GIỮ HỒN TRUNG THU TRUYỀN THỐNG – HỌC SINH ĐÔNG ĐÔ HỌC LÀM MẶT NẠ GIẤY BỒI

Mặt nạ giấy bồi từng rất quen thuộc với giới trẻ ở miền Bắc mỗi dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, trước tác động của đồ chơi hiện đại, đồ chơi truyền thống này đã bị mai một. Tìm ra cách làm mới để lan tỏa ý nghĩa của mặt nạ giấy bồi, là một cách trao truyền tri thức, góp phần duy trì văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Đó chính là lý do Đoàn TN Trường THPT Đông Đô kết hợp cùng CLB “Nghệ thuật và sức khỏe” tổ chức buổi sinh hoạt cho các bạn Đoàn viên, học sinh trong Trường về Kỹ thuật làm mặt nạ dân gian do Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoà- nghệ nhân cuối cùng giữ “bí kíp”làm mặt nạ giấy bồi truyền lại.

Đến dự buổi ngọa khóa có TS. Võ Thế Quân – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh khối 10, các em học sinh đại diện khối 11, 12 năm học 2020 – 2021

Có tận mắt chứng kiến nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa tỉ mỉ, cẩn trọng thực hiện từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ để làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi, mới có thể hiểu được tâm huyết của vợ chồng nghệ nhân gửi gắm trong những chiếc mặt nạ giấy bồi ấy. Đầu tiên phải chế tạo những khuôn đúc hình mặt nạ bằng xi măng. Sau đó, xé từng mảnh giấy nhỏ, dùng hồ dán bồi lên khuôn đúc có sẵn. Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận để mặt nạ căng, mịn và không bị nhăn. Sau khi bồi đủ các lớp giấy, mặt nạ được mang phơi khô dưới nắng để có độ cứng cáp. Cuối cùng là công đoạn tô sơn. Từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ…

Qua đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những chiếc mặt nạ giấy bồi hình Ông Địa, Thị Nở, rồi hình đầu trâu, mặt ngựa, ông hổ - báo, hình thổ dân da đỏ, có cả Tôn Ngộ Không… cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động và thấm đẫm hồn Việt.

"Làm thế nào để kết nối người trẻ Việt với những giá trị văn hóa dân gian là câu hỏi chưa dễ gì trả lời được. Những chiếc mặt nạ vừa mang tính giải trí vừa chứa đựng đầy ắp những giá trị văn hóa truyền thống sẽ dần dần bị mai một nếu thế hệ chúng tôi mất đi. Điều này khiến chúng tôi buồn lắm",  nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa trăn trở.