THAY ĐỔI ĐỂ HẠNH PHÚC

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Đại bàng là loài chim dũng mãnh nhất. Với sức sống mãnh liệt của một “chúa tể bầu trời”, tuổi thọ của loài chim này có thể kéo dài đến 70 năm. Tuy nhiên, đến năm 40 tuổi, theo sự lão hóa tự nhiên, móng vuốt đại bàng kém linh hoạt và không đủ chắc để tóm gọn con mồi, chiếc mỏ bén như dao cũng trở nên yếu đi, bộ lông nặng nề dính chặt vào ngực khiến đại bàng khó bay lượn. Lúc này, đại bàng phải trải qua quyết định khó khăn: một là, tiếp tục để cho sự lão hóa hủy hoại, đại bàng sẽ chết vì thiếu thức ăn và kiệt sức; hai là, trải qua hành trình lột xác đầy đau đớn kéo dài suốt 150 ngày.

Những chú đại bàng dũng cảm lựa chọn hành trình thay đổi. Nó bay lên đỉnh núi cao, tự đập mỏ vào đá để loại bỏ chiếc mỏ cong yếu, vô dụng, nhường chỗ cho chiếc mỏ mới rắn rỏi, sắc bén. Với chiếc mỏ mới này, đại bàng sẽ bẽ gãy những móng vuốt và bộ lông cũ già cỗi. Sau 5 tháng, mọi thứ đã hoàn tất. Đại bàng lại có thể tiếp tục những chuyến bay lượn tuyệt vời của sự hồi sinh…

Mỗi một câu chuyện đều để lại cho chúng ta biết bao điều phải suy ngẫm về cuộc sống, về công việc. Từ lâu, tôi đã rất thích hình ảnh những chú chim đại bàng trong câu chuyện ấy. Tôi trở thành một giáo viên dạy Văn không phải từ niềm say mê văn chương, cũng không phải từ ước mơ trở thành cô giáo mà có lẽ, từ một chút năng lực ở môn Văn và từ sự định hướng, dẫn dắt của gia đình. Làm một công việc mà mình không thật yêu thích không hề dễ dàng, tôi luôn nỗ lực cố gắng và cũng đã sống với nghề được gần 20 năm. Và đến bây giờ, tôi cảm thấy rằng, mình có thể tìm hạnh phúc khi đứng trên bục giảng, say sưa với đám học trò nhiều lúc hiếu động nhưng cũng rất đáng yêu!

Song nhiều lúc, chúng tôi - những giáo viên dạy Văn vẫn than thở với nhau rằng: năm nào chúng mình cũng dạy đi dạy lại mấy bài văn thơ đó, cảm xúc cũng dần cùn, mòn đi theo năm tháng, rồi sự thay đổi trong tâm lí, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ của học trò khiến môn Văn càng trở nên khó dạy! Tôi đã nhiều lần nhìn thấy những nét mặt uể oải của học trò, sự gồng lên chắc là vì sợ cô giáo phạt và khi ra khỏi lớp thì hàng loạt cái đầu, cái lưng rạp xuống bàn. Tôi bước ra khỏi lớp mà thở dài! Và những lúc như vậy, tôi thấy mình như con chim đại bàng trong câu chuyện kia, dũng cảm nhìn ra sự già nua, cũ kĩ của mình và nhắc nhở bản thân phải thay đổi. Tôi muốn đem lại cảm giác hạnh phúc cho học trò!

     Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi câu khẩu hiệu: Bắt đầu tiết học là nụ cười và kết thúc là những niềm vui! Tôi dặn mình phải vui vẻ hơn, ánh mắt trìu mến yêu thương hơn mỗi khi bước vào lớp học. Mỗi lần tiếp nhận một lớp mới, tôi luôn dành một tiết làm quen, tổ chức trò chơi theo nhóm, vừa để các em học sinh tăng cường sự hợp tác, vừa để mình có cơ hội nắm bắt học sinh ngay từ buổi đầu tiên và kéo gần lại khoảng cách của cô trò.

