Bộ đội tên lửa tham gia trận đánh lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972

NGƯT Hồ Quang Diệu CCB D87 - E274 anh hùng - F367

Kỷ niệm 40 năm (1972 - 2012) chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không ”

I. Vào Nam đánh Mỹ.

    Là binh chủng tên lửa, những ng­ười lính chúng tôi hiểu rằng: bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc, bầu trời Thủ đô Hà Nội là góp phần chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, cùng đồng bào miền Nam đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lư­ợc của kẻ thù. Thế nh­ưng, những ngày trư­ớc năm 1972 mỗi chiến sĩ bộ đội tên lửa chúng tôi đều ao ư­ớc đư­ợc trực tiếp chiến đấu trên mảnh đất miền Nam kiên cư­ờng, đư­ợc trực tiếp chia lửa cùng miền Nam ruột thịt. Vì thế khi đư­ợc lệnh lên đ­ường vào chiến tr­ường đánh giặc, ai nấy đều phấn chấn lạ th­ường! Không phấn chấn, hồi hộp sao đư­ợc khi chúng tôi biết rằng con đ­ường ra trận năm 1972 nhằm thẳng hư­ớng miền Nam yêu quý.

      Cái chí nam nhi của thời x­ưa phải là “Làm trai cho đáng nên trai / Phú Xuân cũng tỏ, Đồng Nai cũng t­ường”. Tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ tỏ rõ ý chí của mình là khao khát đ­ược có mặt trên trận tuyến đánh quân thù để quét sạch nó đi.

      Đi vào đ­ường viền của vành đai chiến tr­ường chúng tôi càng thấy đầy đủ hơn tội ác man rợ của đế quốc Mỹ. ở đây hố bom đạn dày đặc, ken nhau chồng chéo. Đư­ờng quốc lộ 1 A bị cày nát từng chặng, từng chặng, có đoạn bom đạn quân thù bóc đ­ường dài tới 4,5 km. Từ Vinh trở vào, qua mỗi thị xã, thị trấn chỉ thấy gạch nát và hố bom. Đất lửa Quảng Bình, bầu trời quân khu Bốn, bầu trời hai bên bờ sông Bến Hải yêu thương, một bến phà hiểm yếu, một khu vực chứa hàng, một đoạn đ­ường chiến l­ược nổi tiếng là mạch máu giao thông của hàng chục tuyến đ­ường nối liền chiến tr­ường với hậu phư­ơng, một nông tr­ường, một ngã ba, một cái ngầm…là mục tiêu bắn phá của kẻ thù, là mục tiêu mà chúng tôi phải bảo vệ. Bao nhiêu ngày đi lại cơ động trên đ­ường chiến lư­ợc 15 ngoằn ngoèo khó đi, xe hơi, xe xích lồng lên ghê gớm, tung hất ng­ười nh­ư xóc vỏ ốc. Mỗi cây số trên từng chặng đ­ường hành quân đều phơi bày đầy đủ cái tàn khốc, ác liệt của chiến tranh và tội ác tày trời của quân cư­ớp Mĩ, nh­ưng vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, chúng tôi đi trong khói lửa, sống giữa đạn bom của quân thù vẫn bình thản, không hề biết sợ mà còn rất đỗi tự hào.

      Vào các trận đánh ở mặt trận Quảng Trị, dù phải chiến đấu trong bất kể hoàn cảnh nào, điều kiện nào của trận đánh, những ngư­ời lính tên lửa chúng tôi cũng luôn tỉnh táo, bình tĩnh bám sát mục tiêu và nêu quyết tâm cao tiêu diệt bằng đ­ược bọn giặc trời. Nhiều trận đánh diễn ra liên tục nhiều giờ trong một ngày, nhiều ngày trong một tuần trong điều kiện thời tiết rất xấu, mây mù, nắng gắt, đêm tối, lũ giặc trời lại giở nhiều thủ đoạn, mánh khóe xảo quyệt của những tên giặc lái sừng sỏ đã có hàng nghìn giờ bay tội ác nhằm đánh đòn phủ đầu, công kích trận địa, đánh phá những mục tiêu quan trọng mà chúng đã xác định mỗi khi xuất kích – nhất là trong đợt đánh phá 19 ngày đêm (01-19/04/1972) hết sức dã man, giữa vòng vây bom đạn của quân thù, chúng tôi luôn thực hiện tốt khẩu hiệu “nguời bám máy, bám xe, bám khí tài” với tinh thần trách nhiệm cao nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu góp phần bắn rơi nhiều máy bay chiến thuật F105, F4 và máy bay chiến l­ợc B52 của giặc Mĩ.

