HỘI THƠ XUÂN NĂM KỶ HỢI 2019

Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé,

Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công

Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,

Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.

Khi tôi nhỏ thơ giống như bà mẹ,

Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu,

 Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ là con gái,

 Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu…

         Nhà thơ Raxun Gamzatop đã từng nói về ý nghĩa vô cùng tuyệt vời của thơ ca như thế. Không biết tự bao giờ thơ sinh ra song cho đến nay, thơ đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần con người, nói như Các Mác, thơ ca là một trong những “niềm vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình”. Những câu thơ với sự quyến rũ của vần điệu, tiết tấu, với chiều sâu ý nghĩa và dạt dào xúc cảm như dòng suối mát lành chảy vào tâm hồn của mỗi người, làm cho lòng người “trong sạch và phong phú hơn”. Dân tộc Việt luôn ngập tràn tình yêu với thơ ca, từ  già đến trẻ, dù ở tầng lớp nào, ai cũng có thể làm dăm câu thơ để ngâm nga những lúc vui, buồn. Vì thế mà, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một nét độc đáo của văn hóa nước nhà.

         Hội thơ xuân cũng là một nét đẹp truyền thống của trường phổ thông Đông Đô. Đây là một trong những sự kiện quan trọng được diễn ra trong không khí những ngày xuân ấm áp. Năm nay, năm Kỷ Hợi, được sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng, tổ Ngữ văn đã tổ chức thành công Hội thơ xuân tại hội trường Tầng 10 của Trường phổ thông Đông Đô. Hội thơ Xuân Kỷ Hợi 2019 Trường PT Đông Đô rất vui mừng trước sự hiện diện của TS. Võ Thế Quân, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường PT Đông Đô, NGƯT. Phan Kế Trần, nhà giáo Phùng Bá Đam cùng tập thể giáo viên và học sinh Trường PT Đông Đô tham dự đông đủ.

           Mở đầu chương trình, cả hội thơ đã hòa theo không khí vui tươi sôi động của bài Vè hội thơ xuân Kỷ Hợi:

Nào hát nào ca

Ngâm thơ sáng tác

Diễn cà diễn kịch

Bình thơ mê tít

Thích nhất là chơi

Thả thơ có thưởng

Nhìn hình đoán chữ

Đối đáp thử tài

Tất cả lại đây

Đông Đô yêu dấu

Ve vẻ vè ve

Nghe vè thơ Tết

        Tiếp theo, NGƯT Phan Kế Trần – một thầy giáo lịch sử, một tài năng thơ ca của nhà trường đã nói chuyện với các em học sinh về ý nghĩa của thơ ca và sức sống của những vần thơ xuân đối với cuộc đời mỗi người. Thầy cũng đã dành tặng Hội thơ những bài thơ dạt dào cảm xúc do thầy mới sáng tác.

        Đến phần Bình thơ xuân, cả hội thơ lắng trong không khí rộn ràng, tươi mới của mùa xuân đến từ những bài thơ đặc sắc. Bài “Mùa xuân xanh” của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính được thể hiện qua những lời bình súc tích của em Trần Anh Tuấn- lớp 11D1. Những hình ảnh thôn quê dân dã mà thơ mộng, yên binh được gợi lại qua thi phẩm “Chiều xuân” của nữ thi sĩ Anh Thơ với lời bình của em Đỗ Đức Duy- lớp 11D1. Lần đầu tiên trên sân khấu của hội thơ Đông Đô, nhà giáo Phùng Bá Đam- một thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân đã đọc bài thơ tràn đầy tình yêu quê hương do thầy sáng tác nhân dịp Xuân Kỷ Hợi. Thầy đã chia sẻ rằng, chính việc dự Hội thơ xuân hằng năm của nhà trường đã gợi lên thầy tình yêu đối với thơ ca để từ đó, thầy bắt đầu đến với thơ. Hội thơ cũng trầm trồ trước giọng ngâm quá ngọt ngào sâu lắng của cô giáo Trần Minh Thu qua bài thơ “Hội Lim”.

         Sang phần Nhìn hình đoán tên bài thơ, các em học sinh đã vô cùng hào hứng để gọi ra đúng tên những bài thơ xuân đặc sắc của Bác Hồ, các thi sĩ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Thanh Hải,…Ban tổ chức đã đưa ra Ô chữ thơ xuân Kỷ Hợi với 11 câu hỏi, kết hợp với phần Thả thơ. Nội dung ô chữ xoay quanh những câu thơ nói về phong tục truyền thống của ngày Tết và mùa xuân của đất nước. Các em học sinh đã tìm ra đáp án rất nhanh ở từng ô chữ và từ chìa khóa XUÂN ĐÔNG ĐÔ.

 

        Phần Ứng tác thơ là một trong những nét đặc sắc của Hội thơ xuân Đông Đô. Ban tổ chức đã đưa ra thể lệ và như mọi năm, thể thơ dùng để ứng tác năm nay là thể lục bát- một thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Các em học sinh đã được giới thiệu về luật thơ lục bát trước khi vào phần ứng tác một bài thơ có chủ đề Mùa xuân- mái trường Đông Đô. Bắt đầu là câu lục, rồi câu bát, ở mỗi câu thơ đều có hàng loạt cánh tay giơ lên, có những lúc cả Hội thơ sôi nổi bàn bạc, phân tích để tìm ra câu thơ hay nhất, có lúc lại trầm lắng để dành không gian cho thầy, trò cùng khơi gợi cảm xúc, “vốn liếng” chữ nghĩa để có được những câu thơ hay. Tiếng vỗ tay, tiếng trầm trồ, những lời bình luận đã tạo nên một không khí văn chương, không khí mùa xuân lan toả khắp trong Hội trường. Và cuối cùng, thầy và trò Đông Đô đã ứng tác được một bài thơ lục bát xinh xắn và đầy ý nghĩa:

          Hội thơ Xuân Kỷ Hợi 2019 là một hoạt động thường niên đã 15 năm nay của Trường Đông Đô mỗi dịp đầu xuân, vừa là ngày hội giao lưu đầm ấm về thơ văn, hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam. Đây là một hình thức học tập trải nghiệm rất bổ ích giúp các em học sinh có thêm tình yêu thơ, yêu tiếng Việt, hứng thú học môn Ngữ văn ngày càng hiệu quả, đồng thời góp phần bồi đắp tâm hồn các em trở nên trong sáng, cao đẹp hơn, như lời nhà thơ Huy Cận:

Tháng ngày con mẹ lớn khôn, 
Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha.