GÓP Ý SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT GIÁO DỤC

TS. Võ Thế Quân

Hiệu trưởng

Trường THPT Đông Đô

Email: vanphong@dongdops.edu.vn

ĐT: 024. 3753 1676

 

Xin được góp ý vào Luật Giáo dục (Sửa đổi) theo Dự thảo ngày 12/4/2019 như sau:

Điu 12. Văn bằng, chứng chỉ.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 1, Điều 12: Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm Bằng tốt nghiệp tiểu học, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Tiểu học là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân vì vậy khi tốt nghiệp cần được cấp Bằng tốt nghiệp tiểu học.

Điu 14. Phcp giáo dục.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 1, Điều 14:

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

  • Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Thực tế cho thấy khi thực hiện phổ cập mầm non trẻ em 5 tuổi, các trường mầm non công lập đều ưu tiên cho trẻ em 5 tuổi nên số trẻ em dưới 5 tuổi vào học bị suy giảm vì số lượng chỗ học có hạn. Đó là một nguy cơ cho chất lượng giáo dục mầm non và ảnh hưởng tới sự phát triển giai đoạn đầu đời của trẻ em. Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi được khoa học giáo dục hiện đại xác nhận là giai đoạn vàng trong sự phát triển của đời người. Vì vậy đề nghị toàn bộ giáo dục mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi) phải được coi là bậc học phổ cập.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội: “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng” (Điều 34, khoản 1).

Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo điều kiện cho phổ cập giáo dục mầm non vì tương lai phát triển của các thế hệ người Việt Nam.

Điu 27. Cơ s go dục mm non

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 1, Điều 27:

Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ sáu tháng tuổi đến ba tuổi.

Điều 35. Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học phổ thông và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 1, Điều 35:

Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp tiểu học.

Việc sửa đổi này để tương thích với Điều 12 về văn bằng, chứng chỉ.

Đề nghị thêm vào Khoản 2, Điều 35:

Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) cấp Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Đề nghị thêm vào Khoản 3, Điều 35:

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

  • Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Từ Nghị quyết 29 của BCH Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII được thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; từ Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dẫn tới một số nhận thức sau:

  1. Học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) là đã hoàn thành chương trình “giáo dục cơ bản” và phải “phân luồng mạnh sau THCS”.

Hiện nay theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó tỉ lệ vào học THPT chiếm 70%, học bổ túc THPT hơn 8%, học TCCN và trung cấp nghề hơn 5%, tham gia thị trường lao động khoảng 15%. Theo Chỉ thị số 10CT/TW ngày 4/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa X): Đến 2020 thực hiện mục tiêu phân luồng 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Đây là bài toán khó cho ngành giáo dục, là điểm nghẽn lâu nay trong phân luồng sau THCS. Cần tìm chìa khóa giải quyết vấn đề này ngay từ Luật Giáo dục.

Vì vậy xin kiến nghị:

Để đảm bảo chất lượng và đánh giá đúng trình độ học vấn phổ thông của học sinh sau khi học xong THCS cần tổ chức một kỳ thi nghiêm túc gọi là Kỳ thi Tốt nghiệp chương trình giáo dục cơ bản (có thể gọi là Kỳ thi tốt nghiệp THCS).

- Sở GD&ĐT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi, ra đề thi và xét duyệt kết quả thi.

- Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cấp Bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục cơ bản (hoặc Bằng tốt nghiệp THCS).

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi và giám sát, thanh tra về tổ chức thi.

- Văn bằng tốt nghiệp, chương trình giáo dục cơ bản (tốt nghiệp THCS) là cơ sở để chủ động phân luồng từ phía người học và từ nhu cầu xã hội vì vậy nên phân loại trình độ: Giỏi, Khá, Trung bình. Có thể xem đây là chìa khóa để phân luồng sau THCS (ví dụ: Học sinh tốt nghiệp loại Giỏi, Khá có thể học lên THPT, tốt nghiệp loại Trung bình vào học nghề).

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý trong giáo dục phổ thông là: Hết bậc THCS không tổ chức thi tốt nghiệp mà chỉ cấp Bằng tốt nghiệp THCS > <  Để vào học lớp 10 học sinh phải trải qua một kỳ thi rất căng thẳng. Như vậy chúng ta đang tập trung chọn đầu vào THPT mà không chú trọng tới việc kiểm tra chất lượng đầu ra ở bậc THCS. Cách làm này thể hiện tư duy quản lý không phù hợp: Chặt đầu vào, lỏng đầu ra. Đáng lý ra phải làm ngược lại, tức là phải tổ chức nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THCS để đánh giá chất lượng giáo dục bậc THCS, kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản; còn việc chọn vào lớp 10 THPT giao lại cho các chủ thể giáo dục (các trường THPT, TTGDTX) tự quyết định phương án tuyển sinh theo Quy chế của Bộ GD&ĐT (thi tuyển, xét tuyển qua học bạ, kết hợp thi và xét qua học bạ). Trên thực tế việc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức thi vào lớp 10 chỉ phục vụ cho học sinh thi vào các trường THPT công lập, còn các trường ngoài công lập tự chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đơn vị mình.

