CÂU CHUYỆN CỦA NHÀ VẬT LÝ FA-RA-DAY VÀ HIỆN TƯỢNG CẢM ỨNG ĐIỆN TỪ

Cảm ứng điện từ là nội dung quan trọng trong chương trình vật lý lớp 11 và quá trình tìm ra hiện tượng trên cũng là một bài học quý giá về sự đam mê, tính kiên trì của nhà bác học tài hoa trên con đường chinh phục tri thức nhân loại.

Hình ảnh nhà bác học Fa-ra-đay được in trên đồng tiền nước Anh

Dòng điện sinh ra từ trường nhưng làm thế nào để từ trường sinh ra dòng điện? Câu hỏi đã thách thức các nhà khoa học trong những năm đầu thế kỉ XIX trong đó có nhà vật lý người Anh Fa-ra-day (22/9/1791 – 25/8/1867). Cũng như các nhà vật lý khác, ông sử dụng nam châm vĩnh cửu là bộ phận sinh ra từ trường, ống dây là nơi “thu” dòng điện tạo ra. Để nhận biết có dòng điện được sinh ra ông nối dây điện với một điện kế (kim điện kế sẽ quay khi có dòng điện chạy qua). Trong một lần tập trung nghiên cứu, trời tối rồi mà ông vẫn trầm ngâm trong phòng thí nghiệm. Người phụ tá không biết ông ở trong phòng nên ngắt điện, thật kì lạ, kim điện kế bắt đầu chuyển động. Khi đèn bật trở lại thì Faraday lại thấy kim điện kế chuyển động một lần nữa. Từ đó, có một ý nghĩ vụt sáng trong đầu ông: “Từ trường không sinh ra dòng điện nhưng từ trường biến thiên sinh ra dòng điện”. Bằng sự nhạy cảm, niềm đam mê và tài năng vật lý thiên bẩm, năm 1831, Fa-ra-day đã công bố hiện tượng cảm ứng điện từ, kết thúc 11 năm tìm hiểu cách tạo ra dòng điện từ từ trường.

Câu chuyện về nhà vật lý Fa-ra-day đã mô tả cặn kẽ, chi tiết hiện tượng cảm ứng điện từ, đặc biệt nhấn mạnh cho học sinh: “Từ trường không sinh ra dòng điện nhưng từ trường biến thiên lại sinh ra dòng điện”. Không chỉ khắc sâu kiến thức, học sinh còn hiểu và trân trọng sự nỗ lực của những nhà vật lý đi trước. Một học sinh lớp 11D1 cho rằng, phát hiện của nhà vật lý Fa-ra-day là một sự may mắn, thay cho việc phân tích lại câu chuyện, tôi đã gửi đến học sinh thông điệp: “May mắn chỉ đến với những người chăm chỉ và sẵn sàng chờ cơ hội. Nếu các em không tích lũy kiến thức, kĩ năng trong quá trình học tập trên ghế nhà trường, bước ra cuộc sống dù có nhiều cơ hội nhưng các em sẽ không bao giờ nắm bắt được”.

Phạm Thùy Dương- GV Tổ Vật lí