Đổi mới phương pháp dạy học môn Địa Lý ở Trường THPT theo phương pháp dạy học tích cực

Đổi mới phương pháp dạy học môn Địa Lý ở Trường THPT theo phương pháp dạy học tích cực

1. Sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học môn Địa lý ở Trường THPT.

1.1. Do yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới và xu hướng hội nhập quốc tế.

1.2. Thực trạng dạy học Địa lý ở Trường THPT.

- Một số giáo viên Địa lý vẫn chưa thực sự thấm nhuần tích cấp thiết, tầm quan trọng, bản chất phương hướng và cách thức đổi mới phương pháp dạy học Địa lý, hiểu biết về cơ sở lý luận, thực tiễn của đổi mới phương pháp dạy học còn chưa sâu sắc.

- Đa số giáo viên vẫn chú trọng truyền thụ kiến thức theo kiểu thuyết trình xen kẽ với hỏi đáp, nặng về thông báo, giảng giải kiến thức, nhẹ về phát huy tính tích cực và phát triển tư duy học sinh, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động.

- Hình thức tổ chức dạy học con đơn điệu, dạy theo lớp là chủ yếu. Các hình tức dạy học cá nhân, ngoài trời chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả.

- Cơ sở vật chất phục vụ dạy học, các phương tiện dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ.

- Việc tạo động cơ học tập đúng đắn cho học sinh và các hình thức khen thưởng, động viên người học chưa được giáo viên quan tâm một cách thích đáng.

- Nhìn chung giờ học Địa lý chưa mang lại nhiều hứng thú cho học sinh. Có thể nói cách dạy và học Địa lý như trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với chất lượng dạy học, đồng thời hạn chế việc phát triển trí tuệ của học sinh khi học môn Địa lý. Vì vậy tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, có hiệu quả các phương pháp dạy học Địa lý là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải được tiếp tục quan tâm và tìm cách giải quyết.

2. Những tiền đề cơ bản của việc đổi mới phương pháp dạy học Địa lý ở trường THPT.

1.1. Cơ sở pháp lý của đổi mới phương pháp dạy học đã được khẳng định ở những văn bản của Đảng và nhà nước về chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 ghi rõ Đổi mới và hiện đại hoá phương pháp giáo dục. Chuyển từ việc truyền thụ tri thức thụ động, thầy giảng, trò ghi song hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức, dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhập thông tin một cách có hệ thống và có tư duy phân tích tổng hợp, phát triển năng lực của mỗi cá nhân, tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập…

1.2. Chương trình và sách giáo khoa có sự đổi mới cơ bản.

1.3. Nhận thức của giáo viên đã có sự thay đổi. Hầu hết giáo viên Địa lý đều hiểu được cùng với đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình và sách giáo khoa, việc đổi mới phương pháp dạy học là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất đến việc nâng cao chất lượng dạy học Địa lý. Một khi chương trình và sách giáo khoa đã đổi mới thì việc đổi mới phương pháp dạy học là một tất yếu.

1.4. Đặc điểm tâm – sinh lý học sinh thay đổi. Học sinh tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú từ nhiều mặt của cuộc sống, có hiểu biết nhiều hơn, linh hoạt và thực tế hơn so với các thế hệ cùng lứa tuổi trước đây mấy chục năm, đặc biệt là học sinh phổ thông.

1.5. Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho việc dạy và học Địa lý đã được tăng cường.

3. Quan niệm về đổi mới phương pháp dạy học theo phương pháp dạy học tích cực.

3.1. Đổi mới phương pháp dạy học là vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học  tích cực.

Phương pháp dạy học tích cực là gì?

- Phương pháp dạy học tích cực là những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

- Phương pháp tích cực là một quá trình học tập đa hướng thông qua các quan hệ thầy - trò, trò - thầy, trò - trò. Phương pháp tích cực liên quan với kinh nghiệm học tập dựa trên các hoạt động dưới nhiều hình thức như nhóm nhỏ, theo cặp hoặc cá nhân. Các dạng hoạt động có thể là nói, viết, đọc, thảo luận, tranh luận, thực hiện hành động, đóng vai, hội thảo, phỏng vấn, sáng tạo.

3.2. Phương pháp tích cực nghĩa là tổ chức dạy học theo kiểu mới: Tạo cho học sinh một vị thế mới và những tiền đề, những điều kiện thuận lợi để hoạt động. Sự tác động qua lại giữa thầy và trò trong môi trường học tập của phương pháp tích cực, cụ thể là:

- Đối với thầy: Xác định và khẳng định vai trò, chức năng mới của người thầy trong quá trình dạy học là:

+ Thầy là người tổ chức chỉ đạo, điều khiển các hoạt động học tập của học sinh.

+ Thầy không còn là nguồn cung cấp thông tin duy nhất, không phải là người hoạt động chủ yếu ở trên lớp như trước đây mà sẽ là người tổ chức và điều khiển quá trình học tập của học sinh.