Nghịch lý này thuộc loại lỗi hệ thống. Để giải quyết nghịch lý trên đây xin kính đề nghị Quốc hội cho sửa đổi Luật Giáo dục lần này theo hướng: Kết thúc bậc THCS cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp do các Sở GD&ĐT các tỉnh, TP thực hiện; còn việc tuyển sinh vào lớp 10 giao lại cho các trường THPT tự chủ thực hiện theo Quy chế của Bộ GD&ĐT.

  1. Ở bậc THPT là giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp”.

Học sinh lớp 10, 11,12 được tự chọn học 5 (mỗi nhóm ít nhất 1 môn) trong tổng số 9 môn học tự chọn (các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp …). Học sinh được lựa chọn môn học định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, các chuyên đề học tập cũng đa dạng hơn; như vậy trình độ học sinh đã được phân hóa theo yêu cầu “giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông cho chất lượng” (Nghị quyết số 44/2009/QH12). Do đó khi học hết lớp 12 học sinh có vốn kiến thức văn hóa hoàn toàn khác nhau theo các chương trình khác nhau (tạm gọi là chương trình học tập cá nhân).

Do chương trình học tập đa dạng nên cần nghiên cứu việc học và kiểm tra theo hình thức tín chỉ, học sinh hội tụ đủ các tín chỉ cần thiết theo quy định sẽ được xét cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

Chính vì vậy không thểkhông cần tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia như cách làm hiện nay (theo Quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT năm 2019).

Vì vậy xin kiến nghị:

- Bỏ Kỳ thi THPT quốc gia theo cách làm và cách tổ chức hiện nay. Kỳ thi này chỉ tiếp tục thực hiện đến năm 2023 dành cho khóa học sinh lớp 12 cuối cùng học theo chương trình hiện hành.

- Từ khi có học sinh lớp 12 đã hoàn thành  chương trình mới (năm 2024) thì Hiệu trưởng Trường THPT xác nhận, đề nghị  Giám đốc Sở GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THPT. (Cách làm này giống như hiện nay đối với hệ THCS: Học sinh hoàn thành chương trình THCS được Giám đốc Sở GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS mà không tổ chức thi tốt nghiệp THCS).

  1. Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh theo Quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành theo Luật Giáo dục đại học.
  2. Sau khi học sinh đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học, Hiệu trưởng xác nhận, đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp tiểu học để thuận tiện cho việc quản lý hồ sơ xác nhận kết quả học tập của học sinh. Hiện nay Hiệu trưởng xác nhận vào học bạ của HS tiểu học.

Theo các đề xuất này vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, phân cấp mạnh về quản lý giáo dục cho các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, các trường ĐH-CĐ; tăng quyền tự chủ của các nhà trường trong việc đảm bảo tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo. Cơ chế mới này cũng đảm bảo tính phân luồng mạnh sau THCS, phân luồng sâu sau THPT diễn ra phù hợp với sự phát triển KT-XH của từng địa phương và cả  nước.

Phương án trên đáp ứng đúng yêu cầu  căn bản, đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29 của BCH Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.

Điều 46. Đánh giá, công nhận kết quả học tập

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 3, Điều 46:

Học viên học hết chương trình trung học phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 Điều 44 nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điều 49. Nhà đầu tư

Đề nghị bổ sung khoản 4, điều 49 (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

  1. Trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên cần thành lập Hội đồng quản trị. Hoạt động của HĐQT theo Luật đầu tư và các quy định của pháp luật.

Điều 56. Hội đồng trường

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 3, Điều 56:

Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là Hội đồng quản trị, đại diện cho nhà đầu tư.

- Bỏ các mục a, b, c trong khoản 3.

Điều này phù hợp với Luật Giáo dục hiện hành và phù hợp với thực tế hoạt động của các trường tư thục.

- Hoặc lấy lại Điều 53 của Luật Giáo dục năm 2005.

