CHÀO NĂM MỚI ẤT MÙI CHÀO XUÂN ĐÔNG ĐÔ - HÀ NỘI 2015

Đã sang xuân mới Ất Mùi. Thời gian trôi quả là rất nhanh. Mới hôm nào nghe tiếng vó ngựa rộn ràng của năm Giáp Ngọ, thế mà “bóng câu qua cửa”, nay đã đến Tết Ất Mùi. Tiếng hí vang của ngựa hồng, ngựa bạch, ngựa kỳ, ngựa kí, ngựa ô… cùng vó ngựa lúc nước kiệu, khi nước đại đã lùi xa. Đã nghe tiếng kêu be be, cùng tiếng gõ lộp cộp của móng dê trên sườn non vách đá vọng về.

Năm Ất Mùi, theo cách gọi dân gian là năm Con Dê - Can Ất. Ất là bậc thứ hai trong Thiên can, tượng trưng cho mùa xuân, thân mộc đang vươn lên. Mùi cũng còn gọi là Vị, là ngôi thứ tám trong mười hai con giáp theo cách gọi phổ biến từ ngàn xưa. Mùi (Vị) vật tượng là Con Dê. Dê từ Hán là Dương. Dê - Mùi tượng trưng cho sự ôn hòa, thuần hậu, đồng cảm, vị tha, hòa hiếu, trọng tình trọng nghĩa, chu đáo, thông tuệ tài trí nhưng chính trực, khiêm nhường, có sức sống nội tâm mạnh mẽ, kiên trì, bền bỉ vươn lên thực hiện mục đích hoài bão đã định.

Mùi - Vị theo nguyên tắc kết hợp can - chi thường gắn với Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý. Năm Ất Mùi cũng thường gọi là Ất Vị, Đinh Mùi = Đinh Vị… Trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim thường gọi theo cách này.

Dê là động vật có vú, loài nhai lại, chân có móng, toàn thân có lông tơ mịn bao phủ. Lông dê thường có màu nâu, vàng, cũng có con màu đen, xám, trắng… Có một số vùng có loài dê lông dài và mịn như lông cừu. Đặc điểm của dê nổi bật là ở bộ râu, râu dê có khi rất dài và rậm. Răng cửa hàm trên của dê có cấu tạo đặc biệt. Dê ăn được đủ các loại cỏ, lá cây kể cả vỏ cây cứng. Thức ăn dê rất thích là lá dâu. Dê có tầm vóc và hình dáng trông rất hiền lành. Bộ sừng của dê tùy loài mà có chiều dài ngắn, kiểu dáng khác nhau nhưng không làm cho dê trở nên dữ tợn gây ác cảm đối với con người mà càng làm cho dê trở nên ngộ nghĩnh, dễ gần hơn. Dê có khả năng sinh sản rất nhanh. Một năm tuổi sau khi ra đời dê con đã ở tuổi trưởng thành. Dê trông hiền lành nhưng lại thích đùa, thích leo trèo nhảy nhót, rượt đuổi nhau kể cả ở những hẻm núi, dốc đá chênh vênh.

Theo các nhà khoa học, dê có cách đây khoảng 50.000 năm. Thời đồ đá mới trong chăn nuôi nguyên thủy con người đã thuần dưỡng một số động vật hoang dã trong đó có chó rồi dê, cừu, bò… tạo ra một nguồn thức ăn dồi dào giá trị dinh dưỡng cao. Trong vách các hang động thời tiền sử người ta đã thấy những bức tranh vẽ hình bò rừng, ngựa, dê rừng… Dê là một trong sáu gia súc có ý nghĩa lớn trong đời sống nông nghiệp phương Đông (trâu, ngựa, chó, dê, lợn, gà). Thời cổ, trong tế lễ thánh thần, lễ vật dâng cúng có tam sinh là bò, lợn và dê. Theo sử cũ, thời các vua Hùng, nhà nước Văn lang đã có lễ tế cáo trời đất, thánh thần và lễ vật là bò, dê, lợn thui. Trong hôn nhân, người dân giết trâu, dê làm đồ lễ. Thời nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua đã cho Bộ Lễ mua hơn 300 con dê và chọn ra 20 con dê đực đặc biệt giao Tế sinh làm lễ vật tế ở đàn Nam Giao. Ở hậu cung, các vua chúa hay dùng một xe nhỏ do dê kéo để đêm đêm đến với cung tần mỹ nữ.