      Trong ký ức của chúng tôi, những cái tên: Khe Tang, Xuân Sơn (còn đ­ược gọi là phà tan xương), Thụ Lộc, Đồi Ph­ước Nhĩ, Bắc Cổ Kiềng, Cầu Gỗ, Lê Ninh, Thác Cóc (còn gọi là thác khóc), Long Đại ( Còn gọi là phà long đầu), Đội 12 Nông tr­ường Quyết Thắng, Khe khế, Đ­ường 10, Ngã tư­ Đắt, Ngầm Cờ Đỏ, Bãi Hà …sẽ mãi mãi là những kỉ niệm đánh dấu chặng đư­ờng chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, hiểm nguy nhưng cũng là những chiến công rất vẻ vang trong mùa chiến dịch Quảng Trị năm 1972.

      Chiến dịch Quảng Trị đầu năm 1972 đã khép lại. Đây là chiến dịch với những trận đánh, những chiến công có tầm ý nghĩa hết sức quan trọng. Giặc Mỹ xâm lư­ợc không thể ngờ rằng tên lửa của quân đội nhân dân Việt Nam đã có mặt trên chiến trường miền Nam. Sam II- loại tên lửa không chỉ có tầm bắn hạ B52 ở độ cao 10 cây số, khí tài lợi hại này còn có tầm với mục tiêu gấp 3 lần độ cao ấy. Nó không chỉ làm rụng tơi tả thành trăm ngàn mảnh những pháo đài khổng lồ trên mỗi chiếc mang theo 10 tấn bom rải thảm gây tội ác man rợ với quân dân ta mà Sam II còn tạo uy lực lớn  trên không trung làm cho lũ quạ trời kinh hồn, khiếp đảm tan tác, không thực hiện đ­ược các phi vụ tấn công vào các mục tiêu đã định tr­ước.

Sự có mặt của Sam II  trong chiến dịch Quảng Trị đầu năm 1972 là sự cảnh báo nghiêm khắc với bọn giặc lái Mỹ cùng bè lũ chóp bu trong bộ máy chiến tranh ở Nhà trắng và Lầu năm góc coi chừng sức mạnh vô song của quân chủng Phòng không- Không quân nói riêng và sức mạnh hiệp đồng tác chiến  to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, sẵn sàng đập tan mọi âm m­ưu thủ đoạn dùng sức mạnh của một cư­ờng quốc giàu tiềm năng kinh tế, quân sự  buộc chúng ta phải qui phục, nh­ượng bộ chúng trên bàn đàm phán tại Pari cũng như­ trên chiến tr­ường.

 II. Chuẩn bị trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội.

 Bộ máy chiến tranh khổng lồ của đế quốc Mĩ đứng đầu là Tổng thống Nixon hiếu chiến không chịu rút bài học thất bại từ chiến dịch Quảng Trị là lời cảnh báo của chúng ta, trong phiên họp riêng ngày 24 tháng 11 năm 1972 tại Pari, Kissinger đọc bức điện của Nixon đe dọa ngừng đàm phán, tiếp tục các hoạt động quân sự, nếu Việt Nam dân chủ cộng hòa không sẵn sàng chấp nhận yêu cầu  của Mỹ (1). Mặc dù trước đó, trong phiên họp riêng thứ 19 ngày 8-10-1972  hai bên đã bàn, dự kiến ngày 25 hoặc ngày 26-10 sẽ kí bản Hiệp định và ngày 20- 10 Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoan nghênh thiện chí của ta và coi bản Hiệp định là đã hoàn thành … công hàm của ông ta còn nói rõ “Việc kí Hiệp định sẽ tiến hành ngày 31-10-1972” (2). Trả lời Kisinger, cố vấn Lê Đức Thọ nói thẳng  “Tôi đã nói với ông nhiều lần , đe dọa chúng tôi chẳng có tác dụng gì đâu. Chúng tôi không đe dọa ai, nhưng cũng kiên quyết không để cho ai đe dọa…nhân dân chúng tôi không bao giờ đầu hàng…” (3).

