HÃY TRẢ LẠI GIÁ TRỊ NGUYÊN BẢN CHO KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT, HÃY TRỞ VỀ KỲ THI TỐT NGHIỆP THCS

GÓP Ý SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT GIÁO DỤC

HÃY TRẢ LẠI GIÁ TRỊ NGUYÊN BẢN

 CHO KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT,

HÃY TRỞ VỀ KỲ THI TỐT NGHIỆP THCS

 TS. Võ Thế Quân

Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô

Email: vanphong@dongdops.edu.vn

ĐT: 024.3753.1676

 I. Đánh giá về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Kỳ thi THPT QG năm 2018 về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Cả hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đã phối hợp tổ chức nghiêm túc kỳ thi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GD&ĐT và sự quan tâm, kỳ vọng của cả xã hội.

Tuy nhiên các tiêu cực của Kỳ thi THPT QG năm 2018 như giọt nước tràn ly làm bộc lộ rõ những bất cập của kỳ thi tổ chức theo cách thức như hiện nay (theo Quy chế thi THPT QG năm 2018). Các tiêu cực đó đang được Bộ GD&ĐT và Bộ Công an xử lý theo quy định của pháp luật để trả lại sự công bằng cho các thí sinh, trả lại niềm tin cho xã hội về sự trong sạch, trung thực của nền giáo dục. Nhưng đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn của kỳ thi. Vậy phần gốc nằm ở đâu?

Đó chính là những bất cập của kỳ thi THPT QG năm 2018 thể hiện ở các điểm sau:

         1. Việc sát nhập 2 kì thi làm 1 là một ý tưởng sai lầm vì 2 kì thi với 2 mục đích khác nhau:

          - Thi tốt nghiệp THPT  là đánh giá, ghi nhận kết quả 12 năm học, đặc biệt các năm học ở bậc THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông: thi đầu ra của THPT.

          - Thi tuyển sinh đại học, cao đẳngthi đầu vào để chọn những học sinh đủ điều kiện vào học ở bậc cao hơn, đào tạo đội ngũ tri thức. Việc sát nhập là khiên cưỡng, chẳng khác gì “ép duyên”.

         2. Việc huy động lực lượng tham gia tổ chức thi không phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lí và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

          Hệ thống các Sở Giáo dục & Đào tạo và các trường THPT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về giáo dục phổ thông mới huy động 50% cán bộ coi thi, còn 50% được huy động từ các trường ĐH, CĐ. Các trường đại học, cao đẳng phải lo việc tổ chức thi THPT là không đúng với chức năng của trường đại học, cao đẳng. Việc này đã gây xáo trộn cho hoạt động NCKH và đào tạo của các trường cũng như tốn kém về tài chính, thời gian và nhân lực.

         3. Việc chuyển các môn thi (trừ môn Ngữ văn) từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm đã dẫn tới kết quả thi không phản ánh đúng năng lực thật của học sinh, vì một bộ phận học sinh đã chọn sự may rủi khi làm bài, chọn câu trả lời đúng một cách ngẫu nhiên không xuất phát từ sự hiểu biết đầy đủ kiến thức của đề thi. Như vậy sẽ có một bộ phận học sinh đã “tốt nghiệp oan”“đỗ đại học oan” vì không đúng thực chất. Mặt khác bài thi trắc nghiệm không đánh giá được đầy đủ tư duy logic, sáng tạo và cách diễn đạt, trình bày một vấn đề của người thi. Vô hình chung cách thi này đã làm suy giảm chất lượng tốt nghiệp THPT và chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.     

        4. Cấu trúc đề thi không hợp lý dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào ĐH, CĐ không chính xác

          - Bộ GD&ĐT quy định: 60 % câu hỏi mức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp (6 điểm), 40%  câu hỏi mức nâng cao phục vụ xét ĐH, CĐ (4 điểm). Với thang 10 điểm/ 1 đề thi.

          - Xét tốt nghiệp: học sinh làm được 6 điểm là tương ứng với 10 điểm như kỳ thi những năm trước nhưng khi xét tốt nghiệp vẫn sử dụng công thức tính của thang 10 điểm nên kết quả thi không phản ánh chính xác kết quả tốt nghiệp của học sinh.

