau bỗng thấy hối hận khi bị quay trong guồng của thu chi, lỗ lãi đến mệt nhoài. Tôi 18 tuổi khi đó vui vẻ bước chân vào làm sinh viên của Học viện ngoại giao, rồi tôi của tuổi 20 háo hức theo học song song thêm chuyên ngành Tin học của chương trình đào tạo Việt – Sing để “bắt kịp xu hướng tin học hóa toàn cầu”. Rốt cuộc, ra trường lại trở thành phụ trách kinh doanh trong một công ty Thương mại Tin học, rồi 4 năm sau thì trở thành chủ một doanh nghiệp về xuất khẩu thủ công mỹ nghệ cho tới tận bây giờ. Và tôi 40 tuổi, giữa bề bộn hợp đồng, đơn hàng, tỷ giá, bảo hiểm, lương nhân công… đã có lúc thở dài “ Biết thế lúc xưa nghe thầy Xuyền, làm cô giáo dạy Văn có lẽ đỡ vất vả, bon chen…

Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng kỹ năng từ Học viện Ngoại giao, kiến thức từ văn học đã giúp tôi có những cuộc đàm phán thành công hơn, đôi khi là bảo vệ lập luận, ý kiến của mình vững chắc hơn trước những đối tác đa phần là người Nhật kỹ tính.

Hai năm trước, 12A Đông Đô Khoá 1 kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Chúng tôi có dịp gặp lại các thầy cô. Thật xúc động, các Thầy cô đã già đi rất nhiều, mái tóc bạc phơ, có thầy đã đi xa mãi... Những tình cảm ấm áp và sự chăm lo chu đáo của Cô Lưu Thị Khánh, cô giáo chủ nhiệm suốt 3 năm học của lớp chúng tôi, như người mẹ thứ 2 là những ký ức theo chúng tôi suốt cuộc đời.

Mới đó mà đã 25 năm trôi qua kể từ lúc chân ướt chân ráo vào Trường. Các thành viên 12A Đông Đô Khoá 1 ngày ấy giờ đây không ít người tóc cũng đã điểm màu. Phải về thôi, về gặp thầy, gặp bạn, gặp lại mái trường Đông Đô giờ đây khang trang bề thế hơn rất nhiều so với lớp học mái ngói tường vôi ngày ấy, về để thấy những lớp đàn em Đông Đô ngày càng thành đạt hơn khóa 1 chúng tôi. Và rồi công việc được xếp lại, lúc này tôi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất…

Trần Thị Hải Yến - 12A

Khóa I (1991-1993)

Giám đốc Công ty TNHH TM XNK

Mỹ nghệ Thăng Long