Ngày 18-06-1965 lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát ( Tây Bắc – Sài Gòn). Sau đó một  tháng, ngày 19-07-1965 Hồ Chủ tịch đến thăm Trung đoàn 234 Quân chủng PK - KQ, Bác khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”

      Từ đầu năm 1968, Bác Hồ vĩ đại nhận định : “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội , rồi có thua nó mới chịu thua...  ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.(4) Bộ tư lệnh tối cao của dân tộc đã lãnh đạo và chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thấm nhuần sâu sắc lời nhận định đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những  quyết sách hết sức đúng đắn, lãnh đạo quân dân ta liên tục giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán ở Pari, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động tội ác của giặc Mỹ.

      Tháng 5-1966, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B52. Tại đây ngày 17-9-1967, Trung đoàn đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Từ tháng 2-1968 Quân ủy Trung ương dự đoán Mỹ có thể dùng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và giao cho Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến, nghiên cứu cách đánh B52.

      Tháng 9-1972 Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B52 gọi là “Phương án tháng 9”, xác định những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phòng không khu vực Hà Nội và Hải Phòng.

      Ngày 27-10-2012 Đảng ủy Quân chủng PK-KQ ra Nghị quyết: Kiên quyết bắn rơi B52 tại chỗ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Ngày 22-11-1972 Trung đoàn tên lửa 263 đã diệt được B52 tại Nghệ An. Kinh nghiệm của Trung đoàn được bổ sung những chi tiết quan trọng vào tài liệu “Cách đánh B52”.

      Ngày 24-11-1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn Kế hoạch và lệnh cho Quân chủng PK-KQ hoàn thiện công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3-12-1972. Ngày 3-12-1972 Quân chủng PK-KQ báo cáo: “Mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B52 xong, quyết tâm của Quân chủng kiên quyết không để bị bất ngờ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B52”.

      Đầu tháng 12 năm 1972, Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PK – KQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri báo cáo về kế hoạch đánh B52 của Quân chủng và nhấn mạnh: “ Để gây sức ép với ta trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PK- KQ, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”

      Trong đêm mở đầu chiến dịch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở chỉ huy “Tổng hành dinh” cùng tập thể cán bộ chiến sĩ trong kíp trực chủ động bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ – Trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội.

III. Trở ra Bắc bảo vệ Thủ đô.

Từ chiến trường Quảng Trị , trung đoàn tên lửa 274  anh hùng cùng 1 số trung đoàn tên lửa khác được lệnh hành quân ra Bắc chuẩn bị tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô trong chiến dich lịch sử “ Điện Biên Phủ trên không Hà Nội”. Hành quân trên chiếc xe Kra đặc chủng ( KPA) của bộ đội tên lửa qua Ngã ba Đồng Lộc vào đêm 06- 08-1972 ,  gần đến điểm 10 cô gái hy sinh thì xe hỏng máy. Đêm đó vì lùng sục cứu phi công nên máy bay Mỹ không bắn phá ngã ba này. Tranh thủ chờ sửa xe, tôi tìm đến mộ 10 cô gái trong nỗi xót thương, cảm phục trào dâng và không thể không viết thành những lời thơ:              

 “Lòng sao xúc động đến vô cùng

Cúi đầu tưởng niệm mắt rưng rưng…

Cầu chúc vong linh hồn trinh nữ

Hòa quyện đời đời với núi sông”

 

Và:      “ Kính chào các em !

Kính chào Ngã ba Đồng Lộc!

Tạm biệt các em, anh lại lên đường

Vào trận đánh diệt tan quân xâm lược

Cho Tổ quốc ta trên hai miền đất nước

Mặt trời vĩnh viễn rực sáng mọi quê hương”

     Chúng tôi tiếp tục hành quân qua phà Linh Cảm, qua chảo lửa Truông Bồn ( Nghệ An), qua dốc Bò Lăn (Nông Cống- Thanh Hóa), ngược Phà Kiểu , qua Cổ Tế về Rịa- Nho Quan (Ninh Bình), lại ngược lên Cao Phong (Hòa Bình), xuống Hà Nội đến La Khê ( Hà Đông), rồi đi Lạng Sơn nhận khí tài mới về Bắc Hồng ( Đông Anh), lại lên Hòa Bình tập kết huấn luyện để rồi đêm 15- 12 cùng với nhiều đơn vị tên lửa khác đã sẵn sàng hạ gục không lực Hoa Kỳ ở tất cả các trận địa bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến- trái tim yêu quý của Tổ quốc Việt Nam.