Từ xa xưa, dê là con vật rất có ích đối với đời sống con người ở nhiều vùng miền, châu lục khác nhau trên thế giới. Dê cung cấp thịt, sữa; da và lông dùng làm chăn ấm, áo khoác, dệt thảm, bút vẽ, bàn chải. Thịt dê, nhiều bộ phận của cơ thể dê có hàm lượng chất béo cao, nhiều chất sắt, sinh tố B1, B2, có tác dụng như những vị thuốc ôn dương, trợ hỏa, bổ trung ích khí, bổ huyết, trừ tà… chữa bệnh thiếu máu, gầy yếu, cơ thể suy nhược… Ở nước ta dê có tầm vóc nhỏ, cao chừng 50 đến 70cm, nặng trung bình khoảng 30kg hoặc 40, 50kg. Thịt dê được coi là món đặc sản khoái khẩu của người Việt Nam với nhiều cách chế biến: tái, lẩu, làm nem, hầm, nướng, quay, nhựa mận, sốt vang…

Dê có vai trò, vị trí và ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh, đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Trong thơ văn Việt Nam, từ văn chương bác học, chính luận (như “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, thơ của Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan rồi Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu…) đến văn học dân gian truyền miệng (như ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, đồng dao) đều thấy có nói đến dê. Trong các lễ hội dân gian, dê cũng có mặt góp vui như trò “bịt mắt bắt dê”, “dung giăng dung dẻ”, hoặc thi đấu dê giống như trò chọi trâu… Cho đến các thời kỳ sau này, hình tượng dê trong kiến trúc, tạo hình, chạm khắc, trang trí ở tranh, bia miếu, đền, đình với các chất liệu gỗ, đá, đồng vô cùng phong phú… Một họa sỹ đương đại đã có một bộ 120 bức tranh dê, gây ấn tượng bất ngờ, độc đáo cho người xem tại một triển lãm đầu năm 1991 (Tân Mùi). Ở Trung Quốc thời xa xưa cũng có nhiều giai thoại về dê nổi tiếng như: với 5 bộ da dê, Tần Mục Công đã chuộc được Bá Lý Hề (một nhân vật tài giỏi mà Tần Mục Công rất ngưỡng mộ và mơ ước có trong tay từ lâu) từ nước Sở về rồi phong cho ông chức Thượng Khanh, giao cho giữ binh quyền cả nước mặc dù lúc này Bá Lý Hề đã ở tuổi 70. Hay chuyện Tô Vũ chăn dê thời Hán Vũ Đế (141 - 87 tr.CN) đã làm bao người cảm động…

Năm mới bắt đầu từ mùa xuân, nghiệp lớn dựng lên thường cũng bắt đầu với dịp xuân về khi đông lạnh đã qua, nắng ấm với những làn gió xuân nhè nhẹ êm ả tràn ngập khắp đất trời. Đọc lại sử xưa, có nhiều sự kiện diễn ra cùng với những mùa xuân gắn với năm  Mùi.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, việc đăng quang lên ngôi vua là rất quan trọng. Năm Mùi có nhiều vua lên ngôi. Năm Ất Mùi (1175), Lý Cao Tông (Long Cán), vua thứ 7 của vương triều Lý lên ngôi khi mới ba tuổi và ở ngôi 34 năm, mất năm 37 tuổi. Cuộc khởi nghĩa trải qua 10 năm chiến đấu kiên cường của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo đã kết thúc thắng lợi cuối năm Đinh Mùi (1427) đưa tới sự thiết lập một vương triều mới đứng đầu là Lê Lợi và triều đại nhà Lê kéo dài mãi tới năm 1788. Vua thứ 17 của vương triều Lê là Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ) sinh năm Đinh Mùi (1607), lên ngôi vua lần thứ nhất năm Kỷ Mùi (1619), lần thứ hai lên ngôi vào năm 1649 và mất năm 1662, làm vua 37 năm. Vua thứ 18 vương triều Lê là Lê Chân Tông (Lê Duy Hựu, con của vua Lê Thần Tông), lên ngôi vua năm Quý Mùi (1643), ở ngôi 6 năm, mất năm 1649, thọ 19 tuổi.

