LAI TÂN - MỘT TRONG NHỮNG BÀI THƠ HAY NHẤT TẬP THƠ NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA BÁC HỒ

Cái hay nhất của Lai Tân không chỉ ở phương diện nội dung tư tưởng, Bác cho thấy phần tối – rất tối của chế độ nhà tù, chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch; phần sáng – rất sáng của tầm vóc nhà  cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh mà ở phương diện hình thức biểu hiện, Bác sử dụng bút pháp nghệ thuật đa dạng, nhuần nhuyễn – bút pháp nghệ thuật trào phúng độc đáo, thâm thúy, tinh tế; nghệ thuật ngôn từ hàm súc, có sức gợi lớn.

Nguyên tác               

                       Giam phòng Ban trưởng thiên thiên đổ

                       Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền

                      Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự

                     Lai Tân y cựu thái bình thiên.

Dịch nghĩa:

                        Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc

                        Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị giải

                        Huyện trưởng chong đèn làm công việc

                        Lai Tân vẫn thái bình như xưa.

Dịch thơ:

                        Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

                        Giải người Cảnh trưởng kiếm ăn quanh;

                        Chong đèn, Huyện trưởng làm công việc,

                         Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Bác Hồ là nhà cách mạng vĩ đại, cũng là danh nhân văn hóa nhân loại vừa có sự nghiệp cách mạng cao đẹp, vừa có sự nghiệp văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú đa dạng về thể loại, độc đáo hấp dẫn về phong cách.

Nhật ký trong tù là viên ngọc quý trong sự nghiệp thơ của Bác, ở đó ta không chỉ thấy đựợc tấm gương phản chiếu tâm hồn vĩ đại của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mà tập Nhật ký còn ghi lại một cách chân thực nhiều khi đến từng chi tiết bộ mặt đen tối, nhem nhuốc của chế độ nhà tù, chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch với bản chất xấu xa, đồi bại, tham nhũng, quan liêu của chúng.

Lai Tân là bài thơ thứ 96 của tập Nhật ký được coi là một trong những bài thơ hay nhất bởi giá trị nội tại, ở chiều sâu ý tưởng nghệ thuật và sức sống lâu bền của thi phẩm.

Cả tập thơ Nhật ký trong tù là viên ngọc quý thì mỗi thi phẩm  trong tập thơ đó đều góp phần tỏa sáng vẻ đẹp lung linh của nó. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đến với tập thơ Nhật ký trong tù của Bác rồi nêu cảm nhận rất đúng, rất hay của mình bằng bốn câu thơ:

                        “ Tôi đọc trăm bài, trăm ý đẹp

                        Ngọn đèn tỏa rạng mái đầu xanh

                        Vần thơ của Bác – vần thơ thép

                        Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

Cái hay nhất của Lai Tân không chỉ ở phương diện nội dung tư tưởng, Bác cho thấy phần tối – rất tối của chế độ nhà tù, chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch; phần sáng – rất sáng của tầm vóc nhà  cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh mà ở phương diện hình thức biểu hiện, Bác sử dụng bút pháp nghệ thuật đa dạng, nhuần nhuyễn – bút pháp nghệ thuật trào phúng độc đáo, thâm thúy, tinh tế; nghệ thuật ngôn từ hàm súc, có sức gợi lớn.

Ơ  hai câu đầu:

                        Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

                        Giải người Cảnh trưởng kiếm ăn quanh.

Ta thấy đứng đầu câu thứ nhất là “ Ban trưởng”, đứng đầu câu thứ hai là “ Cảnh trưởng” đều ở vị trí chủ ngữ nhằm nhấn mạnh chức vụ: Giám ngục và Cảnh sát trưởng – hai quan chức thay mặt chính quyền thực thi pháp luật trong nhà tù với nhiệm vụ quan trọng là quản lý, giáo dục phạm nhân hoàn lương. Thế nhưng hành động việc làm của hai quan chức này hoàn toàn trái ngựơc với chức trách của chúng. Ban trưởng thì “thiên thiên đổ” (chuyên đánh bạc), trở thành tội phạm pháp luật một cách trắng trợn, công khai. Thật là một nghịch lý, trớ trêu. Đối với tên giám ngục này pháp luật chẳng có nghĩa lý gì cả. Cảnh sát trưởng thì trắng trợn làm tiền những nạn nhân trót sa chân vào chốn tù ngục. Nghĩa gốc của “Tham thôn” là tham lam, nuốt chửng, mạnh hơn nhiều so với cụm từ dịch “Kiếm ăn quanh”. Hành động của Cảnh sát trưởng phạm pháp, bẩn thỉu và hết sức tàn nhẫn, tù nhân hầu hết là những kẻ “khố rách”, nghèo nàn khốn khổ, chúng cũng không tha.