      Ngoan cố theo đuổi chiến tranh xâm lược, phớt lờ sự cảnh báo của chúng ta không chịu hiểu sức mạnh tổng hợp và ý chí quyết tâm sắt đá của dân tộc ta, của quân dân Thủ đô Hà Nội anh hùng, Nixon tráo trở trên bàn đàm phán tại hội nghị Pari, cay cú, trắng trợn tuyên bố " thà thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn hơn thua cuộc chiến tranh Việt Nam” và theo kế hoạch do Nixon định sẵn từ 14 tháng 12, ngay từ 19h30 đến 20h45 tối 18 tháng 12 năm 1972, máy bay B52 của Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác.

      Tầm cao, tầm thấp máy bay chiến lược B52 và máy bay chiến thuật bay từng tốp, từng đàn, bay lén, lũ giặc trời trong suốt 12 ngày đêm bắn phá, ném bom Hà Nội đã gặp phải lưới lửa "Thiên la địa võng ” của các trận địa pháo cao xạ 37 ly, 57 ly, 100 ly, trận địa cơ động súng máy 14 ly, súng Ak ; Các trận địa tên lửa Sam II giăng ra khắp nơi, không quân ta xuất kích giáng trả mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả làm kẻ thù xâm lược thất điên bát đảo

      Đánh máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay tiêm kích chiến thuật Thần sấm (F105), Con ma (F4) hoặc loại máy bay cánh xòe cánh cụp (F111), ở vị trí chiến đấu trên xe UA (YA) – xe chỉ huy, chiến sĩ trắc thủ tên lửa luôn giữ vững tinh thần chiến đấu, mưu trí, sáng tạo trong cách đánh và cùng nhau lập công tập thể. Bằng đôi bàn tay nhanh nhẹn, khẩn trương, thuần thục, điêu luyện trên vòng tay quay và đôi mắt tinh tường thông minh của các trắc thủ cự ly, phương vị, góc tà cùng với sĩ quan điều khiển, cán bộ chỉ huy trận đánh, soi rọi trên màn hiện sóng chịu tác động đủ các loại nhiễu ( từ hai máy phát nhiễu trên mỗi máy bay chiến thuật và từ 15 máy phát nhiễu trong mỗi chiếc B52) để xác định đúng mục tiêu máy bay cần tiêu diệt.

Trắc thủ ở các xe AA, xe Pê A (PA), xe RMA (PMA) và Đét 75 (Õ ET 75), những đồng chí đó bất kể ngày đêm luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu và càng trong khó khăn ác liệt càng bình tĩnh gan dạ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

      Trong hiệp đồng chiến đấu, pháo thủ ở các C2 (Đại đội 2) thuộc từng tiểu đoàn hỏa lực tên lửa luôn chuẩn bị tốt nhất bệ đạn sẵn sàng chiến đấu mỗi khi đạn rời bệ phóng lao vút lên không trung tìm diệt mục tiêu thì các pháo thủ ngay lập tức đã có mặt tại bệ phóng để nạp đạn và nhanh chóng ngụy trang sẵn sàng chờ giặc, bất kể máy bay gầm rít trên đầu ném bom, vãi đạn bừa bãi xuống trận địa.

      Các chiến sĩ lái xe hơi, xe xích kéo đạn tên lửa nhận rõ vị trí quan trọng là đôi chân của đơn vị đã luôn đảm bảo xe tốt, đầy đủ xăng dầu để sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã nêu tấm gương về tinh thần tận tụy phục vụ nhiệm vụ chiến đấu rất dũng cảm trong nhiều tình huống chiến đấu khó khăn nguy hiểm, luôn đảm bảo đủ cơ số đạn và đưa đạn vào trận kịp thời để đồng đội tiếp tục tấn công lũ giặc trời.

      Chiến sĩ ở bộ phận thông tin, tiếp sức, ra đa nhìn vòng Pô 12 (Õ 12), hậu cần và các bộ phận, trung đoàn bộ đều có những đóng góp đáng kể trong việc bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi tình huống, luôn phát hiện quản lý mục tiêu cho đơn vị đánh thắng, luôn chú trọng đến đời sống bộ đội, đảm bảo tốt công tác hậu cần cho bộ đội ăn no, đánh thắng.

