Biện pháp tổ chức một giờ thực hành sinh học lớp 7 hiệu quả

Sinh học nói chung và Động vật học nói riêng là bộ môn khoa học thực nghiệm, nghĩa là từ những điều mắt thấy tai nghe, học sinh sẽ rút ra những kết luận khoa học, từ đó phát triển thành khái niệm đặc thù của bộ môn. Muốn cho học sinh “ tâm phục, khẩu phục” những vấn đề các em được biết trong lý thuyết thì giáo viên phải tạo điều kiện cho các em thực hành. Vậy khi dạy bài thực hành người giáo viên cần phải làm rõ các vấn đề nào?   

- Trước hết, thực hành phải góp phần hình thành và phát triển các khái niệm. Trong khi học sinh tiến hành thực hành, các em có thể phát hiện các đặc điểm về hình thái, giải phẫu, cũng như các chức năng. Sự phát hiện đó có ý nghĩa củng cố những dấu hiệu của khái niệm đã được nghiên cứu trong phần lý thuyết, có khi là những dấu hiệu mới chưa đề cập đến.

- Thực hành là cơ hội để rèn luyện các kỹ năng của bộ môn, góp phần hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học. Qua thực hành, học sinh được rèn luyện để sử dụng thành thạo các phương tiện thí nghiệm như kính lúp, kính hiển vi, bộ đồ mổ…, biết mổ và quan sát cấu tạo của các động vật điển hình; tập tổ chức các thí nghiệm nghiên cứu hoạt động sống của động vật, biết vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống…, góp phần giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp cho các em.

- Thực hành còn có ý nghĩa phát huy vai trò chủ động trong học tập, rèn luyện trí thông minh, bồi dưỡng năng lực tư duy cho học sinh. Trong khi thực hành, học sinh được tự mình nghiên cứu khảo sát động vật, tự lực tổ chức và quan sát kết quả thí nghiệm, vì vậy có ý nghĩa tăng cường tính tự lực cho học sinh. Mặt khác, học sinh phải rèn luyện các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp… nên có tác dụng bồi dưỡng trí thông minh.

- Thực hành còn có ý nghĩa gây hứng thú học tập bộ môn, tạo sự ham muốn nghiên cứu khoa học.

- Ngoài ra nhiều sản phẩm thực hành sẽ được bổ sung cho phòng thí nghiệm góp phần làm phong phú thêm đồ dùng dạy học.

(*) Để dạy một bài thực hành hiệu quả, giáo viên cần thực hiện các bước sau:

 - Giáo viên cần xác định rõ tiết thực hành mình dạy thuộc loại bài thực hành nào, từ đó phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của từng loại bài thực hành này.

 Thông thường căn cứ vào nội dung, tính chất của các hoạt động thực hành, giáo viên có thể phân chia thành hai dạng bài thực hành như sau:

+ Bài thực hành quan sát:

 Là loại bài thực hành giúp học sinh phát hiện kiến thức mới. Nó được tiến hành đối với các nội dung mà học sinh chưa thấy, chưa biết. Loại bài thực hành này thường được thực hiện trong các giờ lên lớp các bài lý thuyết kiểu thực hành.

  Đối với loại bài thực hành này, giáo viên cần hướng dẫn từng bước các thao tác thực hành, hướng dẫn đến đâu học sinh làm theo đến đó và được thực hiện theo từng nội dung riêng biệt, sau mỗi nội dung, hướng dẫn cho học sinh rút ra kết luận khoa học.

 Ví dụ: Tìm hiểu cấu tạo ngoài và di chuyển của tôm sông.

+  Bài thực hành củng cố, minh họa:

 Là loại bài thực hành được thực hiện khi học sinh đã có vốn kiến thức lí thuyết. Trong chương trình, các bài thực hành đều bố trí ở cuối chương. Như vậy, các tiết thực hành này đều nhằm giúp học sinh củng cố và kiểm chứng những kiến thức đã học.

 Dạng bài thực hành này không kích thích được tính ham muốn tìm tòi cho học sinh, tính chủ động, sáng tạo trong tiếp thu tri thức của học sinh bị hạn chế. Do đó, giáo viên cần thiết kế bài thực hành thật sinh động, khuyến khích học sinh ham muốn thực hành.

 Ví dụ: thực hành quan sát một số thân mềm

- Để tiết thực hành thành công, thì khâu chuẩn bị đóng vai trò cực kì quan trọng, giáo viên cần cụ thể hóa nhiệm vụ của thầy và trò để chuẩn bị cho tốt, từ chuẩn bị mẫu vật đến chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm thực hành….

 - Và cuối cùng là các bước tiến hành giờ thực hành phải theo một quy trình hợp lý, nghiêm túc, gồm các khâu:

+ Ổn định tổ chức lớp

+ Giáo viên giới thiệu mục tiêu, hướng dẫn thao tác thực hành

+ Học sinh tiến hành thực hành

+ Tổng kết, đánh giá tiết thực hành.

(*) Để thực hiện có hiệu quả tiết thực hành, cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Lớp học không quá đông

- Dụng cụ thực hành đầy đủ.

- Cần chú ý đặc điểm hoạt động theo mùa của động vật để có kế hoạch chủ động chuẩn bị mẫu vật.

- Để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng cho mọi học sinh, cần cố gắng thực hành theo nhóm nhỏ, cố định trong cả năm học để có thể quay vòng nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm qua các tiết thực hành khác nhau.

- Trong quá trình học sinh tiến hành thực hành, giáo viên nên yêu cầu các em cất gọn sách vở, đồ dùng học tập, tránh để bừa bãi lên bàn.

- Cần chú ý phân phối thời gian cho các hoạt động thực hành hợp lí để đảm bảo học sinh làm hết nội dung thực hành. Muốn vậy, người giáo viên cần làm thử, định được thời gian của từng hoạt động, trên cơ sở đó khi thực hành trên lớp, giáo viên theo dõi thời gian để nhắc nhở học sinh thực hiện.

- Yêu cầu học sinh trong báo cáo tường trình kết qủa, nhất thiết phải vẽ hình và chú thích đầy đủ. Để giúp học sinh làm quen với hoạt động này, giáo viên nên vẽ mẫu trên bảng cho học sinh quan sát ở những bài đầu, đồng thời hướng dẫn những yêu cầu của hình vẽ như :

+ Hình vẽ phải trung thực, đúng với những quan sát trên mẫu vật thật.

+ Vẽ bằng bút chì đen, vót nhọn, cố gắng đảm bảo nét chì thanh gọn, không dùng bút màu.

+ Hình vẽ đúng với tỉ lệ các bộ phận, các cơ quan của mẫu vật.

+ Chú thích hình vẽ cũng bằng bút chì. Các đường ghi chú thích vào các bộ phận phải dùng thước kẻ song song nhau, không chồng chéo lên nhau, mũi tên chỉ vào các cơ quan. Nếu nhiều bộ phận cần chú thích, có thể đánh số 1, 2, 3...và ghi chú thích vào dưới hình vẽ sao cho  ngay ngắn, đảm bảo hình vẽ sáng sủa, đẹp.

GV Vũ Thị Thủy - Môn Sinh học