Dạy học áp sát đối tượng một biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học

Sự cần thiết phải dạy học sát đối tượng

Trong bất cứ lĩnh vực cũng như ngành nghề nào cũng đều phải quan tâm đến đối tượng hoạt động của mình. Cảnh sát điều tra tội phạm không thể không bám sát đối tượng điều tra, bác sĩ phải hiểu bệnh nhân của mình để điều trị. Nghiên cứu khoa học cũng phải bám sát đối tượng nghiên cứu và đặc biệt trong dạy học - giáo dục, người giáo viên càng phải hiểu đối tượng của mình để tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục sao cho phù hợp và có hiệu quả. Không hiểu và không bám sát được học sinh thì mọi công tác giảng dạy và giáo dục sẽ chỉ là những lý thuyết kinh điển xa rời thực tiễn, không tác động trực tiếp đến từng đối tượng cần được quan tâm.

Từ trước tới nay, lý luận dạy học đã từng chỉ ra rằng, nội dung quyết định phương pháp dạy học. Trên cơ sở nội dung bài học, giáo viên lựa chọn phương pháp. Điều đó hoàn toàn đúng, song thực tiễn lại cho thấy rằng, đối tượng học sinh mới là cơ sở quan trọng và quyết định tới phương pháp dạy học. Đối tượng học sinh như thế nào sẽ phải có phương pháp dạy học cho thích ứng. Từ Khổng Tử cách đây hàng ngàn năm cho đến các nhà giáo dục lừng danh trên thế giới cũng đều bắt đầu từ đối tượng để dạy cho sát trình độ.

Vì vậy, trong công cuộc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, dạy học sát đối tượng trở thành yêu cầu bắt buộc mà mỗi giáo viên trong các nhà trường phải thực hiện. Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương cũng như nhà trường phải quán triệt tinh thần này. Nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên các cấp đã đưa vấn đề này làm chủ đề chính để trao đổi.

Dạy học sát đối tượng là gì? Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, dạy học sát đối tượng có nghĩa là giáo viên phải hiểu biết sâu sắc đối tượng học sinh của mình để từ đó lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học cho phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực học tập của học sinh. Cụ thể là giáo viên phải hiểu được trình độ nhận thức của học sinh ở mức độ nào? Tinh thần, thái độ, động cơ, ý thức học tập ra sao? Sở trường, nguyện vọng, cá tính nổi bật của từng học sinh là gì? Những ưu điểm, nhược điểm của học sinh và phải biết được học sinh của mình đang thiếu hụt điều gì, cần cái gì,… Có hiểu được như vậy giáo viên mới tìm được biện pháp tác động có hiệu quả, mới đem lại được những cái cần và đủ cho từng học sinh.

Để dạy học sát đối tượng giáo viên cần thực hiện như thế nào?

Trước hết cần phải hiểu rõ đối tượng học sinh của mình trên cơ sở đó lập kế hoạch dạy học, thiết kế giáo án, lựa chọn phương pháp tối ưu nhất để dạy học cho phù hợp.

Với học sinh khá, giỏi: Hãy bước vào lớp với nụ cười, giáo viên cần tạo cho các em một tâm thế hứng khởi khi vào giờ học để kích thích sự tích cực, hào hứng, thoải mái trong học tập. Lựa chọn những kiến thức cơ bản, cốt lõi và phân tích một cách sâu sắc để giúp học sinh nhận thức tốt. Mở rộng, nâng cao một số kiến thức cơ bản để làm phong phú thêm nội dung bài học. Tăng cường đặt ra những câu hỏi, những bài tập có độ khó vừa phải để kích thích học sinh tìm tòi, suy nghĩ. Sử dụng linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng các phương pháp dạy học và yêu cầu học sinh tích cực làm việc trong giờ học. Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh. Như thế học trò sẽ lười suy nghĩ. Giáo viên cần làm cho học sinh thấy việc học là lao động thực sự. Điều quan trọng nhất là phải luôn khích lệ, luôn ở bên học sinh khi khó khăn. Trang bị cho các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu.

Với học sinh yếu, kém: Nội dung bài giảng phải tinh giản đến mức độ tối đa, song phải đảm bảo những kiến thức cơ bản, cần thiết và cốt lõi nhất để học sinh nắm được kiến thức cơ bản của môn học. Không tham kiến thức và tuyệt đối tránh đưa ra những kiến thức khó, phức tạp, rườm rà. Phải tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giúp học sinh lĩnh hội kiến thức. Trình bày bài giảng phải hết sức ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ; tránh lan man, dài dòng. Đảm bảo cho học sinh ghi chép một cách đầy đủ những ý chính của bài học (thậm chí phải đọc cho học sinh ghi chép  khi cần thiết và phải kiểm tra vở ghi thường xuyên). Cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Không đặt ra những câu hỏi quá khó. Cần đưa ra những câu hỏi nhẹ nhàng, đơn giản để khuyến khích học sinh trả lời và tích cực học tập.

Tăng cường kiểm tra việc học bài ở nhà và trên lớp của học sinh để kịp thời bổ sung những thiếu hụt về kiến thức. Điểm kém sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bởi vậy hãy cố gắng chừng nào có thể để tránh cho các em điểm kém. Hãy tìm mọi cách cho các em có cơ hội để gỡ điểm. Giữ kỉ cương, nề nếp lớp học là điều cần thiết, song đừng đòi hỏi một kỷ luật lý tưởng trong giờ học. Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng trong việc dạy dỗ học sinh. Cần tạo bầu không khí thân thiện, vui vẻ, cởi mở để học sinh không bị ức chế, căng thẳng. Biết truyền cảm hứng đến từng học sinh, từ đó từng bước xây dựng thái độ học tập đúng đắn cho các em.

Đúng như nhà giáo dục Nga Chép lốp đã từng nhắn nhủ tới tất cả giáo viên:

Người thày trung bình chỉ biết nói

Người thày dạy giỏi biết giải thích

Người thày xuất chúng biết minh hoạ

Người thày vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.

Nếu mọi giáo viên cố gắng thực hiện được như vậy thì việc học tập của học sinh cũng như việc giảng dạy của thầy sẽ đem lại hiệu quả thiết thực làm tăng chất lượng đào tạo trong mỗi nhà trường.

TS. Phạm Thị Kim Anh