Vương triều Nguyễn là vương triều cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Đây cũng là lúc chế độ phong kiến nước ta bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy yếu. Dưới triều vua thứ ba của nhà Nguyễn còn có một tai họa lớn đối với đất nước ta, đó là sự xâm lược của thực dân Pháp (1858). Vua thứ ba của vương triều Nguyễn là Nguyễn Dực Tông (Nguyễn Phúc Thì) lên ngôi năm Đinh Mùi (1847), đặt niên hiệu là Tự Đức, ở ngôi 35 năm và mất cũng vào năm Mùi (Quý Mùi - 1883). Năm Quý Mùi  (1883) là năm có rất nhiều biến động trong hoàng tộc. Vua Tự Đức mất, Dục Đức lên thay được 3 ngày thì bị phế và bị giết. Hiệp Hòa lên thay được 4 tháng cũng bị giết (tháng 11/1883). Kiến Phúc lên thay được 5 tháng thì bị bệnh chết. Triều đình nhà Nguyễn đã phải ký Điều ước Quý Mùi, tức Điều ước Hacmăng (tháng 8/1883) thừa nhận sự bảo hộ của nước Pháp, đánh dấu sự mất độc lập của nhà nước phong kiến Việt Nam. Khi Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, vua thứ 12 của vương triều Nguyễn là Duy Tân (Nguyễn Phúc Vĩnh San) lên ngôi năm Đinh Mùi (1907), lúc mới 7 tuổi. Ông là một vị vua có tinh thần yêu nước, đã tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân nên bị Pháp bắt đi đày năm 1916.

Nhiều vua chúa, đại quý tộc sinh năm Mùi như An Sinh Vương Trần Liễu (phụ thân của đức Hưng Đạo

Đại Vương Trần Quốc Tuấn), Trần Vượng (Hiến Tông - vua thứ 6 triều Trần), Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền - chúa thứ 4 của Đàng Trong), hay Trịnh Sâm (chúa thứ 8), Trịnh Tông (chúa thứ 9) thời vua Lê, chúa Trịnh.

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc có những danh tướng tài ba, những nhà quân sự lỗi lạc sinh năm Mùi như Thái úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mùi (1019). Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), người đã khảng khái trả lời tướng giặc Nguyên Mông khi chúng muốn mua chuộc ông: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” và đã anh dũng hy sinh vì nước.

Lịch sử dân tộc còn ghi nhận rất nhiều tấm gương, những danh thần, danh sỹ, những vị quan thanh liêm, chính trực vì nước vì dân sinh năm Mùi như Nguyễn Phi Khanh  (Ứng Long - thân sinh Nguyễn Trãi), Bùi Xương Trạch, Đàm Thận Huy, Nguyễn Khuyến, Đinh Văn Chất, Nguyễn Tư Giản… Nguyễn Văn Siêu sinh năm Kỷ Mùi - 1799, nổi tiếng về văn chương thi phú, đỗ Tiến sỹ làm quan to trong triều Tự Đức được đương thời suy tôn là “Thần Siêu, Thánh Quát”(1). Nguyễn Văn Siêu có công lao to lớn trong tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc đền Ngọc Sơn bên Hồ Gươm Hà Nội và dựng thêm Tháp Bút, Đài Nghiên ở đây vào năm 1865 để rồi công trình này đã trở thành niềm tự hào của chúng ta bao đời nay, luôn nhắc nhở chúng ta về những truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa sờn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này”

(Ca dao)

(1): Thần Siêu: Nguyễn Văn Siêu; Thánh Quát: Cao Bá Quát, nhà thơ nổi tiếng, người cùng thời với Nguyễn Văn Siêu.