          - Xét ĐH,CĐ: mức điểm sàn 5 điểm là ngang mức điểm xét tốt nghiệp. Như vậy điểm vào ĐH ngang với điểm xét tốt nghiệp.

           Trong thang 10 điểm thì có tới 6 điểm là dành cho xét tốt nghiệp, 4 điểm là thi ĐH dẫn tới chất lượng đầu vào ĐH giảm đi 60%.

          Ví dụ: 1 học sinh đạt 10 điểm thì điểm xét ĐH thực chất là: 6 điểm PT+ 4 điểm ĐH. Như vậy chỉ có 4 điểm làm cơ sở để xét ĐH. Do đó điểm xét vào ĐH thực chất chỉ có 4 điểm. Điều đó có nghĩa là chất lượng vào ĐH giảm đi 60%. (Đây là ví dụ mang tính tượng trưng)

          Tình hình này dẫn đến chất lượng đầu vào ĐH, CĐ giảm sút.

          Việc ra đề thi phục vụ cho cả hai mục tiêu (tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ) là việc rất khó thực hiện, vì nếu đề thi nghiêng về xét tốt nghiệp thì có nguy cơ tạo ra “cơn mưa điểm 10” (như kỳ thi năm 2017), nhưng nếu nghiêng về xét tuyển ĐH, CĐ thì lại dẫn tới chỗ “bói không ra điểm 10” (như kỳ thi năm 2018).

        5. Việc đưa môn thi tự chọn theo bài thi tổ hợp vào các môn thi tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng học lệch nghiêm trọng trong học sinh.

          Từ 2014 đã bắt đầu có môn tự chọn trong thi tốt nghiệp THPT, nên học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp dẫn tới tình trạng học lệch trong học sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã bộc lộ đậm nét sự lạc hậu của cơ chế quản lý giáo dục ở nước ta: Cấp trên phải làm thay việc của cấp dưới, cấp dưới ỷ lại trông chờ cấp trên; chức năng nhiệm vụ của từng cấp quản lý không rõ ràng, minh bạch, chồng chéo lên nhau và đặc biệt là tính hiệu quả rất thấp, không phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Đây phải được xem là trở ngại lớn đối với sự phát triển giáo dục ở nước ta hiện nay.

  II. Hãy trả lại giá trị nguyên bản của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.                                         

Cần lựa chọn phương án phù hợp với thực tế, khả thi, hiệu qủa, đúng định hướng của Nghị quyết 29 BCH Trung ương (khóa XI) và Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất phát từ quan điểm đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, chúng tôi xin đề xuất phương án thi năm 2019 là: Tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành 2 việc độc lập với nhau gồm các nội dung sau:

        1. Thi Tốt nghiệp THPT trả về cho các địa phương tổ chức theo nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục theo Luật Giáo dục và các văn bản pháp quy khác.

- Sở GD&ĐT các  tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT (huy động giám thị, cơ sở vật chất, tổ chức Hội đồng thi, chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp).

- Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT gồm các việc:

+ Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp mới.

+ Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quy chế.

+ Bộ tiếp tục ra đề thi chung cho cả nước, từ năm 2021 (có thể sớm hơn) nên giao việc ra đề thi về cho các Sở GD&ĐT tỉnh thành phố, dựa trên bộ Ngân hàng đề thi quốc gia.

Về tên gọi kỳ thi nên trả lại tên gọi nguyên bản là Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thể hiện đúng bản chất của kỳ thi, không dẫn tới hiểu nhầm là kỳ thi “hai trong một”.

        2. Tuyển sinh ĐH,CĐ trả về cho các trường ĐH,CĐ theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Giáo dục đại học.

- Trường ĐH,CĐ tự chủ tuyển sinh: Xác định cách thức tuyển sinh (sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập qua học bạ, tự tổ chức thi…), thời gian tuyển sinh (có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để tránh gây căng thẳng cho xã hội).

- Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT gồm các việc:

+  Ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

+ Thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế.

+ Duyệt chỉ tiêu tuyển sinh và danh mục ngành đào tạo để đảm bảo chất lượng tuyển sinh của các trường. Về lâu dài sau năm 2020 giao quyền tự chủ hoàn toàn bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức ngành đào tạo về cho các trường ĐH.