- Đối với học sinh:

+ Phải trở thành chủ thể hoạt động tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo.

+ Tạo ra và duy trì ở học sinh những động lực mạnh mẽ đó là động cơ, hứng thú, lạc quan trong quá trình học tập.

+ Phát hiện ở học sinh khả năng tự đánh giá kết quả học tập trên cơ sở đó có thể điều chỉnh các hoạt động của mình.

3.3. Vì sao cần áp dụng phương pháp tích cực:

Phát huy tính tích cực của người học được biết đến từ lâu trong phương pháp dạy học truyền thống và khả năng lưu giữ thông tin của con người thông qua các hoạt động được thể hiện như sau:

-Đọc chiếm 5%.

-Nghe chiếm 15%.

-Nhìn chiếm 20%.

-Nghe + Nhìn chiếm 25%.

-Thảo luận chiếm 55%

-Dạy lại cho người khác chiếm 90%.

3.4. Những dấu hiệu đặc trưng của phương pháp tích cực (PPTC).

- Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập của học sinh.

Nghe thì quên

Nhìn thì nhớ

Làm mới hiểu.

- Giảng dạy theo PPTC giáo viên không chỉ đơn giản truyền đạt kiến thức mà còn phải hướng dẫn học sinh hoạt động và tham gia tích cực vào các hoạt động.

- Dạy và học chú trọng tới rèn luyện phương pháp tự học.

- Tăng cường học tập cá thể với học tập hợp tác.

- Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò.

4. Đổi mới phương pháp dạy học thể hiện trong một tiết học Địa lý theo PPTC.

4.1. Tiết dạy học Địa lý theo tinh thần đổi mới PPTC khác với tiết học bình thường và những điểm sau:

- Đối với học sinh:

+ Học sinh cần biết rõ mục đích, yêu cầu của giờ học về kiến thức, kỹ năng Địa lý và những thao tác tư duy cần vận dụng.

+ Học sinh dành thời gian thích đáng để tự làm việc với sách giáo khoa (kênh chữ, kênh hình) tập bản đồ và các nguồn cung cấp kiến thức khác dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

+ Học sinh biết cách làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, hợp tác với bạn để hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao cho.

- Đối với Thầy giáo:

+ Hình dung được kế hoạch bài dạy của mình một cách tường tận, chi tiết.

+ Hạn chế việc giảng giải, thuyết trình, minh hoạ, hạn chế đưa câu hỏi vụn vặt mà nên tập hợp các câu hỏi thành những gợi ý, hướng dẫn giải quyết một vấn đề, một nội dung tương đối trọn vẹn.

+ Dành thời gian cho học sinh làm việc.

+ Sau mỗi hoạt động đó, giáo viên cần giúp học sinh khẳng định lại từng kiến thức cơ bản của bài.

+ Luôn chú ý động viên, khen thưởng học sinh.

4.2. Định hướng và giải pháp đổi mới PPDH Địa lý ở Trường THPT theo PPTC.

- Định hướng đổi mới PPDH Địa lý theo PPTC, chú ý tới:

+ Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh.

+ Bồi dưỡng phương pháp tự học.

+ Rèn luyện kỹ năng vận dụng vào thực tiễn.

+ Tác động đến tình cảm, hứng thú, niềm vui hứng thú học tập bộ môn.

- Giải pháp đổi mới PPDH Địa lý theo PPTC, giáo viên cần quan tâm thực hiện tốt các việc:

+ Đầu tư nhiều hơn vào công tác thiết kế bài dạy và tổ chức dạy học trên lớp theo tinh thần tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh.

+ Vận dụng linh hoạt các PPDH theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, đồng thời áp dụng các PPDH mới như: Thảo luận, khảo sát, điều tra…

+ Đa dạng hoá và phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học: Cá nhân, nhóm, lớp, tham quan, hoạt động ngoại khoá.

4.3. Đổi mới thiết kế bài dạy học Địa lý theo PPTC.

Các bước thiết kế bài dạy học Địa lý:

- Xác định mục tiêu bài dạy.

- Lựa chọn kiến thức cơ bản của bài, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của bài, cấu trúc các kiến thức cơ bản theo ý định dạy học.

- Tạo nhu cầu, hứng thú nhận thức (gây hứng thú trong dạy học Địa lý).

- Xác định các hình thức tổ chức dạy học (Cá nhân, nhóm, học theo lớp).

- Xác định các PPDH.

- Xác định hình thức củng cố, đánh giá học sinh.

- Thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh.

Trên đây là một số suy nghĩ và các giải pháp mà Bộ môn Địa lý đã và đang tiếp tục thực hiện đổi mới PPDH Địa lý theo hướng tích cực nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học ngày càng hiệu quả hơn.

Thạc sỹ. Lê Hoàng Sơn (Chủ nhiệm Bộ môn Địa lý)