Xây dựng tiết học hạnh phúc thông qua việc dạy học bộ môn toán

Làm thế nào để học sinh được hạnh phúc là trăn trở của nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý, các nhà giáo. Trên thực tế, với học sinh, hạnh phúc mỗi ngày đến trường đôi khi thật giản dị.

Mỗi cá nhân có một quan điểm riêng về hạnh phúc của mình và với các em học sinh cũng vậy. Qua việc dạy học, ngoài việc truyền thụ tri thức tôi cũng luôn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học trò để trong mỗi tiết học của tôi các em có thể tiếp thu được kiến thức mà còn cảm thấy hạnh phúc trong mỗi giờ học toán.

Tôi hiểu một cách đơn giản, tiết học hạnh phúc là tiết học khiến cả cô và trò đều có cảm giác hứng thú, có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm. Khác với tiết học truyền thống, tiết học hạnh phúc không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò định hướng để học sinh được làm những gì mình yêu thích và say mê. Ở đó, học sinh không học theo kiểu nhồi nhét mà được học những gì có ý nghĩa với các em, được khơi gợi niềm yêu thích để tiếp tục tự tìm hiểu. Các môn học được biến hóa thành bài học thú vị qua những trò chơi, trải nghiệm.

Tôn trọng cảm xúc là một trong những yếu tố tạo nên tiết học hạnh phúc. Bởi dù ở lứa tuổi nào, học sinh cũng có những hỉ nộ ái ố như người lớn. Học sinh sẽ yêu thích việc đến trường nếu như ở đó các em được lên tiếng và được lắng nghe một cách đầy tôn trọng. Thay vì la mắng, dọa dẫm, tôi cho học sinh được sai lầm, được nói ra cảm xúc, quan điểm của mình trong mỗi nội dung bài học và những liên hệ cuộc sống. Điều đó sẽ giúp các em tiếp thu tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Từ đó, rèn luyện ý thức và khả năng tập trung từ chính nhận thức của bản thân mỗi học sinh.

Tiết học hạnh phúc sẽ giúp giáo viên và học sinh hình thành cũng như duy trì các trạng thái cảm xúc tích cực. Mỗi tiết học hạnh phúc sẽ tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng cảm thấy hạnh phúc. Được tham gia vào các tiết học hạnh phúc, mỗi cá nhân sẽ thiết lập được tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp.

Trong mỗi tiết học, tôi luôn tìm ra "kế sách" linh hoạt để làm mềm hóa không khí, quan hệ thầy trò, để học trò đứng về phía mình, cùng với mình tích cực giải quyết các nội dung bài học mà không áp lực. Nếu chúng ta chia sẻ cảm xúc, lo lắng của mình với học sinh và nói: "Cô muốn tìm một cách nào đó phù hợp, em có cách nào để giúp cô hiểu và làm gì đó tốt hơn cho em không?" thì có thể chúng ta sẽ nhận được tín hiệu "chia sẻ, mở lòng hoặc giúp đỡ" của học sinh. Tôi đã có lần nói câu đó với một học sinh. Em khóc và nói với tôi về hoàn cảnh của em. Những thông tin em nói làm tôi bất ngờ. Tôi không nghĩ trong hoàn cảnh khó khăn đó mà em vẫn cố gắng trụ được và học tập. Cách giáo viên và học sinh hiểu nhau, tương tác với nhau cũng không quá khó nếu mình tin vào cách làm đúng là lắng nghe để thấu hiểu.

Để vượt qua được những tình huống khó,  giáo viên cần có kĩ năng nghiệp vụ vững vàng, không chỉ nắm kiến thức, có phương pháp dạy môn học của mình mà giáo viên cũng phải biết phân tích tâm lý, có những hiểu biết để có thể chia sẻ, hỗ trợ học sinh.

Đối với việc dạy học toán tôi luôn gắn liền toán học với thực tiễn gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của các em để các em cảm thấy hứng thú.Ví dụ khi dạy về phép tịnh tiến tôi có nói với các em rằng hàng ngày các em vẫn thường xuyên tịnh tiến theo nhiều các véc tơ khác nhau.Các cụ có câu”dù ai nói ngả nói nghiêng,lòng ta vẫn vững như  kiềng ba chân”tại sao lại vững như kiềng ba chân mà ko phải kiềng 4 hay 5 chân…bởi qua 3 diểm phân biệt không thẳng hàng luôn tồn tại duy nhất 1 mặt phẳng,chính vì vậy những giá đỡ quay phim hoặc đo đạc người ta thiết kế 3 chân để có thể đặt vững ở những địa hình hiểm trở.

Các bài toán thực tiễn tôi đưa vào thường nhẹ nhàng không làm ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy bài học đó.

Mỗi thầy cô sẽ có cách riêng cho mình và học sinh của mình để tạo nên những tiết học hạnh phúc.Trên đây tôi đã  tôi đã chia sẻ quan điểm và suy nghĩ của cá nhân mình về việc“Xây dựng tiết học hạnh phúc thông qua việc dạy học bộ môn toán”. Hy vọng các thầy cô cùng trao đổi để có thật nhiều những tiết học hạnh phúc ,lớp học hạnh phúc và trường THPT Đông Đô hạnh phúc cho học sinh và giáo viên.

----------------

Biên tập      : Cô Lê Hồng Nhung - Trợ lý HT về HC, ĐN & TT

Bài viết        : Cô Nguyễn Thị Thiêm - Phó Bí thư CĐ CBGV, GV bộ môn Toán

Nguồn ảnh  : Cô Nguyễn Thị Thiêm - Phó Bí thư CĐ CBGV, GV bộ môn Toán