Phương án này khắc phục cơ bản các nhược điểm của phương án thi THPT quốc gia năm 2018, phù hợp với Văn kiện Đại hội XII về GD-ĐT là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GD, phân cấp quản lý giáo dục; phù hợp với xu thế chung của thế giới về quản trị ở cấp quốc gia và ở cấp cơ sở. Bộ bỏ bớt việc sự vụ, tập trung việc quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy sự phát triển giáo dục mới thông thoáng và đúng quy luật: “đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, không chen lấn xô đẩy nhau”, do đó xã hội mới phát triển ổn định, nề nếp, kỷ cương.

         3. Về hình thức thi trắc nghiệm và môn thi tự chọn.

Vấn đề này nên có hội thảo đánh giá khách quan, khoa học; từ đó lựa chọn phương án phù hợp vừa đáp ứng chất lượng của kỳ thi, vừa gọn nhẹ trong khâu tổ chức thi. Xin đề xuất:

- Nên chuyển hình thức thi từ trắc nghiệm sang tự luận các môn: Toán, Lịch sử, Địa lý.

- Về số lượng môn thi nên giữ 6 môn như hiện nay, nhưng tất cả các môn thi đều là bắt buộc.

- 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thường xuyên nằm trong danh mục môn thi; ba môn còn lại được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, GDCD. Ba môn thi này Bộ GD&ĐT sẽ công bố vào đầu tháng 3 hàng năm theo nguyên tắc có cả môn tự nhiên và môn xã hội (ví dụ: Vật lý, Hóa học, Lịch sử/ Địa lý, GDCD, Sinh học …).

- Có thể chọn phương án 4 môn thi thường xuyên là: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ. 2 môn còn lại chọn ngẫu nhiên trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, GDCD.

Giải quyết thấu đáo vấn đề trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng không chỉ của kỳ thi mà còn cả quá trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học.

III. Hãy trở về Kỳ thi tốt nghiệp THCS.

Từ Nghị quyết 29 của BCH Trung ương (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII được thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; từ Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dẫn tới một số nhận thức sau:

        1. Học sinh tốt nghiệp THCS (lớp 9) là đã hoàn thành chương trình “giáo dục cơ bản”/ “giáo dục phổ cập” và phải “phân luồng mạnh sau THCS”.

Hiện nay mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó tỉ lệ vào học THPT chiếm 70%, học bổ túc THPT hơn 8%, học TCCN và trung cấp nghề hơn 5%, tham gia thị trường lao động khoảng 15%. Theo Chỉ thị số 10CT/TW ngày 4/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa X): Đến 2020 thực hiện mục tiêu phân luồng 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Đây là bài toán khó cho ngành giáo dục, là điểm nghẽn lâu nay trong phân luồng sau THCS. Cần tìm chìa khóa giải quyết vấn đề này ngay từ Luật Giáo dục.

Để đảm bảo chất lượng và đánh giá đúng trình độ học vấn phổ thông của học sinh sau khi học xong THCS cần tổ chức một kỳ thi nghiêm túc gọi là Kỳ thi tốt nghiệp THCS = Kỳ thi tốt nghiệp Chương trình giáo dục cơ bản, hiện nay là Chương trình giáo dục phổ cập.

- Sở GD&ĐT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi, ra đề thi và xét duyệt kết quả thi.

- Giám đốc Sở GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS = Bằng tốt nghiệp Chương trình giáo dục cơ bản/Chương trình giáo dục phổ cập.

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi và giám sát, thanh tra về tổ chức thi.

- Bằng tốt nghiệp THCS  là cơ sở để chủ động phân luồng từ phía người học và từ nhu cầu xã hội vì vậy nên phân loại trình độ: Giỏi, Khá, Trung bình. Có thể xem đây là chìa khóa để phân luồng sau THCS (ví dụ: Học sinh tốt nghiệp loại Giỏi, Khá có thể học lên THPT, tốt nghiệp loại Trung bình vào học nghề).

Như vậy cần thiết phải trở lại tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THCS như nó đã từng tồn tại trước đây.

         2. Ở bậc THPT là giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp”.

