SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA HỌC SINH NĂM 2025
Nhằm góp phần thực hiện đổi mới phương pháp học tập theo định hướng phát triển năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, đồng thời tập dượt cho các em học sinh bước đầu làm quen với các kĩ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, từ năm 2003, TS Võ Thế Quân – Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường – nhà sáng lập Trường THPT Đông Đô đã tiên phong đề ra chủ trương làm bài tập nghiên cứu khoa học trong học sinh. Đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong học sinh với số lượng và chất lượng đề tài ngày càng được nâng cao. Năm 2025, đã có đến 137 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu ở 11 môn học trong tổng số 13 môn học theo Chương trình GDPT 2018 (Toán, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học, GDQP-AN, Kinh tế pháp luật và Hoạt động trải nghiệm).

Ở các môn Khoa học tự nhiên, học sinh có thể thực hiện các đề tài về ứng dụng toán học trong thực tiễn, mô phỏng các thí nghiệm vật lý, điều chế chất đơn giản, tìm hiểu các quy luật sinh học trong đời sống. Ví dụ như: Ứng dụng nguyên hàm, tích phân trong đời sống; Tìm hiểu về các loại enzyme ứng dụng trong chế biến thực phẩm…
Ở các môn Khoa học xã hội, các đề tài nghiên cứu thường mang tính chất xã hội, nhân văn và thực tiễn cao, thể hiện sự quan tâm của các tác giả đối với những vấn đề hiện nay của đất nước như: Bài học về thời cơ chiến lược trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Tác động của toàn cầu hóa đến phát triển kinh tế xã hội Việt Nam... Đặc biệt, có đến 20 đề tài viết bằng Tiếng Anh, thể hiện khả năng ngoại ngữ và hội nhập quốc tế của học sinh Đông Đô.
Nhiều đề tài đã cập nhật các phần mềm, ứng dụng AI phục vụ học tập cũng như ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Tại Hội thảo Học sinh với tự học và nghiên cứu khoa học, TS Võ Thế Quân – Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng trường đánh giá cao nỗ lực hướng dẫn của giáo viên và quá trình rèn luyện làm bài tập nghiên cứu của các tác giả học sinh. Thông qua quá trình này, học sinh rèn được phương pháp tự học, tư duy khoa học từ đơn giản đến phức tạp làm nền tảng cho các em ở bậc học cao hơn. Đồng thời, TS Võ Thế Quân cũng đưa ra nhiều nhận xét đắt giá nhằm giúp các em học sinh bổ sung, hoàn thiện đề tài nghiên cứu hơn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học là sân chơi trí tuệ bổ ích, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức, kỹ năng và nhân cách, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hình thành thế hệ học sinh năng động, sáng tạo, làm chủ tri thức trong kỷ nguyên số.
