Kỉ niệm 65 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012): Trường PT Đông Đô với công tác đền ơn đáp nghĩa

TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÔNG ĐÔ VỚI CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

TS. Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Đông Đô

Trước hết cho phép tôi được thay mặt cho hơn 800 cán bộ, giáo viên, học sinh Trường PT Đông Đô xin gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ lòng kính trọng, ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc. Xin kính chúc các Mẹ Việt Nam anh hùng và các đồng chí sức khỏe và hạnh phúc.

Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là truyền thống và đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta, của mỗi người Việt Nam. Vì vậy, trong suốt 21 năm qua kể từ ngày thành lập Trường năm 1991 đến nay, Trường PT Đông Đô luôn luôn quan tâm giáo dục cho các thế hệ học sinh hiểu đúng và làm đúng đạo lí cao quý này của dân tộc ta.

Cứ 3 năm một lần, nhà trường tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đài Liệt sĩ ở đường Bắc Sơn, tổ chức Lễ Báo công và Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lăng Bác ở quảng trường Ba Đình.

Tổ quốc ta, dân tộc ta, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi ghi lòng tạc dạ, đời đời biết ơn sự hi sinh oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ, của các đồng chí thương binh, bệnh binh trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, trong các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, trong nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Lào và Campuchia. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ, của các đồng chí thương binh, bệnh binh đã làm cho đất nước nở hoa Độc lập, kết quả Tự do, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi thế hệ người Việt Nam.

Trường PT Đông Đô luôn quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần và vật chất của các đồng chí thương binh là cán bộ, giáo viên nhà trường. Hiện nay, Trường Đông Đô có 2 thầy giáo là cựu chiến binh, thương binh là thầy Phùng Bá Đam và thầy Nguyễn Đăng Chiến. Cả hai thầy đều là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mỉnh cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đã chiến đấu dũng cảm trong nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và đặc biệt cả hai thầy đã tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tấm gương hi sinh vì nước và tận tụy với sự nghiệp giáo dục của các thầy là những tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh Đông Đô.

Nhà trường thường xuyên chăm lo tới việc học tập và rèn luyện của các em học sinh là con thương binh, gia đình có công với nước. Số lượng học sinh là con thương binh khoảng từ 5-15 em mỗi năm học. Đa số các em học sinh là con thương binh đều có ý thức học tập, nỗ lực rèn luyện và luôn đạt kết quả cao trong từng năm học.

Hàng năm nhà trường đã dành hàng chục triệu đồng để động viên việc học tập cho các em học sinh là con em thương binh và giúp đỡ các thầy giáo là thương binh, đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của quận Tây Hồ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy, HĐND, UBND phường Bưởi về việc xây dựng Đài Liệt sĩ tại phường Bưởi, nhà trường đã đóng góp 20.000.000đ để góp một viên gạch nhỏ xây dựng tượng đài ghi công các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nước. Nhân dịp kỉ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ, nhà trường đã tặng các gia đình chính sách tiêu biểu của phường Bưởi 10 sổ tiết kiệm, mỗi số 1.000.000đ.

Những việc làm nhỏ bé của Trường  PT Đông Đô chỉ như những giọt nước trong biển cả bao la của lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, đối với các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ- những người đã hi sinh tuổi xuân và một phần xương máu của mình cho cách mạng, cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Tôi xin được dẫn một đoạn trong bài thơ Kính chào ngã ba Đồng Lộc của NGƯT Hồ Quang Diệu, chủ tịch Công đoàn nhà trường viết vào tháng 8/1972. Khi đó, thầy Hồ Quang Diệu là chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 247 anh hùng đang trên đường hành quân từ Quảng Trị ra Hà Nội để chuẩn bị tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tháng 12/1972. Đây là lời tri ân sâu nặng gửi đến các anh hùng liệt sĩ, đến các thương binh, bệnh binh đã chiến đấu vì Độc lập Tự do của Tổ quốc thân yêu:

Ơi các em!

Những cô gái của Việt Nam bình dị

Rất dịu hiền yêu mảnh đất quê hương

Trời xanh biếc và ruộng đồng bát ngát

Nâng tình yêu đất nước của em lên.

Tuổi thanh xuân sức nẩy nụ đâm chồi

Say sản xuất, em càng say chiến đấu

Giặc Mĩ đến. Lòng hờn căm nung nấu

Tạm biệt quê hương các em đã lên đường

Mở mặt trận: trên ngã ba Đồng Lộc

 

Một ngã ba hẹp mà quân thù khiếp nhược

Man rợ điên cuồng trút bom bừa bãi

Đủ loại: phát quang, bom tấn, từ trường

Bom nổ chậm và bom bi vung vãi

Đạn hai mươi li cày nát mặt đường...

Vẫn đứng vững nơi đây giữa đồi quang trơ trọi

Làm ngọn đèn thắp sáng

Cho những đoàn xe tấp nập vào ra

Bom đạn Mĩ dù rơi theo tọa độ

Hay đan chéo nhau từ các hướng bổ nhào

Của các loại máy bay tối tân “con ma”, “thần sấm”

Các em vẫn  đứng vững Ngã ba này- bóng cao lồng lộng

 Đôi mắt dõi nhìn bốn hướng....

 

Hôm nay,

Các em đã yên nghỉ dưới những nấm mồ xanh cỏ

Tấm bia khắc ghi tên tuổi dịu hiền:

Cô gái Việt Nam- giữa tuổi đôi mươi

Nhựa sống căng tràn

Biết nằm xuống cho Việt Nam đứng dậy

Kiêu hãnh diệu kì bức trường thành chống Mĩ

Khi còn sống, các em là những ngọn đèn chiếu sáng

Soi rõ đường đi, cảnh giới quân thù

Cho những đoàn quân và những đoàn xe

Vào ra trên hai miền Nam Bắc

Lúc nằm xuống, các em là những Ngôi sao muôn sắc

Chiếu sáng niềm tin tuổi trẻ lên đường

Tiếp bước hành quân ra chiến trường đánh giặc

Đêm nay đứng đây

Anh ngợi ca chiến công mười cô gái

Dũng cảm, Đảm đang, Bất khuất, Kiên cường.

Các em là những Ngôi sao trên tầm cao thế kỉ

Của Việt Nam! Việt Nam muôn đời sáng mãi

Kính chào các em!

Kính chào Ngã ba Đồng Lộc!

Tạm biệt các em, anh lại lên đường

Vào trận đánh diệt tan quân xâm lược

Cho Tổ quốc ta trên hai miền đất nước

Mặt trời vĩnh viễn rực sáng mọi quê hương.

                     (Kính chào Ngã ba Đồng Lộc – Hồ Quang Diệu)