Môn Ngữ văn với đặc thù là bồi đắp tâm hồn, giáo dục học sinh kĩ năng giao tiếp, ứng xử, dạy học sinh cách làm người. Tôi nghĩ mình như tấm gương mà học sinh soi vào, không thể dạy học sinh yêu cái đẹp khi cô giáo không đẹp, không chỉn chu từ ngoại hình đến lời nói, cách ứng xử. Tôi giáo dục học sinh cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống, con người một cách đa chiều, dạy học sinh biết cách lắng nghe, biết tôn trọng sự khác biệt. Khi có cơ hội, tôi luôn cho học sinh thảo luận nhóm rồi bốc thăm người lên thuyết trình hoặc giao cho các em những dự án nhỏ. Sau mỗi buổi như vậy, tôi luôn hướng dẫn các em tự rút kinh nghiệm về nội dung và cách thức trình bày trước đám đông, văn hóa tranh luận, động viên để các em tự tin và tự hoàn thiện mình. Những giờ học như vậy thực sự đem lại hạnh phúc cho cả thầy và trò.

Văn học và cuộc sống luôn là vòng tròn đồng tâm. Đưa tác phẩm về cuộc sống để học sinh được rút ngắn khoảng cách với nhà văn, với tác phẩm, thấy được tác dụng kì diệu cuả môn Ngữ văn trong việc giúp các em hiểu người, hiểu mình. Do đó, tôi luôn lồng vào trong bài dạy những câu chuyện thời sự, tôi nắm bắt tâm lí thị hiếu của học sinh như yêu thích những idol Hàn Quốc hay những bài hát mà nhiều khi chúng ta - những thầy cô cách xa các em về thế hệ phải lắc đầu ngán ngẩm,…Muốn HS thuộc những bài thơ dài, tôi cho các em chuyển thành đọc Rap; dạy “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ, tôi động viên các em rằng chẳng lẽ người Việt mà lại không hiểu về di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tôi cho học sinh tìm hiểu về nghệ thuật ca trù, chiếu cho các em xem những video hát ca trù và khuyến khích các em tập hát một đôi câu, mặc dù rất khó khăn nhưng các em rất thích thú. Tôi hướng dẫn các em hiểu rằng lối sống khác người của Nguyễn Công Trứ phải có cơ sở chắc chắn từ tài năng, bản lĩnh và nhân cách. Dạy bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương, tôi làm rõ nỗi xót xa cho thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ qua cụm từ “cái hồng nhan” bằng cách gợi cho hs nói về cuộc thi Miss World Viet Nam 2019 vừa qua, nhan sắc được cả đất nước tôn vinh. Từ đó mà hiểu người phụ nữ thời xưa bất hạnh ra sao và người phụ nữ trong xã hội hôm nay được trân trọng thế nào… Trả tác phẩm văn chương về đời sống chính là cách nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho học sinh, để các em càng có thêm niềm yêu thích đối với môn học.

    Xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, tiết học hạnh phúc, mỗi thầy cô giáo và học sinh đều hạnh phúc là quan điểm vô cùng tiến bộ và nhân văn. Song để thành công, tôi nghĩ rằng mỗi thầy cô chúng ta, hãy như chú chim đại bàng trong câu chuyện, dũng cảm đối mặt với bản thân mình, thay đổi để hồi sinh, quá trình thay đổi ấy sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, nhiều lúc ta sẽ thấy mệt nhoài song đổi lại, ta sẽ có được hạnh phúc trong sự nghiệp của mình. Có một câu nói nổi tiếng tôi rất thích: Ba chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì ngươi khác, chia sẻ cùng người khác. Hãy chăm lo học sinh hơn và đánh giá học sinh trên sự tiến bộ, hãy dám thay đổi vì mình và vì thế hệ tương lai, hãy chia sẻ với nhau kinh nghiệm để chúng ta cùng hạnh phúc.

----------------

Biên tập      : Cô Lê Hồng Nhung - Trợ lý HT về HC, ĐN & TT

Bài viết        : Cô Trịnh Thị Hà Giang - Tổ trưởng Tổ KHXH

Nguồn ảnh  : Cô Trịnh Thị Hà Giang - Tổ trưởng Tổ KHXH

                              Thầy Lê Lương Tuyển - Trợ lý HT về CSVC & AN

https://bke.edu.vn/news/them-mot-manh-ghep-cong-dong-chanh-kien-trong-doi-song/

https://taogiaoduc.vn/chien-luoc-day-hoc-de-tao-ra-nhung-hoc-sinh-hanh-phuc/