Theo sách cổ thì người tuổi Mùi là người thông tuệ, nội tâm tinh tế, giàu tình cảm, vị tha, hòa hiếu, đôn hậu, phong độ, tài năng, giỏi văn chương nghệ thuật. Và trên thực tế thì chúng ta thấy có nhiều cao tăng đức độ, nhiều nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, họa sỹ nổi tiếng cầm tinh con dê (sinh năm Mùi). Xin được nêu một vài người (trong rất nhiều người) như sau: Khiếu Năng Tĩnh, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng Tăng Bí, Nam Trân - Nguyễn Học Sĩ, Thiếu Sơn - Nguyễn Sĩ Quý… Đặc biệt có 4 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ XX đều sinh năm Kỷ Mùi (1919) là Thôi Hữu - Nguyễn Đức Giới, Bùi Hiển, Huy Cận, Nguyễn Bính.

Năm 2015 - Ất Mùi là năm nước ta có nhiều sự kiện lớn: Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đưa tới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là năm có Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân ta - người đã sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đảng ta thành đảng cách mạng chân chính, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, của các đồng chí là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đồng chí tiền bối lão thành cách mạng. Trong số các bậc cách mạng tiền bối đó  có những đồng chí sinh năm Mùi: Đồng chí Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) sinh năm Đinh Mùi - 1907 (đã được bầu làm Tổng Bí thư trong các thời gian: tháng 5/1941 - tháng 10/1956, tháng 7/1986 - tháng 12/1986). Đồng chí Lê Duẩn sinh năm Đinh Mùi - 1907 (được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng từ Đại hội Đảng lần thứ III tháng 9/1960 - 1976 và Tổng Bí thư 12/1976 - 7/1986). Đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng năm sinh với các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, là một trong 7 đồng chí thành lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta; khi Đảng ra đời, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ kiêm Bí thư thứ nhất Đảng bộ Hà Nội (tháng 3/1930). Đồng chí Phó Đức Chính, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh năm Đinh Mùi - 1907, đã hy sinh sau khi khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2/1930) thất bại. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ những chiến sỹ kiên cường sẵn sàng chiến đấu vì độc lập của dân tộc, vì sự sống còn của Tổ quốc Việt Nam.

Chào năm 2015 - Ất Mùi, chào mùa xuân thứ 24 Trường phổ thông Đông Đô tràn đầy sức trẻ vươn lên những tầm cao mới.

Trường phổ thông Đông Đô ra đời trong công cuộc đổi mới chung của cả nước và cũng là đổi mới, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Từ năm học đầu tiên (1991-1992) đến nay, trường đã bước vào năm thứ 24. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ thách thức, Trường thực sự đã phát triển, trưởng thành, thực sự là một mô hình giáo dục mới, chất lượng cao trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Trường phổ thông Đông Đô 24 năm qua đã xây dựng thành công nền móng một mô hình nhà trường mới phù hợp với quy luật phát triển giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thành tích của nhà trường, những bài học kinh nghiệm quý giá của sự nghiệp hơn 24 năm xây dựng và phát triển của nhà trường đã được các cấp chính quyền và ngành giáo dục ghi nhận. Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Trường THPT Đông Đô (2014), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng 02 Bằng khen cho Trường THPT Đông Đô và Bằng khen cho Trường tiểu học Đông Đô, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Trường THPT Đông Đô Cờ thi đua xuất sắc (2013), 2 Bằng khen cho Trường THPT Đông Đô, 1 Bằng khen cho Trường tiểu học Đông Đô do đạt những thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và xã hội hóa giáo dục. Quận ủy và UBND quận Tây Hồ đã tặng nhiều Giấy khen cho Trường tiểu học Đông Đô và Trường trung học Đông Đô. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tặng Bằng khen cho Công đoàn Trường phổ thông Đông Đô. UBND TP Hà Nội đã tặng Trường danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc liên tục trong nhiều năm qua. Đó là sự đánh giá cao của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ đối với những đóng góp của nhà trường vào sự nghiệp phát triển giáo dục Thủ đô.

