Tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường

Bài học về phòng chống bạo lực học đường tại Trường THPT Đông Đô

 

Trường học ra đời với mục tiêu giáo dục những thế hệ tương lai của đất nước, cũng là nơi để các bậc cha mẹ gửi gắm con cái với mong muốn Nhà trường sẽ đem đến sự phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Ở đó các em học sinh được học tập và vui chơi, được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô trong lớp và Nhà trường.

 

Thực hiện Kế hoạch số 107-KH/BTGTU ngày 13/6/2018 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hướng dẫn số 14/HD-LĐLĐ ngày 21/6/2018 của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Công văn của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội hướng dẫn Công đoàn các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội triển khai với những nội dung trọng tâm về việc tuyên truyền, thực hiện đấu tranhphòng, chống hành vi bạo lực trên địa bàn thành phố Hà Nội, trường THPT Đông Đô đã đưa vào các bài học kỹ năng sống cho các em học sinh những khái niệm và thông tin hữu ích về nạn bạo lực học đường.

Trong nhiều năm qua Nhà trường đã nỗ lực giáo dục một cách tốt nhất nhân cách của học sinh, quyết nói không với bạo lực học đường, xây dựng cho thế hệ trẻ có thái độ cách ứng xử với bạn bè, gia đình thầy cô và những người xung quanh một cách chuẩn mực nhất, hình thành cái nôi để phát triển nhân cách toàn diện.

Nạn bạo lực học đường đang trở thành mối lo của phụ huynh, ngành giáo dục và toàn xã hội.Bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ có học sinh nam, mà cả học sinh nữ. Nó không những gây ra những tác động xấu đến mối quan hệ giữa trò với trò, thầy với trò mà còn gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh, sự giảng dạy của thầy cô giáo và các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Nhiệm vụ của Nhà trường là tạo một môi trường học đường lành mạnh,tích cực rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh, sống chan hòa với bạn bè, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.Các giáo viên luôn quan tâm tới sự phát triển tâm sinh lý của học sinh trong quá trình học tập và hoạt động tại trường, lắng nghe những suy nghĩ cảm xúc của các em và quan sát các mối quan hệ của học sinh để kịp thời nhận diện và tháo gỡ những vấn đề nảy sinh.

Đối với bản thân học sinh, các em cần học tập xây dựng thói quen tốt, nói không với bạo lực, luôn hành động khéo léo, chan hòa.Chấp hành tốt nội quy trường lớp, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè.Tự bản thân mỗi em phải biết yêu quý và trân trọng giá trị của bản thân mình và người khác.

Đối với các bậc cha mẹ, họ là tấm gương cho con noi theo, vì nhân cách của trẻ được hình thành từ nhỏ đến lớn chủ yếu là do gia đình giáo dục của môi trường gia đình.Sự uốn nắn từ nhỏ với cách giáo dục tốt từ bố mẹ, con cái sẽ trở thành những đứa trẻ biết tốt, chăm ngoan và biết yêu quý mọi người.

Nếu làm tốt được tất cả các giải pháp đó thì chắc chắn một điều rằng nạn bạo lực học đường sẽ không còn tồn tại, thay vào đó là một môi trường học tập thực sự, phát triển nhân cách và trí tuệ tốt, sản phẩm đầu ra của nhà trường sẽ là một con người hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.