Theo Chương trình giáo dục  phổ thông tổng thể, học sinh lớp 10, 11, 12 được tự chọn học 5 môn (mỗi nhóm ít nhất 1 môn) trong tổng số 9 môn học tự chọn. Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp …. Học sinh được lựa chọn môn học định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, các chuyên đề học tập cũng đa dạng hơn; như vậy trình độ học sinh đã được phân hóa theo yêu cầu “giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông cho chất lượng” (Nghị quyết số 44/2009/QH12). Do đó khi học hết lớp 12 học sinh có vốn kiến thức văn hóa hoàn toàn khác nhau theo các chương trình khác nhau (tạm gọi là chương trình học tập cá nhân).

Do chương trình học tập đa dạng nên cần nghiên cứu việc học và kiểm tra theo hình thức tín chỉ, học sinh hội tụ đủ các tín chỉ cần thiết theo quy định sẽ được công nhận hoàn thành chương trình THPT.

Chính vì vậy không thểkhông cần tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia như cách làm hiện nay (theo Quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT năm 2018).

Từ đó xin kiến nghị:

- Chuyển Kỳ thi THPT quốc gia theo cách tổ chức hiện nay sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này chỉ tiếp tục thực hiện đến năm 2024 dành cho khóa học sinh lớp 12 cuối cùng học theo chương trình hiện hành.

- Từ khi có học sinh lớp 12 đã hoàn thành  chương trình mới (năm 2025) thì Hiệu trưởng Trường THPT cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT sau khi đã được Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt.

- Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế về việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

Theo các đề xuất này vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, phân cấp mạnh về quản lý giáo dục cho các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, các trường ĐH-CĐ; tăng quyền tự chủ của các nhà trường trong việc đảm bảo tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo. Cơ chế mới này cũng đảm bảo tính phân luồng mạnh sau THCS, phân luồng sâu sau THPT diễn ra phù hợp với sự phát triển KT-XH của từng địa phương và cả  nước.

Phương án trên đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của BCH Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.

Hiện nay Quốc hội đang thảo luận về việc sửa đổi Luật Giáo dục vì vậy để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các nội dung trên đây xin đề nghị sửa đổi Điều 31 của Luật Giáo dục như sau (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):

           1. Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng trường tiểu học cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học.

           2. Học sinh học hết chương trình THCS phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THCS do Sở GD&ĐT tổ chức. Giám đốc Sở GD&ĐT cấp Bằng tốt nghiệp THCS, xác nhận đã hoàn thành Chương trình giáo dục cơ bản (Chương trình giáo dục phổ cập) cho các học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

           3. Học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được Hiệu trưởng Trường THPT cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Trong giai đoạn từ 2019 đến 2024 tiếp tục tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hy vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ công tâm xem xét thấu đáo những đề xuất trên đây để có quyết định sáng suốt, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay và tạo khung pháp lý cho quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới theo kịp xu thế phát triển của thời đại.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích những bất cập của kỳ thi THPT QG năm 2018 và đề xuất tách  Kỳ thi tốt nghiệp THPT độc lập với việc xét tuyển ĐH, CĐ. Lấy lại tên nguyên bản là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và do Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện theo Luật Giáo dục. Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ do các trường ĐH, CĐ tự chủ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học.

Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ năm 2020 thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ tồn tại đến năm 2024, năm cuối cùng có học sinh lớp 12 học theo chương trình hiện hành. Từ năm 2025 khi có khóa học sinh lớp 12 đầu tiên hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông mới thì không cần và không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên Hiệu trưởng các trường THPT cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cần trở lại tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THCS để xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập (giáo dục cơ bản) và làm cơ sở để phân luồng sau THCS.

SUMMARY

Put the general exam for secondary and high education back in  its original format.

The article analyses the drawbacks of The general exam  of high education in 2018 and proposes the separation of this exam from the enrolment of university as well as college. The author puts forward an idea to apply the general exam of high education carried out in Departments of Education and Training. According to Higher education law, the enrolment is conducted by universities and colleges as well.

When the government applies generalization of  compulsory high school education from 2020, the general exam  of high education can be effective until 2024, the last year high students study all the subjects in current cirriculum. By the year of 2025, all the students will have completed the new curriculum. The general exam  of high education, therefore, is impossible and headmasters of high schools take the responsibility for granting The general certificate of high education .

It is essential that the government organize the general exam of secondary education as the confirmation of  generalization of  compulsory education.