Rõ ràng chức danh và hành động là một nghịch lý mang tính bản chất thối nát bỉ ổi của chế độ nhà tù, chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch. Thật tởm lợm, đáng phỉ nhổ! Những kẻ nhân danh pháp luật, nhân danh đạo lý hành động trái pháp luật, trái đạo lý, tự nó đã tự lột mặt nạ xấu xa đồi bại nhơ bẩn của kẻ đại diện quyền lực. Tính chất sâu cay thâm thúy trong nghệ thuật trào phúng của Bác đã làm bật lên hiện thực tối sầm của nhà tù Tưởng Giới Thạch cũng là hiện thực tối sầm ách thống trị xã hội của chúng.

Hai câu thơ sau, đặc biệt là câu kết tuyệt hay:

                        “Chong đèn Huyện trưởng làm công việc

                           Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Nghệ thuật châm biếm kín đáo, sâu sắc và vô cùng mạnh mẽ.

Quan chức dưới quyền Huyện trưởng là Ban trưởng, “Cảnh sát trưởng” chẳng ra gì, một bọn quan chức vô liêm sỉ mà “Thần thiêng tại bộ hạ”, “bộ hạ” thực chất là một lũ lưu manh như thế thì “Thần thiêng” Huyện trưởng làm sao mà “thiêng” được. Tính lô gic của mạch tứ là hết sức chặt chẽ!

Nguyên tác câu thơ thứ ba của Bác: “ Huyện trưởng thiêu đăng biện công  sự ”. Chữ “Thiêu đăng” có nghĩa gốc là chong đèn. “Chong đèn” tất phải sáng – sáng ánh đèn và “sáng” cử chỉ việc làm, hành động của người làm việc dưới đèn. Đúng là như vậy! Nhưng thành ngữ có câu “Chân đèn không rạng” có nghĩa: vùng tối ở nơi không ngờ tới. Vậy thì hóa ra ở nơi “thiêu đăng” (Chong đèn) có ánh sáng ấy vẫn có một vùng tối và cái vùng tối ấy đích thị là ngài Huyện trưởng – “Bộ hạ” của ngài là bọn “Ban trưởng” , “ Cảnh sát trưởng” hư đốn như thế thì ngài không thể là một quan chức mẫn cán, hết lòng vì việc nước, việc dân được. Ngài chỉ có thể hoặc là cái công việc mà ngài chong đèn làm thâu đêm là cái công việc vì bản thân ngài, một sự hưởng lạc phạm pháp, chẳng hạn như ngài đang hút thuốc phiện trong cơn say ngây ngất và như vậy ngài cùng một giuộc phạm pháp và đồi bại như bọn quan chức dưới quyền; hoặc ngài chong đèn để suy tính cách bòn rút dân lành; hoặc ngài vì bận công việc chung mà không biết được bản chất xấu xa tồi tệ của bọn “Ban trưởng”, “Cảnh trưởng”  thì ngài cũng là một loại quan chức cấp trên quan liêu, vô trách nhiệm.

Quan liêu đồng phạm hay bảo kê  đều cùng một giuộc là tội phạm. Câu thơ một và hai đã cho thấy hiện thực đen tối của nhà tù, đến câu ba chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch còn đen tối hơn. Sự phê phán lên án trong bút pháp nghệ thuật trào phúng châm biếm của Bác càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Câu kết bài thơ thật bất ngờ, tự nhiên mà sâu cay vô cùng: “Lai Tân y cựu thái bình thiên” (Trời đất Lai Tân vẫn thái bình). Nghệ thuật trào phúng ở câu thơ này đã lên đến đỉnh điểm. Đọc câu thơ lên mà thấy ngao ngán, chua chát vô cùng ! “Lai Tân” địa danh nghe rất hay! “Thái bình” hàm chứa ý nghĩa của yên dân, no đủ, hạnh phúc, tốt đẹp nhưng mỉa mai thay, trớ trêu thay Lai Tân thái bình” chỉ là cái vỏ hào nhoáng; còn thực chất cái ruột của “Lai Tân thái bình” là xác xơ, tiêu điều, tăm tối. Sự hiện diện bộ mặt của lũ quan chức thô bỉ ở các câu thơ trên đã phủ toàn bộ bóng đen nghẹt thở lên bầu trời, mặt đất Lai Tân rồi. Cứ tưởng an mà loạn, sáng mà tối. “ Lai Tân thái bình” chỉ là vỏ; đời sống tù nhân, nhân dân khắc nghiệt, khốn cùng, quằn quại, bi thương là ruột bởi bộ máy cai tri nhà tù và chế độ xã hội thối nát, tàn ác, quan liêu, vô trách nhiệm, vô luật pháp. Chính hiện thực đen tối ấy là nguyên nhân dẫn đến bao nguời dân cảnh tù đầy oan trái:

“ Oa! oa! oa! Cha trốn không đi lính nước nhà

   Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

   Phải theo mẹ đến ở nhà pha”…

Những người yêu nước chân chính bị bắt vô cớ:

                  “ Túc vinh mà để ta mang nhục

                  Cố ý dằng dai chậm bước mình

                  Bịa chuyện tình nghi là gián điệp

                  Cho người vô cớ mất thanh danh”

Chúng hành hạ người tù dã man đến nỗi ốm đau, tiều tụy:

“ Gầy đen như quỷ đói

  Ghẻ lở mọc đầy thân”

Sức tố cáo phê phán, lên án nhà tù chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch của Lai Tân là hết sức mạnh mẽ bằng ngòi bút trào phúng điêu luyện, tài tình của Bác là như thế! Nhưng chiều sâu ý tưởng nghệ thuật của thi phẩm Lai Tân còn là ở chỗ : Từ bài thơ người đọc cẩm nhận được sâu sắc và sinh động chân dung tinh thần tự họa của một thi sĩ - chiến sĩ hài hòa chất thép và tình của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Lai Tân thể hiện rõ Nhân - Trí - Dũng của Bác.

Nhân biểu hiện sự phê phán mạnh mẽ là để cảm thông, sẻ chia sâu sắc nỗi khốn khổ của dân tình; Trí biểu hiện ở sự nhận thức bản chất đích thực của chế độ nhà tù, chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch bằng một cái nhìn thông minh và thấu suốt, hóm hỉnh; Dũng biểu hiện tư thế người tù như một quan tòa xem xét, kết tội bọn quan chức thống trị.

Lai Tân hay vì biểu hiện được các giá trị chủ yếu của cả tập Nhật ký trong tù là như vậy.

Cái hay làm nên giá trị lâu dài của thi phẩm Lai Tân là ở tính thời sự của nó trong sự liên tưởng của các thế hệ độc giả. Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất về sự trường tồn của một tác phẩm nghệ thuật nói chung mà ở đây là  bài thơ  Lai Tân chính ở chỗ những thế hệ độc giả đến sau luôn luôn tìm đến một điều gì đó của chính thời mình trong những dòng thơ, dòng chữ được các nghệ sỹ lớp trước viết ra từ lâu. Những Sở Khanh, Tú Bà trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du; Xuân tóc đỏ trong  Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng…; Những loại quan chức như “Ban trưởng” , “Cảnh trưởng”, “Huyện trưởng”  …chúng chưa chịu chết theo thời đại chúng mà ngay ở thời hiện tại của Trung Quốc, Việt Nam ta cũng không khó tìm thấy chúng (Chúng chiếm một bộ phận không nhỏ trong xã hội) để căm ghét, phỉ nhổ, lên án và triệt tiêu chúng cho xã hội không ngừng phát triển. Vì vậy ý nghĩa lâu bền của  Lai Tân nói riêng và  Nhật ký trong tù cùng nhiều tác phẩm khác nói chung chính là các giá trị nghệ thuật có sức sống mãi trong lòng độc giả.

Sở dĩ Bác là người tù mà vẫn có thể viết nên bài thơ Lai Tân hay như vậy vì thế của Bác là thế của nhà cách mạng vĩ đại vì dân vì nước, không phải là tù nhân bình thường mà là tù nhân - thi sĩ - chiến sĩ , cho nên Lai Tân nói riêng và tập Nhật ký trong tù nói chung là nhật ký của chiến sĩ cộng sản có tư tưởng yêu nước sâu sắc, có tấm lòng nhân đạo cao cả,  có một bản lĩnh kiên cường, có sự thông tuệ, có một tài năng sáng tạo nghệ thuật bậc thầy, do đó mỗi thi phẩm viết ra đều thể hiện một tầm tư tưởng và nghệ thuật của người nghệ sĩ – chiến sĩ lớn.

 Người đọc thơ Bác luôn cảm nhận sâu sắc một điều hết sức cốt lõi rằng: Với Bác, một hiện tượng, một sự việc, một nét hiện thực cuộc đời đều có thể trở thành đề tài để sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa lớn lao bằng tài năng hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn. Văn là người đúng như thế! Những sáng tạo nghệ thuật đều thể hiện rất đúng con người Bác. Từ  Lai Tân người đọc cảm nhận được nhiều phương diện về Bác: Tư tưởng yêu nước, cách mạng; phẩm chất cộng sản; Đời sống tâm hồn phong phú, nhạy cảm và tài năng nghệ sĩ. Những bài học nhân sinh của Người cách mạng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều thể hiện bản lĩnh của một bậc Nhân - Trí  - Dũng lớn lao.

 Ta trân trọng năng niu  Nhật ký trong tù, từng bài thơ Nhật ký trong đó có Lai Tân bởi sản phẩm nghệ thuật  của Bác cho ta hiểu một chặng đời hoạt động cách mạng gian khổ, sự chịu đựng hậu quả nặng nề của mặt trái nhà tù, xã hội Tưởng Giới Thạch; ta càng mến yêu kính trọng, tự hào và biết ơn Bác Hồ muôn vàn thương nhớ của chúng ta.

NGƯT HỒ QUANG DIỆU