Nếu để như Dự thảo sẽ mâu thuẫn với Điều 49. Nhà đầu tư, vì theo điều này các nhà đầu tư có nhiều quyền hạn như thông qua kế hoạch phát triển nhà trường do Hội đồng trường đề xuất, bầu hoặc cử miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng trường, giám sát, đánh giá hội đồng trường, xử lý vi phạm của hội đồng trường.

Như vậy việc thêm tổ chức hội đồng trường là không phù hợp đối với trường tư thục.

Điều 95. Ưu tiên đầu tư tài chính và đt đai xây dựng trường học

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Điều 95:

Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đưa việc xây dựng trường học, bao gồm các loại hình trường được quy định tại Điều 48; các công trình thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật phục vụ giáo dục vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương; ưu tiên đầu tư tài chính và đất đai cho việc xây dựng trường học và ký túc xá cho học sinh, sinh viên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 97. Học phí, dịch vụ tuyển sinh

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 3, Điều 97:

Học sinh thuộc diện giáo dục bắt buộc (Học sinh tiểu học) không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện giáo dục bắt buộc; ở địa bàn không đủ trường công lập, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ nộp học phí đối với học sinh trong trường tư thục.

Trẻ em mầm non từ 6 tháng đến năm tuổi, học sinh trung học cơ sở ở trường công lập không phải nộp học phí; Nhà nước hỗ trợ tiền nộp học phí cho trẻ em mầm non từ 6 tháng đến năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở những địa phương không bảo đảm đủ trường công lập. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

 Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non và học sinh trung học cơ sở trường công lập theo hướng ưu tiên trước cho trẻ mầm non.

Điều 99. Chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 4, Điều 99:

“4. Nhà nước dành một khoản ngân sách gọi là phúc lợi giáo dục cấp cho tất cả học sinh đang học tập trong các trường công lập, dân lập, tư thục một khoản tiền như nhau theo từng bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Kinh phí này được chuyển trực tiếp đến nhà trường nơi học sinh theo học. Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp hướng dẫn thực hiện nội dung này”.

  • Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Để đảm bảo công bằng về phúc lợi xã hội đối với học sinh trường công lập và trường ngoài công lập đề nghị Nhà nước nghiên cứu việc cấp kinh phí cho người học từ mầm non đến hết bậc THPT như nhau cho mọi học sinh. Xin được gọi kinh phí này là phúc lợi giáo dục. Nhà nước chuyển kinh phí này về nơi học sinh học (trường công lập hoặc ngoài công lập). Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo điều kiện các trường ngoài công lập giảm học phí cho học sinh (vì đã được Nhà nước cấp một phần kinh phí học tập cho học sinh). Học sinh trường ngòai công lập hiện nay không được hưởng phúc lợi xã hội về giáo dục.

Hiện nay học sinh trường ngoài công lập đang phải đóng học phí cao, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình; trong khi học sinh trường công lập đóng học phí rất thấp, lại được Nhà nước cấp kinh phí cho từng học sinh với mức độ khác nhau tùy từng địa phương.

Điều 100. Quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Khoản 1, Điều 100:

Tài sản trường dân lập, tư thục thuộc sở hữu của các nhà đầu tư.

Tài sản của trường dân lập, tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Điều này phù hợp với quy định hiện nay trong Luật Giáo dục và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các trường tư thục.

Điều 101. Chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, tư thục

Đề nghị sửa đổi, bổ sung (các chữ in đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi):

Đề nghị thêm vào Điều 101:

Trường dân lập, tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo đơn đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; Nhà nước không thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các trường dân lập, tư thục bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT để các trường tái đầu tư phát triển. Trường dân lập, tư thục được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 84 của Luật này.

Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, tư thục.

  • Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Để tạo điều kiện cho các trường dân lập, tư thục thực hiện chính sách phổ cập giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục THPT định hướng nghề nghiệp, Nhà nước cần tạo điều kiện ưu đãi về thuế và tín dụng để tạo thuận lợi cho các trường này phát triển góp phần thực hiện sự nghiệp phát triển giáo dục. Xin đề nghị Nhà nước không thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các trường dân lập, tư thục bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Khoản kinh phí này để các trường thực hiện tái đầu tư phát triển.

Kính đề nghị Quý vị đại biểu Quốc hội xem xét kỹ lưỡng để hoàn chỉnh Luật Giáo dục sửa đổi 2019 phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và phù hợp với đường lối đổi mới, thực tiễn giáo dục của Việt Nam; đáp ứng được kỳ vọng nhân dân cả nước và các nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Hà Nội, ngày 05/06/2019