      Một vị trí chiến đấu không thể không nói tới đó là chiến sĩ TZK. Khi những tín hiệu tới tấp truyền về chỉ huy sở của đơn vị thông báo tình hình hoạt động của địch và mệnh lệnh cấp trên chuyển đơn vị vào cấp I ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi công tác điện từ tay chiến sĩ trắc thư Đét 75 bật lên và tiếng máy nổ ầm ầm rung chuyển, trên đỉnh cao của xe Pê A (ÕA), thu phát, chiến sỹ TZK luôn bình tĩnh gan dạ dũng cảm làm nhiệm vụ cảnh giới bằng mắt thường cho đơn vị đó chính là đôi mắt thần ra đa trong mỗi trận đánh.

      Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Lainơbêchcơ II, Mỹ đã huy động 663 lần chiếc B52, hơn 3920 lần chiếc máy bay chiến thuật, có F111, sử dụng các khí tài điện tử gây nhiễu hiện đại, đánh tập trung ồ ạt hơn 100 ngàn tấn bom  đạn xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số nơi khác. Riêng Hà Nội, chúng đã sử dụng 441lần chiếc B52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10 ngàn tấn bom ( sức công phá hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirôsima và Nagasaki, Nhật Bản), hủy diệt nhiều khu phố làng mạc, phá sập 5480 ngôi nhà trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2368 người dân, làm bị thương 1355 người.

      Tại mặt trận Điện Biên Phủ trên không Hà Nội 12 ngày đêm, chúng tôi đã chiến đấu trên khắp các trận địa xung quanh Thủ đô: Vạn Điểm, Thường Tín, Nhổn, Vân Đình, Kim Anh, Tó (Đông Anh), Chèm….góp phần cùng quân dân Thủ đô đánh bại không lực Hoa kỳ: Nhiều máy bay bị bắn cháy, 81 máy bay tối tân bị bắn rơi, trong đó có 34 pháo đài bay B52, 5 chiếc F111 đã tan xác trên bầu trời Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến; gần 100 tên giặc lái sừng sỏ đã phải tan xác hoặc bị bắt giam vào khách sạn Hin-tơn – Hà Nội.

      Bộ đội tên lửa chúng tôi từ chiến trường Quảng Trị hành quân về thủ đô Hà Nội – trái tim yêu dấu của cả nước đã cùng với các đơn vị tên lửa bạn, cùng các đơn vị khác trong Quân chủng Phòng không – Không quân và các lực lượng vũ trang khác lập nên chiến công vinh quang này – chiến công mà quân dân ta và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới khẳng định: Chân lý thuộc về sức mạnh chính nghĩa đúng như Hồi ức của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình – Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận dân tộc giải phóng  - Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghi Pari về Việt Nam khẳng định sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom Hà Nội vào 7h sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972: Đây là kết quả sự hy sinh chiến đấu của quân và dân ta trong trận đánh quyết định cuối năm 1972; cũng là kết quả sự lên án mạnh mẽ của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đối với hành động phiêu lưu tàn bạo của chính quyền Nixon (5) “Chiến thắng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không ở thủ đô Hà Nội đã tạo thế vững mạnh cho hai đoàn đàm phán của ta” (6) để cuối cùng Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27 - 1- 1973.

      Binh chủng tên lửa thật xứng đáng với danh hiệu Binh chủng anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Quân đội ta – quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra được Đảng, Bác Hồ dày công rèn giũa, xây dựng; được nhân dân nuôi dưỡng, chăm lo mọi mặt đã lớn mạnh không ngừng.

      Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân, của sự kế thừa phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới ; của trí thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc ta chống lại cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ với vũ khí hiện đại.

      Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã góp phần quyết định đánh cho Mỹ cút, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Viềt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử đi tới thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc năm 1975.

      Bộ đội tên lửa chúng tôi rất tự hào được góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang đó.

Chú thích:
(1)   và (3) trang 95 “ Hồi ức Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả: “Mặt trận dân tộc giải phóng_ Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam”. (2) Trang 91,  (4) Trang 100 , (5) và (6) Trang 103 – sách đã dẫn ở trên.