Những thành tích của trường đã được tập thể các nhà giáo và học sinh toàn trường phát huy trong phong trào thi đua Hai tốt và nhiều cuộc vận động khác trong ngành giáo dục nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo  Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI .

Học kỳ I năm học 2014 - 2015 đó kết thỳc thắng lợi. Trường phổ thông Đông Đô phấn khởi đón thêm nhiều thành tích mới:

- Các em học sinh lớp 12 đạt kết quả tốt trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm học 2014-2015.

- 5 em được nhận Giải thưởng Đông Đô.

- 22 Học sinh Giỏi (8.4%), 160 Học sinh Tiên tiến (60.8%); Tổng số Học sinh Giỏi và Học sinh Tiên tiến là: 182, đạt tỷ lệ 69.2%. Nhiều em học sinh tiểu học được khen toàn diện và khen từng mặt.

    - Nhà trường đó tổ chức thành cụng Hội khỏe Phự Đổng lần thứ XXIV, Hội thảo Ứng xử sư phạm và phương pháp giáo dục học sinh, Hội thảo Phương pháp giáo dục con ngoan.

Kết quả đó, thành tích đó là món quà ý nghĩa, là đài hoa đẹp để đón chào Xuân mới Ất Mùi 2015.

Chào mừng năm mới Ất Mùi 2015, Trường phổ thông Đông Đô quyết tâm thực hiện có hiệu quả với chất lượng cao

các nhiệm vụ sau:

    · Tiếp tục giữ vững và tạo dấu ấn mới về chất lượng đào tạo, tất cả vì chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là phương châm hành động, là lẽ sống còn của nhà trường. Thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực tư duy, tự học; rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng 10 thói quen tốt của cán bộ giáo viên, của học sinh; thực hiện 10 nguyên tắc vàng là phương châm chỉ đạo sự phát triển lâu dài trong mục tiêu và các hoạt động của trường…
    · Tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, sử dụng có hiệu quả các phòng học bộ môn, khu giáo dục nghệ thuật, giáo dục truyền thống di sản văn hóa dân tộc, giáo dục thể chất…
    · Xây dựng Hội đồng sư phạm 3 thế hệ tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao; xây dựng, rèn luyện phong cách Nhà giáo Đông Đô mẫu mực; mỗi thầy, cô giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Đó là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo sự phát triển liên tục và bền vững của nhà trường.

Năm Giáp Ngọ 2014 đã qua. Hào khí Điện Biên (5/1954), khúc ca khải hoàn tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô (10/1954) khích lệ toàn quân, toàn dân ta vượt qua những khó khăn thách thức mới. Biển Đông có lúc dậy sóng cồn cào đã có phần êm ả hơn và luôn luôn là một phần máu thịt thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.

Chào năm mới, chào Xuân Ất Mùi 2015, chào mừng những ngày lễ, những ngày hội lớn của dân tộc hoa Xuân sẽ rực rỡ hơn; niềm tin tưởng vào ngày mai của đất nước sẽ mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn; thành công của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo sẽ nhiều hơn, to lớn hơn; đất nước ta sẽ phồn vinh, giàu mạnh hơn và có thế đứng vững chắc hơn nhiều lần trong hội nhập tự chủ, độc lập, hòa bình.

Trong niềm vui xuân mới, Trường Đông Đô quyết tâm vươn lên tầm cao mới của Nhà trường Tiên tiến - Hiện đại - Chất lượng cao - Phát triển bền vững. Lá cờ truyền thống của Trường Đông Đô sẽ phất cao tung bay cùng rừng cờ hoa Hai tốt của ngành giáo dục Thủ đô và của cả nước đón mừng năm mới với những thành công mới.

Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi 2015, kính chúc thầy Hiệu trưởng, cô Hiệu trưởng, các thầy, cô giáo trong Ban chấp hành công đoàn, trong Hội đồng sư phạm, các cán bộ, nhân viên của nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn thể các em học sinh sức khỏe dồi dào, nhiều niềm vui, hạnh phúc, thành đạt.

Năm mới -  Tiến bộ mới - Thắng lợi mới!

NGƯT Phan Kế Trần