CHÀO MỪNG 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2014): NHỚ LẠI NGÀY THU THÁNG MƯỜI NĂM ẤY- NGƯT Phan Kế Trần

Sau 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam (19/12/ 1946), đêm 17/2/1947, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, lệnh của Bộ Tổng chỉ huy và Ban chỉ huy mặt trận Khu XI, lực lượng chiến đấu của Hà Nội trong đó có Trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành phố về “hậu phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài” với lời thề:

Kháng chiến nhất định thắng lợi, Hà Nội ơi! Ta sẽ trở về.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20/7/1954), hòa bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở ra) được hoàn toàn giải phóng. 80 ngày sau khi ký Hiệp định, quân đội Pháp phải rút khỏi Hà Nội. Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Sư đoàn Quân tiên phong (308) làm Chủ tịch và bác sỹ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch, với nhiệm vụ tổ chức tiếp thu và quản lý thành phố. Sư đoàn Quân tiên phong đã được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.

Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi Văn Điển. Đây là vùng đất đầu tiên ngoại thành được giải phóng. Ngày 8/10/1954, Ban tiếp thu quân sự triển khai xuống các khu vực tiếp nhận bàn giao các vị trí cơ quan quan trọng. 16 giờ 30 ngày 8/10/1954, bộ đội ta tiến đến sát đường vành đai đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Nhật Tân…

18 giờ ngày 8/10/1954, tại chân Cột Cờ, các sỹ quan, binh lính của đội quân viễn chinh Pháp còn lại trong thành do tướng Matxông (Masson) chỉ huy làm lễ cuốn cờ. Lá cờ ba sắc từ từ được hạ xuống, ướt sũng trong làn mưa hòa cùng những giọt nước mắt và ánh mắt mệt mỏi của những người lính thất trận được cuốn lại trong tiếng nhạc kèn rầu rĩ (theo báo chí Phương Tây).

Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản các quận lỵ Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi rồi khu Quần Ngựa, nhà ga, phủ Toàn quyền cũ, Thành Hà Nội, khu Đồn Thủy… 16 giờ ngày 9/10 tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm, sau đó theo đường 5 về Bần Yên Nhân (Hưng Yên). Trong khoảng thời gian đó ở những khu vực quân Pháp chưa rút, đường phố vắng tanh, im lìm như chết, nhưng khi tên lính cuối cùng vừa khuất bóng thì lập tức một rừng cờ đỏ sao vàng mọc lên từ khắp các cửa nhà, đường phố. Nhân dân ùa ra đường, phất cờ vẫy hoa reo hò, chăng cờ, khẩu hiệu, dựng cổng chào, treo đèn kết hoa chuẩn bị đón đại quân tiến vào Thủ đô.

Ngày 10/10/1954 đại quân ta tiến vào trung tâm Thành phố.

 Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và Đại đoàn Quân Tiên phong (308) gồm đủ các đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… mở cuộc hành quân lịch sử từ các cửa ô tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô, cả nội thành và ngoại thành, đủ các thành phần, tầng lớp, các ngành, các giới, các lứa tuổi… mặc những bộ quần áo đẹp nhất, nét mặt hồ hởi, phấn khởi xúc động đứng chật các ngả đường giương cao cờ, ảnh Bác Hồ, đánh trống thổi kèn, đốt pháo, múa sư tử, ca hát, vẫy hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về. Có những bà mẹ, những thiếu nữ từ trong hàng chạy ra tặng hoa và ôm choàng lấy các chiến sỹ nghẹn ngào xúc động.

Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng (Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính) dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào  vào trung tâm.

Cánh quân phía Tây là những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô năm xưa do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị - Anh hùng quân đội - dẫn đầu, xuất phát từ Quần Ngựa đi qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông… tiến vào Cửa Đông.

Cánh quân bộ binh phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá qua Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài, quanh Hồ Gươm rồi vòng lại hạ trại tại khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.

Đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai qua phố Bạch Mai, phố Huế đến Bờ Hồ ngược lên Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc tiến vào Thành lúc 10 giờ 45.

Chiều ngày 10/10/1954, lúc 15 giờ, còi Nhà hát thành phố kéo một hồi dài âm vang, cũng là thời khắc hàng vạn đồng bào Hà Nội cùng với sự tham gia của các đơn vị quân đội trang nghiêm, tề chỉnh dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Lá cờ Tổ quốc lại tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính. Thủ đô đã được giải phóng. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà lòng vui mừng không xiết kể”. Bác cũng đã kêu gọi: “Toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức cùng Chính phủ… làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” (trích Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội - 1989).

 Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón đoàn quân chiến thắng trở về. Tiếng cười, niềm vui hòa cùng nước mắt bồi hồi xúc động.

 “Về đến đây rồi, Hà Nội ơi!

  Người đi kháng chiến tám năm trời

  Hôm nay về lại đây Hà Nội

  Ràn rụa vui lên ướt mắt cười!”

                    (Lại về - Tố Hữu - 10/1954)

Cũng tình cảm ấy, tâm trạng ấy, Nguyễn Đình Thi viết:

 “Ta lại về đây giữa phố xưa…

  Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa”

                  (Ngày về - Nguyễn Đình Thi-1954)

 Ngày 10/10/1954 là một sự kiện mở ra bước ngoặt mới có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong lịch sử ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Viết tiếp trang sử 10/10 Hà Nội vươn lên trong xây dựng và chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do. Tiếp trang sử Điện Biên năm 1954, tháng 12/1972 Hà Nội có “Điện Biên Phủ trên không”, đòn quyết định buộc Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Pari (tháng 1/1973) mở ra giai đoạn mới tiến tới Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với đất nước đổi mới, từ 1986 Hà Nội vươn lên tầm cao mới: một Thủ đô anh hùng có truyền thống ngàn năm văn hiến, thanh lịch, văn minh, hiện đại, là thành phố của lương tri, phẩm giá con người, là Thành phố vì hòa bình (Giải thưởng UNESCO).

 Mỗi người dân Thủ đô, mỗi học sinh Thủ đô hãy sống đẹp, lao động giỏi và học tập tốt để góp phần làm cho Thủ đô, trái tim của Tổ quốc Việt Nam thân yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng.