HOẠT ĐỘNG KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NGƯỜI ANH HÙNG LÝ TỰ TRỌNG (20/10/1914-20/10/2014)

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014) - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam, sáng 20/10, đoàn đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường PT Đông Đô đã đến đặt hoa dâng hương ở tượng đài người anh hùng tại công viên Lý Tự Trọng.

Tại lễ chào cờ đầu tuần, các em học sinh đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với người anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của anh hùng Lý Tự Trọng và truyền thống yêu nước của thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. 

Đồng chí Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng hay còn gọi là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20/10/1914  trong một gia đình có truyền thống yêu nước, quê tại xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt từ tuổi thiếu niên. Sớm được gặp các đồng chí tiền bối của Đảng, Lý Tự Trọng đã được giác ngộ cách mạng và hoạt động trong phong trào yêu nước. Khi phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ với những chuyển biến sâu sắc, theo sự phân công của tổ chức, Lý Tự Trọng được cử về nước tham gia vào phong trào cách mạng. Đồng chí được giao nhiệm vụ làm liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương; đồng thời vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.  Lý Tự Trọng đã trở thành người đoàn viên đầu tiên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ngày 8/2/1931 tại Sài Gòn, trong một lần tham gia mít tinh và bảo vệ đồng chí của mình, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt. Trước mọi thủ đoạn dụ dỗ, mọi cực hình tra tấn tàn bạo của kẻ thù, Lý Tự Trọng vẫn một mực trung kiên, giữ trọn khí tiết của người cách mạng. Tại phiên tòa của chính quyền thực dân Pháp, đồng chí đanh thép tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Tuyên ngôn đanh thép đó mãi là ngọn lửa soi đường, là động lực để lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam vững niềm tin đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Ngày 21/11/1931, chính quyền thực dân Pháp đã hèn hạ dựng máy chém ngay tại khám lớn Sài Gòn và bí mật hành quyết Lý Tự Trọng.  Đồng chí đã anh dũng hy sinh trước sự hoảng sợ của thực dân Pháp, khi phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho đồng chí đã được dấy lên sâu rộng. Mười bảy tuổi đời, Lý Tự Trọng đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng cao đẹp, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Cuộc đời và tấm gương hi sinh anh dũng của anh hùng Lý Tự Trọng với tuyên ngôn bất hủ: “Con đường của thanh niên là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” đã trở thành biểu tượng bất diệt, cội nguồn sức mạnh, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Đó là thế hệ thanh niên đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, là thế hệ thanh niên đã đánh đuổi thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (07/5/1954); là thế hệ thanh niên đã kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; là thế hệ thanh niên tình nguyện hiện nay trong thời kì đổi mới đất nước, đang ra sức học tập, lao động và chiến đấu bảo việc vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh Trường PT Đông Đô đã bày tỏ quyết tâm học tập và noi theo tấm gương hi sinh của anh hùng Lý Tự Trong, sống có lí tưởng cao đẹp, đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, quyết chí, đồng lòng xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.